Long An: Cần một cuộc thanh tra đối với Dự án 773 Thạnh Hòa Lợi

(PLO) - Thời gian gần đây, nhiều hộ nông dân ở huyện Bến Lức đã gửi đơn đến nhiều cơ quan có thẩm quyền tỉnh Long An, Trung ương và báo chí phản ánh việc thực hiện Dự án đầu tư khai thác sử dụng đất hoang hóa phát triển nông lâm nghiệp vùng Thạnh Hòa Lợi - huyện Bến Lức, tỉnh Long An của chính quyền địa phương có dấu hiệu tiêu cực, kéo dài.
Khu D của Dự án 773 vùng Thạnh Hòa Lợi

Kéo dài vì dự án trên giấy tờ thực hiện từ năm 1996 đến năm 2000, nhưng thực tế 18 năm qua vẫn còn quá nhiều hệ lụy do cách làm khuất tất của chủ dự án. Đó là nhiều dân nghèo tại chỗ còn thiếu đất sản xuất, ngược lại, cán bộ địa phương thì quá nhiều đất, thậm chí cả chục ha phải bán bớt với giá cao cho doanh nghiệp nơi khác đến đầu tư...

Từ chủ trương hợp lòng dân...

Được biết, ngày 21/12/1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký Quyết định số 773/TTg về Chương trình khai thác sử dụng đất hoang hóa, bãi bồi ven sông, ven biển và mặt nước ở các vùng đồng bằng (Dự án 773).

Điều 2 quyết định ghi rõ, chương trình được thực hiện bằng các dự án và phải được xây 

dựng đồng bộ, vừa phát triển kinh tế, hình thành cơ cấu kinh tế theo hướng nông, lâm, ngư nghiệp kết hợp, phù hợp với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vừa bố trí lại dân cư (di dân, chuyển dân), giải quyết các nhu cầu về vấn đề xã hội (văn hóa, giáo dục, bảo vệ sức khỏe) nhằm xây dựng nông thôn mới, văn minh, hiện đại, bảo vệ và cải thiện được môi trường sinh thái chung...

Dự án 773 đã được Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (lúc bấy giờ) thẩm định tháng 10/1995, với diện tích 3.500ha, trong đó 2.860ha đất có khả năng phát triển nông lâm nghiệp và từ nay đến năm định hình toàn vùng dự án bố trí khoảng 1.000 hộ, trong đó điều dân từ nơi khác đến là 500 hộ. 

Mỗi hộ dân đến vùng dự án được nhận 02ha đất trồng mía, 1.500m2 đất thổ cư và kinh tế vườn, 4.000-5.000m2 đất để trồng màu hoặc hồ ao thả cá kết hợp đất trồng rừng tràm được chia thấp trũng, phèn nặng. Ở các vùng đất thấp trũng mỗi hộ được cấp tôn nền 100m2 và làm bờ bao. Toàn vùng dự án nên hình thành 3 - 4 điểm dân cư tập trung, bố trí theo cụm kết hợp tuyến đảm bảo thuận lợi cho các sinh hoạt cộng đồng. 

Văn bản thẩm định còn nhấn mạnh: “Khắc phục mọi biểu hiện bao chiếm buôn bán đất đai trong vùng dự án khiến hộ nghèo không có đất”. 

…đến quản lý, thực hiện dự án lỏng lẻo?...

Ngày 27/10/1995, UBND tỉnh Long An ban hành Quyết định số 1764/QĐ-UB về việc phê duyệt Dự án 773 nằm trên xã Thạnh Lợi và Thạnh Hòa, huyện Bến Lức, tổng diện tích tự nhiên 3.500ha, trong đó 2.860ha đất hoang hóa còn khả năng phát triển nông lâm nghiệp. Về phân bổ lao động dân cư đất đai và điểm dân cư nội dung phê duyệt như văn bản thẩm định của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm. Chủ đầu tư dự án được giao cho Sở Nông Lâm nghiệp và Thủy lợi Long An, còn chủ dự án thì giao cho Phòng Kinh tế huyện Bến Lức (!?).

Không biết trong quá trình triển khai, khi hết thời gian thực hiện Dự án 773 (năm 2000), địa phương có tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm những việc làm được và chưa làm được hay không mà sau đó gần 5 năm, UBND huyện Bến Lức mới có Quyết định số 4033/QĐ-UBND, do Phó Chủ tịch Ngô Văn Sáu ký ngày 07/09/2005 về việc giao đất cho 69 hộ tại khu C Dự án 773 với tổng diện tích 78,976 ha.

Trước đó, vào tháng 08/2003, tập thể 46 hộ dân đều ở Lô C, ấp 4, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức đã cùng ký tên tố cáo cách làm của chủ Dự án 773, tại sao các hộ dân nghèo khai hoang vỡ đất nhiều năm tại đây không được cấp đất mặc dù họ khẩn thiết yêu cầu?

Lúc bấy giờ, quyết định giao đất của UBND huyện Bến Lức cho 69 hộ kể trên cũng lại gặp sự phản ứng quyết liệt của 72 hộ nông dân đang sản xuất tại chỗ, bởi họ đã trực tiếp trồng tràm từ 5 năm trước...Bảy mươi hai hộ dân này đã gửi văn bản kiến nghị với chính quyền, nội dung: “Ai có công khai vỡ thì người đó được quyền sử dụng đất, ai đã có đất và đã bán thì không được cấp nữa, những hộ nghèo không đất sử dụng thì lấy đất của ai quá nhiều ở khu D cấp cho họ”.

Khu A, khu B và khu D ở đây, theo ông Huỳnh Văn Sàng (sinh năm 1950, ngụ tại ấp 4, xã Thạnh Lợi - tham gia cách mạng năm 1965, được Nhà nước tặng Huy chương kháng chiến hạng nhì), đều nằm trong Dự án 773 vùng Thạnh Hòa Lợi. Các hộ nông dân trực tiếp sản xuất được cấp trong các khu này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đa phần đất ở khu A, khu B và D đều cấp cho cán bộ hay người nhà của cán bộ(!?). 

Danh sách 34 người của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Long An xin đất sản xuất gửi UBND huyện Bến Lức được ký ngày 28/03/2001 không có gì sai, nhưng dễ làm cho người dân sẽ suy nghĩ, nếu nhận đất rồi những cán bộ này có trực tiếp sản xuất nông lâm nghiệp như mục đích ban đầu của dự án không, hay là cho người khác thuê lại hoặc đợi lên giá đem bán để thu lợi?

Báo PLVN sẽ phản ánh tiếp ở số báo sau về những khoản thu kỳ quặc, không rõ ràng.

Đọc thêm