Long An: Nông dân vướng nợ vì quá tin đại lý phân bón?

(PLO) - Vợ chồng ông Lê Văn Hội và bà Võ Thị Lành (trú ấp Bàu Chứa, xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An) đã có gửi đơn đến TAND cấp cao tại TP HCM đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 320/2016/DS-PT (ngày 15/11/2016) của TAND tỉnh Long An vì cho rằng bản án thiếu khách quan, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.
Cửa hàng phân bón & thuốc bảo vệ thực vật Ba Quân

Vướng nợ vì quá tin đại lý phân bón?

Theo Bản án dân sự sơ thẩm số 28/2016/DS-ST (ngày 05/08/2016) “Về việc tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản” của TAND thị xã Kiến Tường: Nguyên đơn ông Nguyễn Văn Quân (SN 1967) và vợ là bà Nguyễn Thị Vân (SN 1966), cùng trú tại địa chỉ số 61, ấp Bàu Mua, xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An (là chủ Cửa hàng phân bón & thuốc bảo vệ thực vật Ba Quân) có bán phân bón và thuốc trừ sâu nhiều lần cho vợ chồng ông Lê Văn Hội (bị đơn).

Quá trình mua bán ông Quân, bà Vân có làm sổ ghi nợ đưa cho ông Hội, bà Lành giữ. Đến ngày 20/05/2013, theo nguyên đơn, số tiền nợ của bị đơn là 270.839.000đ. Ngoài ra, vào ngày 04/10/2013, vợ chồng ông Hội còn mượn tiền của nguyên đơn số tiền 93.000.000 đồng. Trước Tòa, vợ chồng ông Quân yêu cầu vợ chồng ông Hội phải trả khoản nợ mua phân bón và tiền vay là 363.839.000đ, đồng thời yêu cầu tính lãi 0,7% từ ngày 30/04/2014 đến ngày 20/07/2016 là 72.000.000đ. Tổng số tiền nợ và lãi bị đơn phải trả là 435.839.000đ. 

Phiên sơ thẩm, vợ chồng ông Hội không thừa nhận số tiền nợ nguyên đơn đưa ra, bởi thời gian mua phân bón, thuốc trừ sâu từ ngày 25/10/2009 đến ngày 15/01/2012 thì ông Quân đã kết sổ nợ là 66.528.000đ. Sau đó vợ chồng ông Hội tiếp tục mua vật tư nông nghiệp tại nơi khác là Đại lý Thành Long. 

Tại quyển sổ 213, ông Quân tự ghi nợ 270.839.000đ, vợ chồng ông Hội không có ký tên. Ông Quân cũng không lý giải được số hàng hóa như thế nào mà từ ngày 15/01/2012 đến ngày 05/05/2012 số tiền nợ ghi 66.528.000đ  mà chỉ 1 năm sau (ngày 16/05/2013) phát sinh ra số nợ 270.830.000đ? Bên cạnh đó, vợ chồng ông Hội canh tác diện tích lúa chỉ 17.000m2, 1 năm 2 vụ thì không thể nào mua phân bón, thuốc trừ sâu với số tiền như vậy. 

Đáng chú ý, trước đó là ngày 28/09/2013, ông Quân khởi kiện vợ chồng ông Hội tiền nợ 270.839.000đ, sau đó rút đơn và tòa án đã đình chỉ, thì 6 ngày sau (04/10/2013) lại xuất hiện thêm biên nhận của vợ chồng ông Hội vay tiếp số tiền 93.000.000 đồng (!?). Người mắc nợ khó có khả năng thanh toán thì chủ nợ nào lại tiếp tục cho họ vay tiếp? 

Lý giải chuyện khó hiểu này, ông Hội trình bày, ở 2 biên nhận nợ ngày 20/05/2013 (Biên nhận có nhận tiền phân, thuốc nợ là 270.839.000đ) và ngày 04/10/2013 (Biên nhận có mượn tiền là 93.000.000đ) một mình ông đặt bút ký tên 2 khoản này theo yêu cầu của ông Quân “ký đi không có vấn đề gì” để báo cáo về Công ty, do mất cảnh giác ông đã ký nhận. Còn chữ ký “Lành” trong 2 biên nhận nợ này thì hoàn toàn không phải chữ ký của vợ ông. Bằng chứng tại Kết luận giám định số 683/2014/KLGĐ, ngày 12/12/2014 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An kết luận chữ ký “Lành” tại 02 biên nhận nợ là chưa có cơ sở kết luận. Riêng số tiền vay 93.000.000 đồng bản chất là từ tiền nợ mua phân, thuốc 66.528.000đ tính lãi 2% từ năm 2009 - 2012. Chính vợ chồng ông Quân cũng thừa nhận không có đưa tiền trực tiếp cho vợ chồng ông Hội.

Bản án sơ thẩm tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc vợ chồng ông Lê Văn Hội trả cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Quân số tiền 79.833.600đ (bao gồm tiền mua phân, thuốc là 66.528.000đ và tiền lãi 13.305.600đ).

Tuy nhiên, Bản án phúc thẩm số 320/2016/DS-PT (ngày 15/11/2016) của TAND tỉnh Long An sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm nói trên, buộc ông Lê Văn Hội và bà Võ Thị Lành phải trả cho ông Nguyễn Văn Quân và bà Nguyễn Thị Vân số tiền 370.607.024đ (bao gồm tiền nợ mua phân, thuốc là 215.839.000đ, tiền mượn 93.000.000đ, tiền lãi 61.768.024đ). 

Để đi đến quyết định trên, HĐXX phúc thẩm đã lập luận, “Không có chứng cứ chứng minh tất cả các con nợ vật tư đều bị ông Quân buộc ký nhận nợ” (!?) và “Mặc dù việc thừa nhận nợ không có chữ ký của bà Lành, nhưng nợ vật tư kéo dài sử dụng vật tư vào mục đích canh tác lúa sinh lợi phục vụ nhu cầu chung nên cần buộc bà Lành nghĩa vụ liên đới” (!?).

Dấu hiệu ma mãnh của chủ nợ

Tiếp xúc với nhiều hộ nông dân ở xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường đã từng mua phân bón tại Cửa hàng Ba Quân, chúng tôi mới thấy hết nỗi bức xúc của họ. Đơn cử trường hợp của ông Võ Văn Sáu (SN 1964, ngụ tại 59 ấp Bàu Vuông, xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường) là một ví dụ. Ông Sáu nợ tiền phân bón, thuốc trừ sâu bị ông Nguyễn Văn Quân ghi nợ khống trên 89.000.000 đồng và yêu cầu ông Sáu phải ký giấy nhận nợ trên 246.600.000 đ. May mắn là tòa án đã bác số tiền nợ khống này tại Bản án phúc thẩm số 411/2015/DS-PT (ngày 31/12/2015) của TAND tỉnh Long An.

Chẳng những buộc ký nhận nợ đối với các hộ nông dân mua vật tư mà chủ Cửa hàng Ba Quân còn ma mãnh, lợi dụng lúc ông Nguyễn Văn Đẹp (SN 1962, ngụ tại ấp Bàu Chứa, xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường - là hộ nghèo) vắng nhà đã dùng thủ đoạn viết tay biên nhận khống ghi nợ cả trăm triệu đồng cho Nguyễn Văn Lên (con ông Đẹp) ký nhận nợ tiền cọc lúa và tiền trị bệnh. Hiện ông Đẹp còn giữ giấy này để làm bằng chứng.

Hay như vợ chồng nông dân Nguyễn Văn Hanh (SN năm 1961, ngụ tại số 21, ấp Bàu Mua, xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường), vì quá tin đại lý phân bón mà mang nợ trên 200.000.000 đồng. Trong khi đó, vợ chồng ông Quân nói ông Hanh giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay tiền ngân hàng dùm với lãi suất thấp (nhưng mục đích là nắm giữ giấy tờ đất để xiết nợ), nhưng TAND thị xã Kiến Tường đã buộc ông Quân phải trả lại.

Trở lại vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán và vay tài sản nói ở phần trên, dư luận thắc mắc rằng, bà Võ Thị Lành không ký tên trong giấy biên nhận nợ do ông Nguyễn Văn Quân (chủ đại lý phân bón giữ), tại sao lại có chữ ký của bà? Phải chăng chủ nợ đã ma mãnh tự ký hoặc cho ai đó giả mạo chữ ký của bà để hợp thức hóa giấy nhận nợ? 

Giả sử số tiền 93.000.000 đồng vợ chồng ông Hội mượn vợ chồng ông Quân là có thật thì Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Long An tuyên “Mặc dù việc thừa nhận nợ không có chữ ký của bà Lành, nhưng nợ vật tư kéo dài sử dụng vật tư vào mục đích canh tác lúa sinh lợi phục vụ nhu cầu chung nên cần buộc bà Lành nghĩa vụ liên đới” liệu có thật sự khách quan, khi mà bản án trên đã thừa nhận đây không phải là tiền nợ mua vật tư nông nghiệp?

Thiết nghĩ, vụ án cần được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm nhằm đảm bảo quyền lợi của vợ chồng ông Hội, cũng như làm rõ sự hoài nghi của dư luận về bản án có dấu hiệu khuất tất.

Đọc thêm