Trước vận động khai hoang, sau gọi là “lấn chiếm”
Hộ bà Lê Thị Hường (65 tuổi, ấp 5, xã Đức Hoà Đông, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An) vốn là gia đình chính sách 3 đời, bản thân bà từng hoạt động cách mạng. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước về việc khuyến khích lấp kín đồng bưng diện tích khoảng 500ha, năm 1982 bà Hường khai hoang phục hoá thửa đất có diện tích 27.514m2, tại ấp 5, xã Đức Hoà Đông. Thửa đất trên là vùng trũng ngập nước, bị bỏ hoang hàng chục năm, được bà Hường đào mương lên liếp trồng điều, bạch đàn hầu hết diện tích.
Việc khai hoang, cải tạo kéo dài ròng rã 5 năm trời, đến năm 1988 bà Hường đăng ký lập bản đồ địa chính tại xã Đức Hoà Đông. Sau 10 năm khai khẩn và sử dụng đất ổn định, năm 1992, thửa đất này bỗng dưng xảy ra tranh chấp. Điều đáng nói, khiếu nại đòi đất của người từng bỏ hoang đất suốt thời gian dài là hết sức vô lý, tuy nhiên chính quyền địa phương vẫn thụ lý và giải quyết một cách ngược chủ trương, tiền hậu bất nhất.
Sự việc khởi đầu từ khiếu nại đòi lại đất của ông Nguyễn Khắc Thiện, người vứt bỏ đất hoang hoá từ trước năm 1975 đến sau năm 1980. Ngày 15/7/1994, UBND huyện Đức Hoà ra Quyết định số 319/QĐ-UB với nội dung giữ nguyên quyền sử dụng phần đất nói trên cho bà Hường. Đến ngày 28/7/1995, UBND tỉnh Long An ra Quyết định 4345/QĐ-UB chuẩn y quyết định của huyện. Lý do: bà Hường trực tiếp khai hoang và sử dụng đất ổn định từ năm 1981 đến lúc bấy giờ.
Sự việc tưởng chừng kết thúc thì ngày 23/10/1996, UBND tỉnh Long An lại có Quyết định 1767/QĐ-UB thu hồi Quyết định 4345/QĐ-UB mà không một lý do. Quyết định này cho rằng bà Hường “lấn chiếm” và “khai dở”. Điều đáng nói, cả 2 quyết định nói trên đều do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An lúc bấy giờ là bà Trần Thị Sửa ký ban hành, ban đầu khẳng định bà Hường có công khai hoang, sau lại nói bà Hường “lấn chiếm”. Với cách giải quyết khiếu nại mâu thuẫn và tuỳ tiện, bà Hường từ một người có công khai phá đất thành kẻ có hành vi sai trái “lấn chiếm”.
Cấp dưới kiến nghị, lãnh đạo tỉnh phớt lờ?
Tiếp đến, ngày 6/5/1997, cũng chính bà Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Thị Sửa ký ban hành Quyết định 982/QĐ-UB, tạm đình chỉ thi hành Quyết định 1767/QĐ-UB, giao Thanh tra tỉnh xác minh lại vụ việc. Sau đó, đoàn liên ngành gồm thanh tra, công an, VKSND tỉnh Long An, địa chính huyện Đức Hoà và xã Đức Hoà Đông khảo sát thực tế và thu thập chứng cứ.
Báo cáo số 16/BC-XM ngày 14/4/1997 của các cơ quan liên ngành nêu rõ bà Hường khai hoang, cải tạo đồng bưng theo chủ trương của xã Đức Hoà Đông vận động khai hoang diện tích khoảng 500ha. “Qua làm việc các đồng chí tổ phúc tra không thống nhất theo quyết định của UBND tỉnh về việc buộc bà Hường trả đất cho ông Thiện, bởi 500ha đất dân khai hoang thì hộ bà Hường là người bỏ nhiều công sức, việc trồng cây hoàn chỉnh và ổn định hơn”, báo cáo nêu rõ.
Các cơ quan liên ngành khẳng định, việc giữ nguyên canh cho bà Hường là đúng chủ trương, pháp luật, đề nghị thu hồi quyết định cấp đất cho ông Thiện. Lý do là từ năm 1955 đến năm 1997 ông Thiện không có sản xuất trên khu đất mà Nhà nước giao cho bà Hường sử dụng. Thế nhưng, hoàn toàn trái ngược với kiến nghị của đoàn liên ngành, ngày 31/12/1998, UBND tỉnh Long An ra Quyết định 4227/QĐ-UB, khẳng định Quyết định 1767/QĐ-UB là đúng, tức công nhận QSDĐ cho ông Thiện. Bà Trần Thị Sửa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh lại chính là người ký quyết định này, không hề đề cập báo cáo của đoàn liên ngành.
Quyết định 4227/QĐ-UB ngược lại toàn bộ kết quả xác minh và kiến nghị cơ quan chức năng đưa ra, dẫn đến kết quả phần đất gia đình chính sách mất ròng rã 5 năm trời khai hoang, cải tạo lại được đem cấp cho người bỏ hoang đất hàng chục năm trời. Điều này là trái quy định pháp luật và ngược lại với chủ trương của Đảng và Nhà nước, các cơ quan chức năng địa phương đều biết nhưng dường như bất lực.
Đến năm 2002, đoàn kiểm tra liên ngành của UBND tỉnh Long An một lần nữa có Báo cáo số 29/BC-ĐKT kiến nghị, nội dung đề nghị UBND tỉnh Long An giữ nguyên phần đất mà bà Hường đã khai hoang, sử dụng ổn định trong chục năm trước khi có tranh chấp. Tuy nhiên, kiến nghị của các cơ quan cấp dưới dường như không được lãnh đạo tỉnh xem xét.
Trung ương vào cuộc, thống nhất trả đất cho bà Hường
Kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường công nhận đất cho bà Hường |
Năm 2003, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) xem xét giải quyết khiếu nại trường hợp bà Hường. Theo Công văn 2545/BTNMT-TTr ngày 3/10/2003 của Bộ TN&MT gửi Thủ tướng Chính phủ, thửa đất tranh chấp bị bỏ hoang từ trước năm 1975 đến năm 1983 và bà Hường đã sử dụng ổn định suốt 13 năm liên tục. Khiếu nại của bà Hường là hoàn toàn có cơ sở, phù hợp Hiến pháp năm 1980, Luật Đất đai năm 1988, Luật Đất đai năm 1993, Nghị định 64/CP ngày 27/7/1993 của Chính phủ.
Công văn khẳng định, ngày 18/6/2003, lãnh đạo Bộ TN&MT và UBND tỉnh Long An đã làm việc và thống nhất để tỉnh Long An điều chỉnh Quyết định số 4227/QĐ-UB năm 1998 theo hướng: công nhận cho bà Hường được trực tiếp sử dụng 22.256m2 đất bà đã khai hoang (thửa 741, tờ bản đồ số 5), phần còn lại 3.451m2 giao địa phương quản lý. Cùng ngày, Bộ TN&MT cũng có Công văn 2546/BTNMT-TTr gửi UBND tỉnh Long An, đề nghị sớm giải quyết vụ việc như đã thống nhất và báo cáo Thủ tướng.
Ngay sau đó, Văn phòng Chính phủ có Công văn 5825/VPCP-V.II truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực thay mặt Thủ tướng chỉ đạo giao Bộ TN&MT hướng dẫn tỉnh Long An giải quyết khiếu nại của bà Hường đúng quy định pháp luật, chấm dứt vụ việc này. Như vậy, sau hơn 10 năm ròng rã giữ đất, năm 2003, bà Hường đã được Bộ TN&MT minh oan rằng “bà khai hoang và sử dụng ổn định 13 năm liên tục”, chứ không phải “lấn chiếm” như UBND tỉnh Long An nhiều lần kết luận. Những tưởng Phó Thủ tướng chỉ đạo, quyền lợi của bà Hường sẽ được giải quyết thoả đáng, không ngờ bà Hường vẫn bị mất đất một cách khó hiểu.
Báo PLVN tiếp tục thông tin.