Lòng se điếu bán đầy thị trường, TP HCM đang kiểm tra nguồn gốc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sở An toàn thực phẩm TP HCM đang tiến hành kiểm tra nguồn gốc và xét nghiệm mẫu lòng se điếu để xác định chất lượng của sản phẩm đang gây tranh cãi trong những ngày vừa qua.
Nhiều người khẳng định lòng se điếu tự nhiên cực kỳ hiếm (Ảnh: Internet)
Nhiều người khẳng định lòng se điếu tự nhiên cực kỳ hiếm (Ảnh: Internet)

Thời gian gần đây, lòng se điếu trở thành tâm điểm trên mạng xã hội khi xuất hiện hình ảnh một đoạn lòng dài tới 40m, nặng gần 6kg, được cho là "hàng hiếm" từ con heo cái nặng hơn 100kg. Sự kiện này đã dấy lên nghi ngờ về tính xác thực của sản phẩm, khi nhiều người cho rằng lòng se điếu trên thị trường có thể bị "phù phép" từ lòng heo bình thường bằng cách ngâm hóa chất để tăng giá trị.

Nhiều đầu bếp cũng đăng bài lên mạng xã hội kêu gọi người dân dừng ăn lòng se điếu vì lòng thường cho hóa chất, sau đó bán giá cao.

Trước những lo ngại về an toàn thực phẩm, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM - Phạm Khánh Phong Lan, cho biết cơ quan này đang tiến hành kiểm tra, truy xuất nguồn gốc và lấy mẫu kiểm nghiệm lòng se điếu để xác định có sử dụng phụ gia hay không. Từ trước tới nay, các cơ quan chỉ tập trung các sản phẩm như thịt và cá sản phẩm khác, chưa quan tâm tới lòng se điếu.

Lòng se điếu hay còn gọi là "phèo hai da", là đoạn đầu của ruột non heo, nối với bao tử. Đặc điểm nhận biết là thành lòng dày, mặt trong có nhiều nếp gấp, tạo hình xoắn chặt như ống điếu thuốc lào. Loại lòng này thường chỉ xuất hiện ở những con heo cái sống lâu năm và có thân hình ốm yếu, khiến nó trở nên hiếm và được săn lùng bởi giới sành ăn.

Đại diện một cơ sở từng là lò mổ lớn nhất TP HCM khẳng định, lòng se điếu tự nhiên cực hiếm. Vài năm nhân viên mới phát hiện được một bộ lòng se điếu tự nhiên trong quá trình giết mổ và thường sẽ dùng biếu tặng, không bán ra thị trường.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) xác nhận, lòng se điếu là một món ăn yêu thích của nhiều người, tuy nhiên lại rất ít và hiếm dẫn đến giá cả khá đắt đỏ.

Nếu sử dụng các hóa chất để "phù phép" thành lòng se điếu sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe. Đặc biệt, nếu có sử dụng các chất nêu trên với nồng độ cao có thể tích tụ lâu ngày gây ung thư hoặc ngộ độc cấp dẫn đến tử vong.

Điển hình như một số chất khi ngâm có thể làm cho bề mặt thực phẩm trở nên co lại, cứng lên và trắng hơn như oxy già, phèn chua. Chỉ được sử dụng oxy già vào thực phẩm với nồng độ rất nhỏ, không được phép ngâm với liều cao và thời gian dài vì có thể gây các bệnh liên quan đến đường ruột.

Đặc biệt, nếu sử dụng formol để ngâm với mục đích tiêu diệt một số vi sinh vật làm hư hỏng thực phẩm, kéo dài thời gian bảo quản sẽ rất nguy hiểm, vì đây là chất cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm. Formol có độc tính cao, khi nuốt phải có thể gây đau bụng dữ dội, nôn ói, viêm dạ dày, ruột cấp tính, hoặc lâu dần có khả năng gây ung thư.

Theo PGS Thịnh, để tránh gây tâm lý hoang mang, đảm bảo sức khỏe cho người dân, các cơ quan quản lý thị trường, an toàn thực phẩm cần truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ, xác định được hóa chất bảo quản độc hại (nếu có) để người bán và người ăn có thể yên tâm.

Theo Luật An toàn thực phẩm năm 2010, hành vi sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc hoặc vượt ngưỡng cho phép trong chế biến thực phẩm là hành vi bị cấm.

Nếu hành vi gian dối này gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm. Mức phạt có thể lên tới 20 năm tù hoặc tù chung thân, tùy hậu quả.

Đọc thêm