Lời thề giữ rừng
Xuất phát từ ý thức cũng như nhận biết giá trị của rừng, nhiều năm nay, dân 2 làng De Chí và O Grang đều tổ chức lễ cúng thần rừng vào đầu năm mới theo phong tục tập quán của người Jrai. Đây như là một lời hứa, lời cam kết, bản giao kèo nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân trong việc giữ rừng.
Cùng với các lễ hội khác, lễ cúng thần rừng được xem là một lễ lớn, quy tụ tất cả dân làng, từ người già cho tới trẻ em, đàn ông và phụ nữ cùng vào rừng. Việc cúng thần rừng trên núi Kraih được 2 làng De Chí và O Grang tổ chức luân phiên nhau. Dù làng nào đứng ra tổ chức thì người dân 2 lành cũng chung tay gùi rượu ghè, cơm lam, gà, thịt heo làm lễ cúng.
Khi lễ vật đã chuẩn bị đầy đủ, già làng O Grang Siu Tới bắt đầu cúng. Thay mặt dân làng, già làng Siu Tới dâng các lễ vật lên thần rừng, cầu mong thần phù hộ mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cho những điều tốt đẹp đến với bà con dân làng, phù hộ cho cánh rừng nơi đây mãi xanh và phát triển, cho đội ngũ cán bộ bảo vệ rừng chân vững, mắt sáng để giữ rừng thật tốt.
Dân làng cũng hứa với thần rừng tuyệt đối không xâm hại đến rừng và chung tay bảo vệ không để các đối tượng nơi khác đến phá.
Sau lễ cúng, người dân 2 làng De Chí và O Grang quây quần bên những ché rượu thơm lừng. Thịt nướng trên than hồng đã được hạ xuống bày trên ống tre dài, cùng với muối lá ớt xanh, lá é, cơm lam thết khách. Bên ghè rượu, người dân các làng cùng cán bộ xã, cán bộ kiểm lâm thân mật tâm tình những câu chuyện, những kinh nghiệm hay để cùng chung tay giữ rừng.
Theo già làng Siu Tới, rừng không chỉ có ý nghĩa về vật chất mà còn có giá trị tinh thần to lớn, một cộng đồng từ xa xưa đã sống dựa vào rừng, hòa hợp và gắn bó, coi rừng như một chốn thiêng. Ngoài ý nghĩa tín ngưỡng, lễ cúng thần rừng còn là dịp giáo dục ý thức cho mọi người tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống tự nhiên xung quanh con người.
“Người Jrai sống gắn bó với rừng nên bảo vệ rừng là trách nhiệm, là ý thức chung của cả cộng đồng, truyền giữ qua nhiều đời, thể hiện sự tôn trọng, biết ơn rừng che chở, bảo vệ. Bảo vệ để những cánh rừng mạnh khỏe, tốt tươi sẽ mang lại cho con người rất nhiều lợi ích. Nhiều cây con hôm nay, mai sau sẽ trở thành rừng già, rừng tốt cho con cháu mình nữa”, già làng Siu Tới nói.
Cũng như già làng Siu Tới, già làng De Chí Puih Long bảo rằng, từ bao đời nay, dân làng luôn sống phụ thuộc vào rừng, từ que củi, giọt nước, củ khoai, củ sắn...
Vì vậy, lễ cúng là để dân làng tạ ơn thần rừng đã luôn quan tâm, bảo vệ cuộc sống của các thành viên trong làng, cầu mong cho dân làng có một mùa lúa mới bội thu, mưa thuận, gió hòa, cây cối được tươi tốt, no đủ.
“Thông qua lễ cúng, dân làng quyết tâm hơn trong việc bảo vệ rừng. Nếu có người nào trong làng xâm hại đến rừng, sẽ bị cộng đồng lên án, kiểm điểm nghiêm khắc”, già làng Puih Long cho biết.
Theo ông Siu Thunh - Bí thư Đảng ủy xã Ia Pếch, phát huy phong tục của người dân, hàng năm, xã khuyến khích người dân tổ chức cúng thần rừng, với mong muốn bà con cùng chính quyền chung tay bảo vệ tốt môi trường sinh thái, để có sức khỏe, kinh tế từ rừng mang lại.
Cán bộ kiểm lâm được già làng mời uống rượu cần sau khi cúng thần rừng. |
“Một lễ cúng thần rừng giữa bạt ngàn cây nhưng bà con không ai dám chặt dù là một cây gỗ nhỏ để lấy đường đi, mà chỉ cúi men theo lối mòn. Trước khi tổ chức lễ cúng, già làng đến báo cáo với lực lượng chức năng chặt vài cây lồ ô để đựng thực phẩm trong lễ cúng. Củi để nướng thịt cũng được người dân đi nhặt củi khô trong rừng. Những hành động nhỏ này cho thấy, ý thức bảo vệ rừng của người dân nơi đây rất cao”, ông Siu Thunh cho biết.
Cùng chung tay bảo vệ rừng
Không chỉ nhận thức mà dân 2 làng De Chí và O Grang còn có nhiều việc làm cụ thể và thiết thực để chung tay giữ rừng. Họ thường xuyên tham gia cùng tổ quản lý, bảo vệ rừng của xã và cán bộ, nhân viên kiểm lâm để giữ hơn 871ha rừng trên địa bàn xã.
Dù khu vực này luôn có nguy cơ nóng bỏng về tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép, song diện tích rừng trên không bị xâm hại. Đặc biệt, vùng rừng này giáp ranh với rẫy của người dân, nhưng nhiều năm qua không có việc lấn đất làm nương rẫy.
Hiện tổ bảo vệ rừng xã Ia Pếch có 14 thành viên nhưng hầu hết là người dân 2 làng De Chí và O Grang. Những thành viên của tổ bảo vệ rừng luôn để điện thoại chế độ 24/24. Hễ có động tĩnh gì là họ sẵn sàng lên đường ngay. Nhờ những thành viên này, phong trào giữ khu rừng của xã cũng lan sang những người thân của họ và lan ra cả cộng đồng.
Anh Rơ Mah Roi, thành viên tổ bảo vệ rừng xã Ia Pếch, cho biết: “Công việc tuần tra quản lý bảo vệ rừng của của các thành viên trong tổ rất vất vả, kinh phí hỗ trợ thì hạn chế nhưng anh em trong tổ luôn động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ để rừng không bị xâm hại. Trong những ngày lễ, Tết, chúng tôi càng tăng cường tuần tra nhiều hơn để bảo vệ rừng được tốt hơn”.
Theo lãnh đạo xã Ia Pếch, chính quyền địa phương luôn xem công tác quản lý, bảo vệ rừng là nhiệm vụ quan trọng. “Để phát huy tinh thần bảo vệ rừng của người dân, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền kiến thức pháp luật cho người dân. Nhờ đó, nhận thức người dân nâng lên rõ rệt”, ông Siu Thunh cho biết.
Ở xã Ia Pếch, mọi vấn đề của người dân liên quan đến rừng đều được báo cáo xin ý kiến cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành hữu quan của huyện. Chính vì vậy nên mặc dù nằm sát khu sản xuất và khu dân cư nhưng rừng và cảnh quan thiên nhiên ở đây được bảo vệ nghiêm ngặt, trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn và lý thú.
Theo ông Lâm Văn Long - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai, người dân 2 làng De Chí và O Grang đã hỗ trợ lực lượng kiểm lâm rất nhiều trong công tác bảo vệ rừng.
Từ ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, năm 2018, xã Ia Pếch là địa phương có diện tích trồng rừng nhiều nhất huyện Ia Grai với 70ha keo lá tràm. Để tạo sinh kế cho người dân, ngành kiểm lâm huyện đã đưa bà con đi tham quan nhiều mô hình kinh tế để phát triển và nhân rộng mô hình nuôi ong lấy mật dưới tán rừng, dựa vào nguồn hoa keo nở quanh năm.
“Mô hình quản lý, bảo vệ rừng gắn với tâm linh tạ ơn rừng ở một xã có phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số như Ia Pếch rất cần được nhân rộng, bởi nó tạo ra sự gắn kết và phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của cả cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ rừng. Thực tế cho thấy, ở nơi nào cấp ủy, chính quyền địa phương cùng người dân hưởng ứng tích cực trong việc giữ rừng thì ở đó công tác quản lý, bảo vệ rừng rất tốt”, ông Long cho biết.