Long An: Vụ kiện liên quan việc thu hồi đất tại Khu công nghiệp Xuyên Á

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - TAND tỉnh Long An vừa xét xử vụ án “Tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại từ việc thu hồi đất, yêu cầu hủy các quyết định hành chính liên quan, đòi QSDĐ và tháo dỡ vật kiến trúc trên đất” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Nhứt (SN 1952, ngụ ấp Trầm Lạc, xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa); bị đơn là Cty CP Ngọc Phong - chủ đầu tư Khu công nghiệp (KCN) Xuyên Á (trước đây là KCN Đức Hòa II).
KCN Xuyên Á đã được thành lập 20 năm, đến nay vẫn vướng một số vụ khiếu kiện liên quan đất đai.
KCN Xuyên Á đã được thành lập 20 năm, đến nay vẫn vướng một số vụ khiếu kiện liên quan đất đai.

Thu hồi 24 ngàn m2 với giá 755 triệu đồng

Theo đơn khởi kiện, năm 2001, ông Nhứt biết Nhà nước có chủ trương thu hồi đất giao cho Cty Ngọc Phong thực hiện KCN. Ngày 16/4/2004, UBND huyện có Quyết định 1241/QĐ-UB về thu hồi đất với hộ ông Nhứt tại các thửa 34 1p, 33, 64 1p, 110, 110 1p, 115, 127 tờ bản đồ 37, diện tích 24.315m2. Ngày 21/4/2004 huyện có Quyết định 1296/QĐ-UB phê duyệt bồi thường thiệt hại, mức hơn 755 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Nhứt không được nhận quyết định thu hồi và quyết định bồi thường. Sau khi được biết, cho rằng giá trị bồi thường không thỏa đáng, không đúng quy định về thu hồi đất, ông Nhứt không đồng ý.

Năm 2018, ông Nhứt khởi kiện vụ án hành chính, yêu cầu hủy Quyết định 1296, 1241 và các quyết định giải quyết khiếu nại. TAND tỉnh thụ lý đã vụ án, sau đó ông Nhứt rút đơn khởi kiện nên tòa đình chỉ. Ông Nhứt khiếu nại. TAND cấp cao tại TP HCM giữ nguyên quyết định đình chỉ. Hiện nay, ông Nhứt chưa được bồi thường và đang quản lý, sử dụng đất.

Về diện tích đất, riêng thửa 34 và diện tích đất thổ cư, thì ông Nhứt không đồng ý. Theo ông, thửa 34b diện tích 7.939m2 (số liệu do Trung tâm kỹ thuật TN&MT cung cấp, được Sở TN&MT duyệt năm 2006) là của ông, chứ không phải của ông Trần Lê Chan. Về diện tích đất thổ cư, diện tích là 972m2 chứ không phải 300m2 (thửa 110).

Ông Nhứt yêu cầu cầu Cty Ngọc Phong bồi thường bồi thường 134 tỷ đồng, trong đó về QSDĐ là 120 tỷ, tài sản trên đất 3 tỷ, các chi phí khác 11 tỷ.

Cty Ngọc Phong phản tố cho rằng đã phối hợp cơ quan chức năng thực hiện công tác kê biên, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho hộ ông Nhứt. Năm 2001, Hội đồng đền bù thiệt hại GPMB tỉnh kiểm kê đất và tài sản trên đất. Năm 2004, Sở Tài chính - Sở TN&MT - BQL các KCN trình UBND tỉnh phương án bồi thường. Cùng năm, UBND huyện ra quyết định thu hồi đất và bồi thường với ông Nhứt.

Ngày 13/9/2005, UBND xã, Ban bồi thường, Cty Ngọc Phong mời các hộ dân có đất bị thu hồi để công bố từng quyết định bồi thường. Ông Nhứt không đồng ý giá bồi thường và không nhận tiền nên cùng ngày, số tiền bồi thường được gửi vào ngân hàng.

Từ 2005, ông Nhứt có nhiều đơn thư khiếu nại. Năm 2013, Phòng TN&MT, Thanh tra huyện, Cty Ngọc Phong tổ chức đối thoại với ông Nhứt. Ngày 24/8/2018, trong cuộc họp vận động, Cty Ngọc Phong đồng ý bồi thường hỗ trợ là 10 tỷ đồng nhưng ông Nhứt không đồng ý.

Cty Ngọc Phong không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông Nhứt về bồi thường 134 tỷ, chỉ đồng ý hỗ trợ bồi thường 10 tỷ đồng. Cty Ngọc Phong phản tố yêu cầu ông Nhứt và những người đang cư trú trên đất di dời tài sản, bàn giao đất cho Cty Ngọc Phong.

Về phía UBND tỉnh, xác định dự án được Thủ tướng chấp thuận chủ trương năm 1997. UBND tỉnh đề nghị vắng mặt trong suốt quá trình tham gia tố tụng.

Ông Nhứt đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND Long An. (Ảnh trong bài: Bùi Yên)

Ông Nhứt đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND Long An. (Ảnh trong bài: Bùi Yên)

Không thể đối chiếu vì “không còn lưu trữ hồ sơ”

Tại phiên tòa, ông Nhứt thay đổi yêu cầu khởi kiện, đòi bồi thường 79 tỷ đồng; giữ nguyên trình bày về diện tích thửa 34 là 18.224m2 và diện tích đất thổ cư là 972m2.

Về diện tích đất thổ cư, theo UBND huyện Đức Hòa thì diện tích thu hồi là 300m2, diện tích này không đối chiếu được với diện tích đất thổ cư 972m2 theo sổ đất (sổ tạm) năm 1993, do không còn tài liệu lưu trữ.

HĐXX cho rằng, ngày 13/9/2005 tại UBND xã, Ban bồi thường đã công bố từng quyết định bồi thường và chi trả bồi thường cho từng hộ. Ông Nhứt nói không biết việc thu hồi đất, không được giao quyết định thu hồi và quyết định bồi thường. Tuy nhiên, dự án KCN Xuyên Á là dự án lớn, thực hiện trong thời gian dài, ông Nhứt đã nhận tiền đền bù 17.378m2 (thửa 438, 454, 456, 441, 440, 442, 495). Ngày 10/12/2013, trong biên bản làm việc với Phòng TN&MT, ông Nhứt thừa nhận có được giao quyết định thu hồi, quyết định bồi thường nhưng không đồng ý nhận với lý do giá thấp, thiếu đất.

Thời điểm này, ông Nhứt không khởi kiện vụ án hành chính hoặc vụ án dân sự tại tòa. Ngày 14/9/2016, Phòng TN&MT đã công bố và trao quyết định thu hồi đất. Như vậy, đến thời điểm này, quyết định thu hồi và quyết định bồi thường năm 2004 vẫn đang có hiệu lực, chưa bị hủy bỏ, không có quyết định thay thế. Thời hiệu khởi kiện hủy 2 quyết định này không còn. Do đó, yêu cầu bồi thường của ông Nhứt là không có cơ sở.

Về diện tích đất, tòa cho rằng “sổ tạm” có diện tích 29.934m2 là do chưa được kiểm tra, hiện cơ quan nhà nước không còn lưu trữ hồ sơ, nên không thể đối chiếu.

Diện tích mà ông Nhứt đòi bồi thường thêm, đã bồi thường cho ông Trần Lê Chan. Việc xác định để bồi thường là do ông Nhứt chỉ ranh giới và chủ động tiến hành đo đạc tự thực tế. Do đó, yêu cầu bồi thường thêm diện tích thửa 34b là không có căn cứ.

Với diện tích 972m2 đất thổ cư, tòa cũng cho rằng diện tích này vào năm 1993 chưa đối chiếu, chưa kiểm tra nên không có cơ sở chấp nhận.

Tòa cho rằng, tiền bồi thường là 755 triệu, nếu tính lãi với mức lãi suất chậm trả theo quy định trong khoảng 20 năm thì tiền lãi là 200%, Cty Ngọc Phong đồng ý hỗ trợ 10 tỷ đồng là không thiệt thòi cho ông Nhứt, nên ghi nhận số tiền bồi thường này.

Từ đó, tòa chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nhứt về yêu cầu bồi thường thiệt hại giá trị QSDĐ, tài sản trên đất và các khoản hỗ trợ thu hồi. Cty Ngọc Phong có trách nhiệm hỗ trợ bồi thường cho ông Nhứt 10 tỷ đồng. Ông Nhứt liên hệ cơ quan chức năng để nhận số tiền hơn 692 triệu đồng.

Tòa chấp nhận phản tố của Cty Ngọc Phong, buộc ông Nhứt phải tháo dỡ, di dời tài sản, bàn giao đất cho Cty.

Được biết, ông Nhứt đã kháng cáo toàn bộ bản án.

LS Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP HCM) đưa ra một số quan điểm về vụ việc như sau:

“Thứ nhất, 10 tỷ đồng là Cty Ngọc Phong tự nguyện bồi thường cho ông Nhứt từ năm 2018, nên tòa tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nhứt; Cty Ngọc Phong có trách nhiệm hỗ trợ bồi thường cho ông Nhứt là không phù hợp. Nếu nói trách nhiệm thì số tiền 10 tỷ này căn cứ vào quy định nào? Ngoài ra, trường hợp ông Nhứt là Nhà nước thu hồi đất, bồi thường, nên nếu chậm trả tiền bồi thường hoặc không đúng thì Nhà nước là cơ quan có trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ; không phải Cty Ngọc Phong.

Thứ hai, ngay từ tên vụ án đã có vấn đề không hợp lý, vì ông Nhứt khởi kiện đòi tính lại bồi thường và bồi thường thêm do thiếu đất. Đất của ông Nhứt do Nhà nước thu hồi, bồi thường. Tòa xác định bồi thường thiệt hại từ việc thu hồi đất và bị đơn là Cty Ngọc Phong là không phù hợp.

Thứ ba, nếu cơ quan chức năng đã xác định ông Nhứt nhận được công bố quyết định vào năm 2005; thì tại sao hơn 10 năm sau cơ quan chức năng mới lập biên bản công bố và giao? Việc công bố, giao quyết định là trách nhiệm của cơ quan chức năng và là căn cứ để xác định thời gian khiếu nại, khởi kiện theo điểm b khoản 3 Điều 69 Luật Đất đai. Ông Nhứt biết đất bị thu hồi, biết số tiền được bồi thường; nhưng không được nhận quyết định; không đồng nghĩa với việc ông Nhứt phải chấp nhận nội dung quyết định”.

Đọc thêm