Nghiên cứu hồ sơ vụ án, có dấu hiệu cho thấy cơ quan chức năng Long An đã có nhiều vi phạm tố tụng, điều tra theo kiểu “vạch lá tìm sâu”, bỏ qua các lời khai quan trọng.
Công an tỉnh và cấp huyện 2 năm “đá qua đá lại”
Có thể điểm một số dấu hiệu sai phạm tố tụng như sau.
Thứ nhất, sai về thời hạn thụ lý tin báo tố giác. Ngày 22/12/2016, UBND Long An có công văn 244/UBND-NC chuyển hồ sơ đến Công an (CA) tỉnh. Ngày 6/1/2017, CQĐT CA tỉnh thụ lý tin báo.
Điều 147 BLTTHS quy định thời hạn giải quyết tin báo tố giác tối đa là 2 tháng. Nếu chưa thể kết thúc thì Viện trưởng VKSND có thể gia hạn một lần nhưng không quá 2 tháng.
Sau 4 tháng, CQĐT phải ra 1 trong các quyết định sau: Khởi tố vụ án; không khởi tố vụ án; hoặc đình chỉ giải quyết tin báo.
Thế nhưng ở đây, mãi gần 1 năm kể từ ngày thụ lý tin báo, CA tỉnh mới có quyết định khởi tố vụ án và Quyết định khởi tố bị can số 01 ngày 11/12/2017, “sát nút” ngày Quốc hội bãi bỏ tội danh mà ông Liêm sắp bị điều tra.
Thứ hai, “rối mù” về thẩm quyền điều tra. Bốn tháng sau khi khởi tố, CA tỉnh “tự phát hiện” sai thẩm quyền nên cuối tháng 3/2018 chuyển hồ sơ về CQĐT CA TP Tân An.
Sau khi thụ lý 18 tháng, nhiều lần lấy lời khai, quyết định trưng cầu giám định, tạm đình chỉ, phục hồi… thì bất ngờ, CA Tân An cũng lại “tự phát hiện” mình thụ lý sai thẩm quyền, lý do “ông Liêm là cán bộ lãnh chủ chốt của tỉnh nên vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của TAND tỉnh” nên cuối tháng 9/2019 chuyển hồ sơ vụ án quay ngược lại CA tỉnh. Khó hiểu ở chỗ ngày 1/12/2017 ông Liêm đã nhận quyết định nghỉ hưu, nhưng hai năm sau vẫn được xác định “cán bộ lãnh đạo chủ chốt”.
Thứ ba, sau khi nhận hồ sơ, CA TP Tân An có 3 lần ban hành kết luận điều tra (KLĐT) vào các ngày 3/8/2018, 12/11/2018, và 25/2/2019. Theo khoản 2 Điều 174 BLTTHS, VKS chỉ được trả hồ sơ điều tra bổ sung hai lần. Nhưng ở đây, cả ba lần KLĐT đều bị VKSND Tân An trả hồ sơ điều tra bổ sung, là vi phạm tố tụng.
Thứ tư, ông Liêm và luật sư không được tống đạt quyết định trả hồ sơ lần thứ 2 và 3 của VKSND Tân An, từ đó làm mất đi quyền khiếu nại, là vi phạm khoản 2 Điều 60 BLTTHS.
Chưa hết, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, phiên xử sẽ được mở vào ngày 28/5. Tuy nhiên, ông Liêm và các luật sư bào chữa lại không nhận được giấy triệu tập nên vắng mặt, phiên tòa phải hoãn. Luật quy định thời gian hoãn phiên tòa là 1 tháng, nhưng đến nay sau gần 3 tháng, ngày 13/8 phiên xử mới dự kiến được mở lại.
Trước một số dấu hiệu vi phạm tố tụng như trên, đại diện VKS Long An vẫn cho rằng “làm đúng, đảm bảo không vi phạm pháp luật”. Trả lời PLVN, bà Tống Thị Kim Hương, Trưởng phòng 1, VKSND tỉnh trước tiên cho rằng “có gì liên lạc bên tòa án”.
PV phản bác, hiện VKS đang giữ quyền công tố và kiểm sát vụ án thì phải có trách nhiệm trả lời những vấn đề có dấu hiệu vi phạm tố tụng. Bà Hương nói: “Mấy vấn đề đó tôi không trao đổi. Về nguyên tắc kiểm sát tố tụng, quan điểm của tôi là bên tôi không làm sai. Với bộ phận tham mưu như tụi tôi thì tụi tôi làm đúng, đảm bảo không vi phạm pháp luật”.
Bà Hương “chốt”: “Vụ án sắp xét xử rồi, một là PV trao đổi với tòa, hai là theo dõi tại tòa. Những vấn đề đó (dấu hiệu vi phạm tố tụng - NV) sẽ có kiểm sát viên (KSV) giữ quyền công tố giải quyết tại phiên tòa. Nếu hồ sơ còn ở đây và được gặp cán bộ trực tiếp thì trả lời cụ thể hơn nhưng KSV đang đi thực hiện nhiệm vụ khác”.
|
“Kỳ công” đo từng mét dây để tìm “chứng cứ” vụ việc |
“Kỳ công” đo từng mét dây tìm “chứng cứ”
Trở lại câu chuyện vì sao quá trình điều tra dài một cách bất thường, hồ sơ vụ án cho thấy có dấu hiệu CQĐT làm việc theo kiểu “vạch lá tìm sâu”, bỏ qua các lời khai quan trọng.
Theo biên bản ghi lời khai ngày 26/3/2019, ông Trần Nguyên Vũ (GĐ Cty Đông Nam Á) lý giải việc lô camera mua về bán cho Sở Y tế có xuất xứ không phải Nhật Bản vì “tôi không biết có Sony từ các nước khác nên cứ nghĩ rằng Sony là hàng của Nhật Bản”. Ông Vũ cũng khẳng định kinh doanh thì phải có lời nên “Trong kinh doanh có quy tắc chung là báo giá công khai lúc nào cũng cao hơn giá nhập, do hãng để dành phần hoa hồng cho các đại lý”. Dù đây là gói thầu trọn gói không được thay đổi giá và chủ thầu khai như trên, nhưng cơ quan tố tụng vẫn “bắt lỗi” ông Liêm “không thẩm định lại giá”.
Chưa hết, CQĐT sau đó còn trưng cầu giám định để đi đo đếm từng mét dây cáp, dây điện cấp nguồn cho camera trong gói thầu. Người giám sát công trình Nguyễn Hữu Phong cho hay: “Thực tế từ trước đến nay giám sát ít ai đo thực tế, chỉ căn cứ bản vẽ dự toán. Vì công trình khi đi dây có khi đi âm xuống đất, âm trong tường, hay tòa nhà nhiều tầng thì khó đo được để nghiệm thu”.
Cơ quan chức năng vẫn “kỳ công” đo từng mét, kết quả cho thấy số dây thi công thực tế ít hơn số dây đã thanh toán tiền cho nhà thầu. Ông Vũ lý giải: “Ban đầu tôi định đi dây cáp nổi ngoài tường, như vậy mới cần dây nhiều. Nhưng khi thi công tôi mới biết mỗi tầng đều có la-phông và hộp gen riêng, nên kéo dây trên từng tầng la-phông đến hộp gen ít tốn dây hơn dự toán. Phần dây còn thừa tôi để lại Phòng quản lý camera để tòa nhà sử dụng sau này”.
Nhà thầu giải thích hợp lý phù hợp như vậy, nhưng sự việc này sau đó vẫn được coi là một trong các “chứng cứ” để buộc tội ông Liêm.
Lời khai của ông Phạm Hồng Thái, Trưởng phòng Tài chính – Kế toán Sở Y tế cũng cho thấy không có dấu hiệu sai phạm về tài chính kế toán trong vụ việc. Ông Thái cho biết theo quy định, với phần tiền thanh toán vượt khối lượng, sau này khi quyết toán dự án, cơ quan thẩm quyền không đồng ý thì sẽ đề nghị nhà thầu trả lại. Trách nhiệm là của bộ phận kỹ thuật lập dự toán thiết kế ban đầu và giám sát kiểm tra khối lượng từng hạng mục.
“Do các bộ phận này làm không hết trách nhiệm, thiếu kiểm tra. Với chủ đầu tư ký vào các biên bản nghiệm thu là do tin tưởng vào bộ phận giám sát, chứ không thể nào đi xuống thực tế kiểm tra được”, ông Thái khẳng định. Nói cách khác, không thể bắt Giám đốc SYT phải “đo lọ dưa muối, đếm củ dưa hành” đi xuống từng công trình đo đếm từng mét dây, đối chiếu xuất xứ từng cục máy...
Chỉ một vụ án này, đã có gần chục bản kết luận giám định các cơ quan chức năng Long An đưa ra, nhiều bản “tréo ngoe” dẫm chân nhau, có bản sai sót nghiêm trọng khi không có chữ ký giám định viên và người ký văn bản lại không phải giám định viên... Tất cả chỉ để hòng cáo buộc ông Liêm “thanh toán thừa”, “thanh toán cao hơn thực tế” cho nhà thầu, “thất thoát ngân sách nhà nước”. PLVN sẽ tiếp tục phản ánh.
Ông Nguyễn Hoàng Quý, Phó Chánh Văn phòng SYT thời điểm 2014:
“Sau khi tòa nhà 4 cơ quan xây dựng xong, ông Liêm yêu cầu tôi nghiên cứu xây dựng tờ trình lắp đặt hệ thống camera vì tòa nhà có 4 cơ quan làm việc, gần 100 nhân viên và người dân ra vào thường xuyên làm các thủ tục hành chính, vì vậy cần phải có gắn camera để giám sát an ninh... Tôi soạn thảo tờ trình, nội dung chỉ là chủ trương, yêu cầu, lý do cần thiết; không có số lượng chi tiết thiết bị gì hết, chỉ là chủ trương”.
Người liên quan nói “cán bộ cơ quan điều tra đã dặn không trả lời báo chí”
Một điểm bất thường khác trong vụ án là dù gói thầu lắp đặt camera chưa được quyết toán nhưng ngày 25/7/2019 (gần hai tháng trước khi có quyết toán dự án vào ngày 18/9/2019), ông Vũ đã nộp 40,9 triệu cho CQĐT. Lý do: “Đây là số tiền do tôi quyết toán thừa khối lượng số lượng dây cáp và dung lượng ổ cứng với Sở Y tế trong quá trình thi công gói thầu “Cung cấp và lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh”. Tôi xác định số lượng dây cáp mạng thực tế thi công ít hơn so với dự toán trong hợp đồng. Tôi xin tự nguyện nộp lại số tiền thừa trên để trả lại Sở Y tế”.
Khi PV liên lạc qua điện thoại đề nghị giải thích việc dự án chưa có quyết toán sao đã có “tài thánh” biết trước để nộp tiền thừa, ông Vũ từ chối gặp mặt, từ chối giải thích mọi vấn đề vì “cán bộ CQĐT đã dặn tôi không trả lời báo chí”.