Lo ô nhiễm Vịnh Hạ Long

Biển Hạ Long đang xuống cấp nghiêm trọng, nhưng rất có thể rồi một ngày nước biển sẽ xanh thăm thẳm trở lại, khi ở nơi đây đang có những người nỗ lực hết mình vì môi trường.

Biển Hạ Long đang xuống cấp nghiêm trọng, nhưng rất có thể rồi một ngày nước biển sẽ xanh thăm thẳm trở lại, khi ở nơi đây đang có những người nỗ lực hết mình vì môi trường. 
Làng chài Vung Viêng
Làng chài Vung Viêng
Ô nhiễm môi trường vịnh Hạ Long: SOS
Từ chiếc xuồng cao tốc chạy ra Vịnh Hạ Long, không khó có thể nhận thấy bằng mắt thường chất lượng nước biển đang xuống cấp nghiêm trọng. Các vùng nước ở cảng tàu du lịch Bãi Cháy, âu tàu Tuần Châu, các khu neo đậu  tàu du lịch trên vịnh Hạ Long thường xuyên có váng dầu loang trên mặt biển. 
Những năm gần đây, việc phát triển kinh tế, du lịch ở Quảng Ninh đã có những biến đổi chóng mặt. Nhưng kèm với đó việc gia tăng nhanh chóng các phương tiện hoạt động trên vịnh đã khiến môi trường ngày thêm xấu. Thống kê của Ban quản lý Vịnh Hạ Long cho thấy, trung bình mỗi ngày các đội gom rác thải của Ban vớt khoảng 2,5 m3 rác thải trên mặt biển. Ngoài ra việc khai thác than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã và đang ảnh hưởng đến quá trình bảo tồn lâu dài di sản. Mặt khác, nước thải từ các khu dân cư, nhà máy, xí nghiệp  chưa qua xử lý xả thẳng ra biển là mối nguy cơ lớn với môi trường.
Chính ô nhiễm đó đã khiến cho hệ sinh thái biển có những biển đổi nghiêm trọng, hệ sinh thái xấu làm giảm lượng ô xy trong nước, hủy hoại thủy sinh, mất hệ sinh thái vốn giàu có của vịnh. 
Giờ học môi trường của người thầy đặc biệt
Bên mái hiên ngôi trường tiểu học của làng chài Cửa Vạn, lũ trẻ chăm chú trông xuống mặt nước xanh thẳm. Hơn phút sau, từ phía dưới đó, một cái đầu ngấp ngó ngoi lên, hai tay giơ lên mấy nhành san hô chết rồi đưa cho lũ trẻ xem. Giờ học về môi trường mà người đàn ông đến từ đất nước mặt trời mọc kia thường bắt đầu bằng những ví dụ trực quan sinh động như vậy. Qua người phiên dịch, tôi ngỡ ngàng khi biết đấy là vị giáo sư Koji Osuka,  phụ trách bộ môn Hải Dương học của Đại học Osaka. 
Nói về lý do đến với vùng biển này, ông Koji bày tỏ: khi biết Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức thực hiện dự án bảo vệ môi trường dự án Vịnh Hạ Long, ông đã tình nguyện sang đây để cùng với những đồng nghiệp khác góp phần nâng cao các hoạt động giáo dục môi trường cho chính những người dân sinh sống trên vịnh. 
Từ lần đầu tiên đặt chân đến đây cách đây ba năm, ông đã có hơn bốn mươi lần đến giảng dạy cho lũ trẻ ở làng chài Vung Viêng, Cửa Vạn, Ba Hang, Cống Đầm và bà con ngư dân về những tác động của môi trường với cuộc sống. Người dân nơi đây dần quen với hình ảnh người đàn ông trung niên có đôi mắt hiền từ này đến nhà ngồi nói chuyện, chỉ họ cách bảo vệ môi trường- những điều vốn dĩ lạ lẫm với họ bấy lâu nay.
Cùng tôi đi trên con thuyền chạy vòng quanh làng chài Cửa Vạn, khu trưởng Nguyễn Văn Long giới thiệu sơ qua về làng chài của mình. Theo như ông nói hiện làng chài có hơn 150 nóc nhà, người dân sống chủ yếu bằng nghề khai thác, nuôi trồng hải sản và làm du lịch. Chỉ cho tôi trước mỗi nhà có mấy cái thùng, ông bảo ấy là thùng phân loại rác thải. Theo đó, rác ở đây được phân loại thành rác vô cơ, hữu cơ và xỉ than (3R). Hàng ngày, sẽ có thuyền đến thu gom rác thải đến từng nhà rồi tùy từng loại rác có biện pháp xử lý thích hợp. Riêng với rác vô cơ sẽ được tái chế, làm thành phân rồi sử dụng ngay chính trên những hòn đảo ở đây trong việc trồng cây xanh.
Tìm đến nhà bè của chị Đinh Thị Thành đúng vào giờ chị chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Sau khi chế biến xong mấy món ăn, chị mang ít đồ ra rửa. Cầm miếng rửa bát Acrylic ra rửa đống chén bát, chị bảo từ khi dung loại này, lượng nước ngọt, xà phòng rửa dùng trong sinh hoạt sử dụng ít hơn hẳn. “Đỡ lắm. Nước ngọt ở đây đắt, đã vậy dùng xà phòng ít khiến cho chúng tôi cũng bớt lo hơn khi chất lượng bè cá nhà mình nuôi cũng được bảo đảm. Nhà báo tính, nhà nào cũng dùng nhiều xà phòng quá thì cá không ốm thì cũng chậm lớn lắm.”
 Khu trưởng Long quay sang tôi nói: Từ khi có những tuyên truyền viên về môi trường của JICA đến truyền đạt về kiến thức bảo vệ môi trường, nhận thức của bà con thay đổi nhiều lắm. Chứ trước đây thì xà phòng được sử dụng trong làng vô tội vạ.
Kết
Dự án bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long do cơ quan JICA phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh sắp kết thúc sau ba năm thực hiện. Khi tôi hỏi ông Iwai- cố vấn trưởng dự án về ý nghĩa dự án này đối với việc cải thiện chất lượng nước biển. Ông nói: Không thể đong đếm cho tín hiệu tích cực cải thiện hệ sinh thái ở vịnh trong một vài năm tới đây được. Bởi muốn hoàn nguyên được hệ sinh thái cũng là cả một chặng đường rất dài ở phía trước. Chúng tôi mong có một sự thay đổi nhận thức căn bản về môi trường cho thế hệ sau và tôi tin điều đó sẽ được thực hiện.
Sơn Bình

Đọc thêm