Thông tin từ Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, vừa qua đã tiếp nhận điều trị một bệnh nhân nữ bị viêm loét giác mạc cả 2 mắt do đeo kính áp tròng. Bệnh nhân tên Hoàng Thị Sang, 20 tuổi, quê Đắk Lắk (tên bệnh nhân đã được thay đổi), mặc dù không bị tật khúc xạ nhưng thỉnh thoảng vẫn tự ý mua kính áp tròng đeo để làm đẹp khi đi chơi với bạn bè. Mỗi lần sử dụng như vậy Sang thường dùng liên tục trong vòng khoảng 5 đến 8h trong ngày. Trước khi sử dụng kính Sang có tra thuốc, rửa tay trước khi đeo kính và vệ sinh kính như hướng dẫn.
Tuy nhiên, lần gần đây nhất trong lúc Sang đeo kính thì bị bụi vào mắt nhưng không bỏ kính ra. Sau một thời gian Sang thấy mắt nhìn mờ dần và đỏ mắt nên đã tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc về tra. Sau 3 ngày không thấy đỡ bệnh nhân đã đến bệnh viện chuyên khoa mắt để khám và điều trị nhưng cũng không thuyên giảm. Mãi sau đến khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương, được các bác sỹ chẩn đoán là 2 mắt bị viêm loét giác mạc và cho làm xét nghiệm thì phát hiện Sang bị loét giác mạc do ký sinh trùng Acanthameoba.
Ký sinh trùng Acanthamoeba là kẻ thù tiềm ẩn đối với mọi người sử dụng kính áp tròng. Theo các chuyên gia, loại ký sinh trùng đơn bào bé nhỏ này thường được tìm thấy trong nước máy, bụi và các bể bơi. Chúng có thể tự “vỗ béo” bằng cách ăn những vi khuẩn tồn tại trong những mắt kính áp tròng bị nhiễm bẩn.
Khi các kính áp tròng nhiễm ký sinh trùng được đặt vào mắt người, Acanthamoeba bắt đầu ăn mòn giác mạc, lớp ngoài cùng của nhãn cầu và sinh sôi, nảy nở. Hậu quả từ cuộc tấn công của loại vi khuẩn này sẽ là các triệu chứng mắt ngứa rát, chảy nước mắt sống, nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng, sưng phù mí và đau mắt.
Ai cũng có thể bị amip ăn giác mạc, nhưng nguy cơ đó ở người đeo kính áp tròng cao hơn so với những người không đeo loại kính này. Nếu thấy nhóm triệu chứng gồm đau mắt, tấy đỏ, mắt nhạy cảm với ánh sáng và nhìn mờ thì phải đến ngay cơ sở nhãn khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, hiện nay kính áp tròng bán tràn lan trên thị trường nên các bạn trẻ rất dễ dàng để mua sản phẩm như ý, thế nhưng chất lượng và nguồn gốc của các loại kính này thường không rõ ràng, dễ gây hại cho mắt.
Để hạn chế thấp nhất những tác hại của kính áp tròng các bạn trẻ nên chọn kính áp tròng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tốt nhất là có giấy chứng nhận của Bộ Y tế, của các thương hiệu uy tín. Nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa mắt để có cách sử dụng, bảo quản kính áp tròng đúng cách. Sử dụng dung dịch rửa kính chất lượng, không được tự chế hay dùng các loại nước chưa tiệt trùng như nước cất, nước muối hay nước máy…
Luôn rửa sạch tay trước khi đeo kính. Sử dụng thuốc nhỏ mắt khi đeo kính áp tròng để mắt không bị khô. Nên đeo kính trước khi trang điểm. Nếu dùng phấn mắt, nên nhắm mắt lại khi trang điểm và phủi lớp phấn dư trước khi mở mắt ra. Đồng thời, lấy kính áp tròng ra trước khi tẩy trang. Không để kính áp tròng tiếp xúc với nước bọt hay để vào miệng vì vi khuẩn trong nước bọt sẽ thâm nhập vào mắt. Không đeo kính áp tròng khi trời mưa, đi bơi, đi lặn, đi ngủ. Không nên đeo kính áp tròng cả ngày. Khi mắt bị viêm nhiễm tuyệt đối không được sử dụng kính áp tròng.