Long đong một dự án đầu tư tại Lạng Sơn: Lý thuyết “rải thảm”, thực tế “sống chết mặc bay”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đầu tư hơn 100 tỷ đồng vào dự án xây dựng nhà máy và theo quy định pháp luật sẽ được hưởng ưu đãi theo địa bàn; nhưng cả chục năm qua, Cty CP Sản xuất & Xuất nhập khẩu Đạt Phát vẫn chưa thể vận hành chính thức. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến lỗi của chính quyền địa phương ngay từ giai đoạn giải phóng mặt bằng, giao đất.
Nhà máy MDF “long đong” do được giao mặt bằng không “sạch”.
Nhà máy MDF “long đong” do được giao mặt bằng không “sạch”.

Sơ suất của địa phương…

Thực hiện lời kêu gọi đầu tư của tỉnh Lạng Sơn, năm 2009, Cty Đạt Phát (trụ sở thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc) quyết định đầu tư xây dựng Nhà máy ván ép MDF xuất khẩu tại thôn Khơ Đa, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng (trong Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng).

Theo Giấy chứng nhận đầu tư (cấp năm 2009, thay đổi năm 2010, năm 2012) của BQL Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng, Cty Đạt Phát được thực hiện dự án đầu tư nêu trên tại thôn Khơ Đa với diện tích đất sử dụng trên 36.000m2 (giai đoạn 1 hơn 14.500m2; giai đoạn 2 hơn 21.700m2).

Cùng với đó, UBND huyện Văn Lãng cũng ra quyết định thu hồi đất (cộng đồng dân cư sử dụng) để thực hiện dự án.

Sau khi địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB), ngày 20/11/2009, UBND tỉnh Lạng Sơn có Quyết định 2289/QĐ-UBND cho Cty Đạt Phát thuê hơn 15.700m2 đất (thời hạn 50 năm) tại xã Tân Mỹ để thực hiện dự án.

Tại biên bản giao đất cho Cty ngày 26/11/2009, đại diện Sở TN&MT, Phòng TN&MT huyện và UBND xã Tân Mỹ (bên giao mốc giới đất) đều thống nhất rằng hơn 17.700m2 đất theo Quyết định 2289/QĐ-UBND là “đất chưa sử dụng” tại thôn Khơ Đa. Đồng thời, các bên cùng ra thực địa giao mốc giới; thống nhất về vị trí, ranh giới khu đất trên bản đồ trích đo địa chính (tỷ lệ 1/500).

Như vậy, có thể hiểu diện tích đất địa phương bàn giao cho Đạt Phát là mặt bằng “sạch”, đã GPMB xong, có thể triển khai xây dựng nhà máy ngay. Tin tưởng điều này, Cty Đạt Phát đã triển khai các hoạt động san gạt mặt bằng, xây dựng nhà xưởng, nhập máy móc phục vụ sản xuất.

Tuy nhiên, đến lúc triển khai công việc tại hiện trường, Cty Đạt Phát mới “ngã ngửa” vì trên thực tế diện tích đất vẫn chưa thực sự “sạch” vì còn một số công trình của cộng đồng dân cư chưa được đền bù. Vì điều này, hàng chục hộ dân thôn Khơ Đa đã kéo đến công trường cản trở thi công, đưa ra yêu cầu tăng mức hỗ trợ, không đồng ý di dời công trình của cộng đồng, không đồng ý việc thu hồi đất…

Sau này cơ quan chức năng mới phát hiện ra sai sót trong phần diện tích đã giao cho Cty Đạt Phát có cả đất hành lang giao thông QL4A. Thế nên hai năm sau, tháng 12/2011, UBND tỉnh tiếp tục ra Quyết định điều chỉnh diện tích đất giao cho Cty Đạt Phát còn hơn 14.000m2.

…Doanh nghiệp lĩnh hậu quả

Trong giai đoạn rơi vào tình cảnh “có đất mà chưa được sử dụng” này, Đạt Phát từng có nhiều công văn gửi Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lạng Sơn, tha thiết trình bày có nguyện vọng đầu tư dự án góp phần xây dựng tỉnh nhà phát triển… Nhưng do sơ suất của cơ quan chức năng mà dự án vẫn không thể triển khai, lãi ngân hàng vẫn phải trả, lòng tin với đối tác bị hao hụt, việc kinh doanh bị ảnh hưởng; Cty còn mang tiếng “cướp đất của dân”. Nếu sự việc không được giải quyết, dự án chính đáng xuất phát từ tâm thành nhiệt huyết có nguy cơ phá sản…

Chấp nhận thiệt thòi với mục đích sớm đưa dự án vào hoạt động, Đạt Phát sau đó đã chấp nhận hỗ trợ thêm cho nhân dân thôn Khơ Đa lần thứ nhất 227 triệu đồng bằng cách tự mua đất xây nhà văn hóa và làm đường bê tông, xây miếu thổ công, xây am thờ và làm đường bê tông… Tuy nhiên, một số người dân vẫn không chấp nhận mà cố tình kéo ra công trường ngăn cản công nhân thi công, bao vây không cho người và phương tiện vận chuyển thiết bị ra vào.

Sau đó, Đạt Phát đã tự thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ lần thứ 2 bằng cách tự mua đất và chuyển cho huyện 300 triệu đồng để tiếp tục xây dựng lại nhà văn hóa, chi thêm hàng chục triệu để di chuyển một số ngôi mộ của các hộ dân. Tuy nhiên, người dân vẫn ngăn cản Đạt Phát thi công.

Một báo cáo của UBND huyện Văn Lãng cho biết: “Công tác GPMB gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do các hộ dân thôn Khơ Đa không đồng tình việc thu hồi đất, đòi bồi thường đất cộng đồng dân cư và yêu cầu xây mới nhà thổ công, nhà văn hóa thôn. Khi các yêu cầu được đáp ứng thì các hộ dân lại đòi tiền bồi thường nghĩa địa trẻ em, yêu cầu xây dựng mới nghĩa địa trẻ em, xây dựng mới nhà thổ công, nhà văn hóa tại địa điểm khác (không nhận nhà văn hóa, thổ công do Cty đã xây dựng), không chịu di dời mộ…

Sau khi Cty tự thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ di chuyển một số ngôi mộ, mua đất và xây dựng đường bê tông vào nhà văn hóa, xây dựng miếu thổ công, am thờ khu mộ trẻ em, tường rào… nhưng một số hộ vẫn cản trở dự án”.

Với diễn biến trên, dù đã được ký hợp đồng thuê đất và đã được cấp sổ đỏ vào 2013 nhưng trong nhiều năm sau đó, khi thi công một số hạng mục của nhà máy, Đạt Phát vẫn phải mượn đường để vận chuyển vật liệu, thiết bị. Trong khi đó, một số hộ dân trong thôn vẫn thường xuyên tổ chức ngăn cản, tháo dỡ công trình đang xây dựng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của chủ đầu tư và tiến độ dự án.

Trong thời kỳ khó khăn này, Cty Đạt Phát tiếp tục có hàng chục công văn gửi đến UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND huyện, Công an huyện… khẩn thiết kêu cứu, đề nghị được hỗ trợ để sớm triển khai dự án; cũng như đề xuất các phương án cụ thể tháo gỡ. Theo Cty, tuy đã có chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể từ UBND tỉnh nhưng hầu như các cơ quan được giao đều không có biện pháp hữu hiệu nào giải quyết, thậm chí còn có dấu hiệu bỏ lửng, đùn đẩy trách nhiệm, để Cty “tự xử”… dù lỗi giao mặt bằng “không sạch” hoàn toàn thuộc về địa phương và cơ quan tham mưu là ngành TN&MT.

Để tránh bị thiệt hại nặng nề do đã huy động vốn đầu tư mua thiết bị trị giá hàng trăm tỷ đồng, Cty đã vất vả ngược xuôi xoay xở, tự thỏa thuận với các hộ dân theo hướng phải chấp nhận nhiều yêu sách do một số người dân đưa ra. Sau khi phải bỏ thêm tổng cộng hơn 500 triệu đồng hỗ trợ thêm, đến 2016, việc GPMB theo diện tích được Nhà nước giao từ 2009 mới hoàn thành.

Ai phải chịu trách nhiệm?

Dù dự án gặp nhiều khó khăn hoàn toàn do khách quan mang tới như trên, nhưng Cty cho biết đã không được địa phương hỗ trợ mà việc tiếp cận các ưu đãi đầu tư (tiền thuê đất, thuế…) cũng đều rất khó khăn. Thậm chí, cơ quan thuế còn yêu cầu Cty phải nộp tiền thuê đất từ 2009 (thời điểm giao đất) trong khi thực tế đến 2016 mới có mặt bằng hoàn toàn “sạch”.

Đánh giá về những nguyên nhân gây ra những khó khăn, vướng mắc trong việc chậm trễ triển khai dự án trên, UBND huyện Văn Lãng từng có văn bản nêu rõ: “Trong biên bản giao đất không giao nhà văn hóa, miếu thổ công, trạm mobile và không xác định được bãi tha ma trẻ em. Do đó, khi DN tiến hành san ủi, một số người dân ra sức ngăn cản”.

Dự án bị chậm đưa vào hoạt động, thiết bị vật tư phải “đắp chiếu”.

Dự án bị chậm đưa vào hoạt động, thiết bị vật tư phải “đắp chiếu”.

Một LS thuộc Đoàn LS TP Hà Nội đánh giá, theo Điều 53 Luật Đất đai 2013: “Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất và phải thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với trường hợp phải GPMB”.

Đối chiếu với quy định trên, LS cho rằng, nguyên nhân dẫn đến chậm trễ triển khai dự án trên là thuộc UBND tỉnh Lạng Sơn, Sở TN&MT, UBND huyện Văn Lãng vì tiến hành giao đất cho Cty (năm 2009) nhưng chưa GPMB xong hoàn toàn.

Trao đổi với PV, ông Bế Văn Nhớ, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng xác nhận, đến 2016, việc GPMB mới cơ bản được giải quyết xong. Nguyên nhân dẫn đến vướng mắc trên là do khâu thẩm định không kỹ của cơ quan chức năng từ tỉnh đến huyện.

Thế nhưng trong vụ việc này, đến nay vẫn chưa có cá nhân, cơ quan nào nhận trách nhiệm. Trong khi đó, hậu quả thì Đạt Phát phải lãnh đủ. Thiệt hại không chỉ ở những khoản tiền Cty phải tự bỏ ra để hỗ trợ người dân mà còn nhiều thiệt hại khác như dự án chậm đưa vào hoạt động, thiết bị vật tư phải “đắp chiếu”, tiền lãi ngân hàng, mất đi các cơ hội làm ăn kinh doanh…

Vẫn theo lời đại diện Cty, hệ lụy nữa nghiêm trọng hơn là niềm tin của nhà đầu tư về các chính sách thu hút “trải thảm đỏ” của địa phương bị ảnh hưởng; mục tiêu góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thu hút lao động… như chủ trương cấp phép đầu tư cũng chưa thể đạt được.

PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.

Đánh giá về sự việc, một chuyên gia kinh tế cho biết, có thể ở thời điểm hơn 10 năm trước, một số cán bộ thẩm quyền còn chưa làm hết trách nhiệm nên mới để xảy ra chuyện dự án được ưu đãi nhưng lại rơi vào tình cảnh gần như bị “ngược đãi”.

Sau này, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện chính sách thu hút đầu tư rất tốt. Bằng chứng là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng từ 56,29 điểm (năm 2016) lên 63,79 điểm vào năm 2019. Các chỉ số khác cũng tăng điểm và thứ hạng như chỉ số đánh giá hiệu quả quản trị, hành chính công (PAPI) từ 34,6 (2016) lên 44,07 vào 2019 (xếp hạng tăng từ 51/63 tỉnh, thành lên 24/63); chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index) tăng từ 0,2144 điểm vào 2016 (xếp hạng 58/63) lên 0,4611 điểm vào 2020 (xếp hạng 21/63)…

Ngày 23/8/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 43-NQ/TU về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, đặt mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2021 – 2025, tổng vốn đầu tư xã hội đạt 166 – 168 nghìn tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước đạt khoảng 115 – 120 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 70 – 75% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. UBND tỉnh sau đó đã ban hành Quyết định 2222/QĐ-UBND ngày 13/11/2021 về việc phê duyệt danh mục dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025 với 68 dự án, tổng vốn đầu tư trên 113.000 tỷ đồng.

“Theo tôi, khi Lạng Sơn đã thực hiện chính sách thu hút đầu tư rất tốt như hiện nay thì cần có những động thái cụ thể “sửa sai” với những nhà đầu tư như Đạt Phát, để DN không bị quá thiệt thòi”, chuyên gia này nói.

Đọc thêm