“Loạn” xây dựng không phép tại Cửa khẩu Chi Ma: Ban quản lý cho rằng vì cơ chế “nửa dơi, nửa chuột”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Liên quan đến trách nhiệm để xảy ra hàng loạt công trình không phép, sai phép tại khu vực Cửa khẩu Chi Ma (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn), đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết: “Ban được tỉnh giao cho quản lý… nhưng giao không triệt để, “nửa dơi, nửa chuột”, cái thì tỉnh phê duyệt, cái thì tỉnh cấp đất, đúng ra phải Ban là đầu mối hết thì chẳng chối đi đâu được”.
Trụ sở Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn.
Trụ sở Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn.

Huyện chỉ rõ nguyên nhân từ Ban Quản lý

Như PLVN đã phản ánh, nhiều năm qua, tại khu vực Cửa khẩu Chi Ma đã xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp (DN) lấn chiếm đất, xây dựng hàng loạt công trình không hoặc sai giấy phép xây dựng (GPXD).

Đến tháng 10/2020, Chủ tịch huyện Lộc Bình mới có Quyết định 5318/QĐ-UBND thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và ban hành kế hoạch kiểm tra, rà soát, xử lý các vi phạm về đất đai, đầu tư xây dựng với các dự án ngoài ngân sách tại khu vực này.

Kết quả kiểm tra rà soát 21 dự án, có đến 6 dự án còn vướng mắc về lĩnh vực đất đai, 12 dự án còn vướng mắc về xây dựng không phép, xây dựng sai phép. Điển hình như dự án kho bãi xếp dỡ hàng hóa của Cty TNHH Tuấn Minh; dự án bến xe, kho hàng của Cty CP DV XNK tổng hợp Chi Ma HTT; dự án Trung tâm quảng cáo giới thiệu sản phẩm tại Chi Ma - Lộc Bình của Cty TNHH MTV Xây dựng & Thương mại tổng hợp Thanh Hải;…

UBND huyện Lộc Bình cho biết, với những trường hợp còn thời hiệu xử phạt, huyện đã ban hành 33 quyết định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực xây dựng, 1 quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực đất đai, còn 2 trường hợp đang củng cố hồ sơ trình Chủ tịch huyện ban hành quyết định thuộc thẩm quyền. Với trường hợp vượt thẩm quyền, huyện trình Chủ tịch tỉnh ra quyết định xử phạt VPHC và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Theo UBND huyện, nguyên nhân dẫn vi phạm là do công tác quản lý về đất đai, xây dựng khu vực Cửa khẩu Chi Ma còn có những lỏng lẻo, chưa sát sao, chưa quyết liệt; các sai phạm đã lâu, thời điểm bắt đầu thực hiện các hành vi vi phạm không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhắc nhở, ngăn chặn kịp thời.

“Quá trình triển khai thực hiện đầu tư dự án của các DN, cơ quan nhà nước mà trực tiếp là Trung tâm quản lý Cửa khẩu Chi Ma (thuộc Ban Quản lý -BQL - PV) và UBND xã Yên Khoái đã không kịp thời kiểm tra, xử lý, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện đầu tư các hạng mục theo đúng Giấy chứng nhận đầu tư và GPXD đã được cấp, dẫn đến việc nhiều dự án đầu tư chưa đúng”, theo UBND huyện Lộc Bình.

Ban Quản lý nói gì?

Thế nhưng, nói đến trách nhiệm để xảy ra những vi phạm trên, ông Hoàng Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng của BQL cho rằng: “Ban phát hiện kịp thời, phải rất nghiêm khắc thì có lẽ tốt hơn; còn việc xử lý là của chính quyền các cấp là một phần; của các ngành chuyên ngành như Sở Xây dựng, GTVT, TN&MT”.

Theo ông Sơn, chức năng của BQL được tỉnh giao thêm khu Chi Ma, nhưng trong quá trình giao nhiều nội dung không triệt để, từ việc cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận đầu tư đều do tỉnh hết. Đúng ra giao cho Ban thì Ban cấp đấy.

“Nói đến trách nhiệm, BQL được tỉnh giao cho quản lý như vậy, quản lý khu Chi Ma, nhưng trong quản lý đó việc giao không triệt để, như Chi Ma cũng “nửa dơi, nửa chuột”, cái thì tỉnh phê duyệt, cái thì tỉnh cấp đất, ví dụ thế. Đúng ra phải là BQL hết; đầu mối là BQL thì BQL chả chối đi đâu được”, ông Sơn nói.

Về việc xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, ông Sơn cho biết: “Việc xử lý kiểm điểm thì phải có chỉ đạo từ cấp trên xuống, chứ hiện tỉnh chưa có chỉ đạo, người ta phải xem xét, kiểm điểm thấu đáo, nhiều chiều, xem xét của các ngành mới khẳng định được trách nhiệm của ai”.

Trao đổi với PV về vấn đề trên, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng BQL cho rằng: “Trách nhiệm đầu tiên là DN. Thứ hai là quản lý địa bàn thì phải là chính quyền địa phương, về đất đai, về xây dựng, về con người. Trách nhiệm thứ ba là các cơ quan chức năng, trong đó có Trung tâm Cửa khẩu (thuộc BQL), trong quá trình xảy ra vi phạm có thể chỉ báo cáo, họp trong giao ban, đưa ra vấn đề thôi chứ không có biên bản, không có văn bản, phối hợp không chặt, khi để xảy ra xử lý chưa kịp thời”.

“Cái quan trọng nhất là chức năng, nhiệm vụ không quy định. BQL không phải là cơ quan được giao trách nhiệm thanh tra, kiểm tra và không có thẩm quyền xử lý vi phạm. Nên để triển khai thì phải đi phối hợp với một “ông” khác”, ông Nghĩa nói.

Nói như vậy, BQL đã làm hết trách nhiệm quản lý nhà nước được giao hay chưa? Tập thể, cá nhân nào chịu trách nhiệm về sự việc? Ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn sẽ có hình thức xử lý kiểm điểm trách nhiệm như thế nào?

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc thêm