Loay hoay xử lý lấn chiếm gầm cầu

(PLO) -Trên địa bàn Hà Nội, không khó để bắt gặp tình trạng gầm cầu bị chiếm dụng, biến thành bãi trông giữ xe, nhà xưởng, thậm chí là điểm tập kết rác thải. Việc gầm cầu bị “xẻ thịt” như trên là hoàn toàn trái các quy định của Nhà nước, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Tuy nhiên, công tác xử lý vấn đề trên vẫn còn nhiều bất cập, điệp khúc xử lý, giải tỏa rồi lại tái lấn chiếm vẫn diễn ra phổ biến.
 
Gầm cầu thăng long đoạn qua địa phận phường Đông Ngạc bị lấn chiếm thành điểm trông giữ xe
Gầm cầu thăng long đoạn qua địa phận phường Đông Ngạc bị lấn chiếm thành điểm trông giữ xe

Nhan nhản vi phạm

Chỉ cần đi một vòng quanh một số tuyến phố có xây dựng cầu vượt tại Hà Nội có thể dễ dàng bắt gặp những bãi xe chật cứng phương tiện xếp san sát nhau dưới các gầm cầu. Gầm cầu vượt thuộc đường Văn Cao - Hoàng Hoa Thám (quận Tây Hồ) là một ví dụ.

Theo ghi nhận của PV, hiện khu vực này được một số cá nhân trưng dụng để làm bãi trông giữ các phương tiện như xe máy, ô tô… cả ngày và đêm. Đáng nói, do ô tô leo lên cả dải phân cách khiến thảm cỏ và cây xanh quanh khu vực cũng bị ảnh hưởng, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. 

Tương tự, tại khu vực gầm cầu vượt Láng - Cầu Giấy (quận Đống Đa), từng dãy ô-tô đỗ cạnh nhau chiếm trọn vẹn khoảng không gian dưới cầu. Chân cầu Thăng Long, đoạn qua địa phận phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm) và xã Hải Bối (huyện Đông Anh) là “điểm đen” nhức nhối hơn cả. Tại khu vực này, nhiều diện tích dưới chân cầu đã trở thành nơi tập kết hàng hóa, xưởng sản xuất… gây mất an toàn công trình cầu. 

Cụ thể, tại địa bàn phường Đông Ngạc, khu vực tính từ trụ cầu N4 đến N7 trở thành điểm đỗ xe và tập kết vật liệu xây dựng. Tại đây, tồn tại nhiều xe ô tô đỗ ngay sát phần chân cầu. Không chỉ vậy, nhiều “nhà tạm” và vật liệu xây dựng cũng được bố trí ngay trong khu vực này. Trên địa bàn xã Hải Bối, tình trạng xâm chiếm hành lang bảo vệ cầu Thăng Long càng trở nên nghiêm trọng. 

Chẳng hạn, khu vực cầu Thăng Long, đoạn từ trụ B7 đến B9, ngay dưới khu đất của gầm cầu hiện vẫn còn tồn tại nhà tôn, kệ hàng máy móc, đồ cơ khí, vật liệu sắt thép… Chạy dọc khu vực đường bê tông, phần lớn gầm cầu còn được “trưng dụng” thành nhà hàng, quán game, gara ô tô, điểm tập kết hàng hóa, vật liệu xây dựng... cách đó không xa, khu chợ Cổ Điển cũng họp tấp nập, nhiều đoạn người dân còn lấn sát vào chân cầu để đậu xe và trưng bày hàng hóa.

Ngoài các vi phạm về lấn chiếm, ngay dưới gầm cầu, đoạn thuộc thôn Cổ Điển cũng đang tồn tại bãi tập kết rác, phế thải nằm ngay sát chân cầu. Rác, phế thải lưu cữu lâu ngày khiến cả khu vực chìm trong mùi xú uế, môi trường bị ảnh hưởng, ô nhiễm nghiêm trọng.

Cần đẩy mạnh phát triển giao thông tĩnh

Theo Thông tư số 35 của Bộ Giao thông Vận tải, từ ngày 1/12/2017, các tổ chức, cá nhân không được chiếm dụng gầm cầu làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác. Như vậy, rõ ràng việc lập các điểm trông giữ xe dưới gầm cầu là hoàn toàn trái các quy định của Nhà nước, đó là chưa kể đến nguy cơ cháy, nổ sẽ ảnh hưởng đến kết cấu dầm cầu, nguy cơ sập cầu. Bởi vậy, việc xử lý các bãi trông giữ xe chiếm dụng gầm cầu là cần thiết. 

Theo tìm hiểu, hiện trên địa bàn thành phố có 13 điểm đang sử dụng gầm cầu làm nơi giữ xe. Trong số này có 9 điểm được cấp phép tạm thời để đáp ứng một phần nhu cầu giao thông tĩnh. Chẳng hạn, tại quận Hoàn Kiếm, dưới gầm vòng xuyến cầu Chương Dương có hai bãi giữ xe thuộc phường Lý Thái Tổ và phường Hàng Buồm phục vụ cho tuyến phố đi bộ mở rộng sang không gian khu bảo tồn cấp 1 phố cổ Hà Nội. Một số gầm cầu khác như cầu Vĩnh Tuy, cầu Long Biên, cầu vượt Ngã Tư Vọng, cầu Mai Dịch cũng đang được bố trí làm các điểm giữ xe. 

Bốn điểm trông xe dưới gầm cầu không được cấp phép và cơ quan chức năng TP Hà Nội sắp tới sẽ xử lý gồm: gầm cầu Chương Dương, gầm cầu vượt Văn Cao, gầm cầu Thăng Long (quận Bắc Từ Liêm) và gầm cầu vượt Cầu Giấy - Láng.

Bên lề câu chuyện “bắt cóc bỏ đĩa” khi xử lý lấn chiếm gầm cầu, có một thực tế là việc lấn chiếm xuất phát từ nhu cầu dừng đỗ phương tiện của người dân. Nói cách khác, vì Hà Nội thiếu hụt các bến bãi, điểm đỗ xe nên mới gây ra tình trạng lấn chiếm gầm cầu như vậy. Rõ ràng, việc xử lý lấn chiếm hành lang cầu là cần thiết, tuy nhiên, các ban ngành chức năng cần sớm tìm ra giải pháp bố trí giao thông tĩnh. Khi người dân được đáp ứng đủ nhu cầu dừng đỗ phương tiện, tin chắc việc “xẻ thịt” gầm cầu sẽ không còn tái diễn. 

Theo Quy hoạch số 165/2003/QĐ-UB năm 2003 (Quy hoạch 165) về mạng lưới các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe trên địa bàn thành phố đến năm 2020, Hà Nội sẽ dành tổng quỹ đất cho giao thông tĩnh là 796,82 ha. Tuy nhiên, đến nay, theo Sở Giao thông Vận tải, Hà Nội mới bố trí được khoảng 91,16 ha, chiếm 0,21% đất xây dựng đô thị. Bởi vậy, thành phố đang rơi vào cảnh thiếu điểm, bãi đỗ xe tĩnh nghiêm trọng. Đây chính là những lý do khiến các bãi xe dưới gầm cầu vẫn tồn tại cho đến bây giờ.

Đọc thêm