Lợi dụng hình ảnh bác sỹ để trục lợi cá nhân bị xử lý như thế nào?

(PLVN) - Việc các trang mạng, sản phẩm dùng hình ảnh bác sĩ, người nổi tiếng quảng cáo thuốc tạm lắng một thời gian giờ lại nở rộ. Nhiều bác sĩ “sốc” khi thấy hình ảnh của mình quảng cáo tràn lan trên mạng cùng các sản phẩm bán hàng.
Lợi dụng hình ảnh bác sỹ để trục lợi cá nhân bị xử lý như thế nào?

Thời gian gần đây có một số tổ chức, cá nhân đã mạo danh, tự ý sử dụng hình ảnh của các Phó Giáo sư, Bác sĩ tại Bệnh viện Da liễu Trung ương trên các trang mạng xã hội, facebook, website để quảng cáo mà không hề xin phép.

Điển hình là trường hợp một trang web của người lấy danh là bác sĩ Lê Đình Hùng đã lấy hình ảnh của PGS.TS Lê Hữu Doanh - Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương - làm hình ảnh minh họa với những lời quảng cáo giật gân “Vảy nến - á sừng - tổ đỉa, một đi không trở lại”...

"Thầy Hùng luôn đồng hành với bà con" - nhưng người trong ảnh lại là PGS.TS Lê Hữu Doanh - Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương.
 "Thầy Hùng luôn đồng hành với bà con" - nhưng người trong ảnh lại là PGS.TS Lê Hữu Doanh - Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương.

Ngày 15/5, Bệnh viện Da liễu Trung ương phải đưa ra cảnh báo về tình trạng giả mạo, tự ý sử dụng hình ảnh bác sĩ của bệnh viện để trục lợi, lừa đảo từ người dân và bệnh nhân.

Trao đổi với PLVN, PGS.TS Lê Hữu Doanh - Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương - cho biết : "Đây là những những hành vi sử dụng hình ảnh của các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương khiến nhiều người tin tưởng về chất lượng của các sản phẩm. Việc làm này khiến người dân có thể có nhận định không đầy đủ về các sản phẩm, cơ sở này dẫn đến việc lựa chọn phương pháp điều trị sai lầm, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng người bệnh. Bên cạnh đó cũng ảnh hưởng lớn đến uy tín của các bác sĩ của bệnh viện".

PGS.TS Lê Hữu Doanh - Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương trao đổi với phóng viên PLVN
 PGS.TS Lê Hữu Doanh - Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương trao đổi với phóng viên PLVN

Cũng theo PGS.TS Lê Hữu Doanh, hiện nay bộ phận truyền thông của Bệnh viện Da liễu cũng đã tiến hành liên hệ với chủ trang web để tháo gỡ hàng loạt nội dung quảng cáo sai sự thật này. Nếu tình trạng này vẫn chưa được xử lý, Bệnh viện cũng sẽ báo cáo tới đơn vị có thẩm quyền để giả quyết triệt để sự việc.

Đối với những bệnh nhân đi thăm khám, chữa bệnh cần phải có hiểu biết khi tiếp cận thông tin trên mạng xã hội. Đặc biệt, người dân phải tìm hiểu rõ trang web, hình ảnh có chính thức hay không? Đồng thời, những hình ảnh trên mạng chỉ mang tính chất tham khảo không nên quá tin vào nhưng lời quảng cáo trên Web. Hi vọng thông qua các trang web chính thức của Bệnh viện, người dân sẽ hiểu thêm về việc chăm sóc về bản thân. 

Liên quan về vấn đề này Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS – Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội có ý kiến chia sẻ:

Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật dân sự năm 2015: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý…..” Do đó, việc sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác để đăng tải lên mạng xã hội, hoặc các Wesbite mà không có sự đồng ý của người đó là hành vi trái pháp luật.

Tùy thuộc vào nội dung, tính chất và mức độ vi phạm cụ thể thì các hành vi trái pháp luật này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 101 hoặc Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 15/04/2020, thay thế cho Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, với mức phạt là phạt tiền từ 10 triệu đồng cho đến 20 triệu đồng.

Mặt khác, những hành vi vi phạm này mà thuộc một trong các trường hợp như: Thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên; hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì sẽ cấu thành “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” (Điều 288 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017), với các loại và mức hình phạt như: Phạt tiền từ 30 triệu đồng cho đến 01 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến cao nhất là 07 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Khi phát hiện các hành vi vi phạm, thì người bị xâm phạm thông tin và hình ảnh có quyền làm đơn tố giác đến cơ quan Công an, hoặc khởi kiện tại Tòa án, để yêu cầu các cơ quan này giải quyết,  xử lý hành vi vi phạm, buộc người vi phạm phải chấm dứt hành vi vi phạm, thu hồi, gỡ bỏ, tiêu hủy các thông tin, hình ảnh vi phạm, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.  

Đọc thêm