“Lòng tự trọng của người nghèo”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bằng trái tim ấm áp và hành động yêu thương, giàu sức lan tỏa, ông Phạm Văn Học - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) đang ngày ngày “bắc nhịp cầu nhân ái” đến với những mảnh đời nghèo khó. Và thông điệρ về “lòng tự trọng của người nghèo” luôn được gửi gắm trong những câu chuyện hết sức chân thực dưới đây về những con người mang ơn và biết ơn....
Ông Phạm Văn Học - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương. (Ảnh: PV)
Ông Phạm Văn Học - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương. (Ảnh: PV)

Sức mạnh của lòng nhân ái

Ở thôn Nghiêm Sơn, xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, ai ai cũng biết đến hoàn cảnh gia đình của cô sinh viên nghèo hiếu học Đoàn Thị Thu (sinh năm 2004) sinh viên ngành Y Đa khoa, Trường Đại học Y Dược Thái Bình. Thu là con đầu trong gia đình có 3 chị em. Từ khi Thu còn nhỏ, cả nhà trông chờ vào đôi vai gầy yếu của người mẹ, hàng ngày đi làm phụ hồ với mức tiền công ít ỏi để lo cho 3 chị em ăn học.

Trong căn nhà lụp xụp, không có bất kỳ món đồ gì tạm gọi là giá trị ngoài chiếc bàn học xiêu vẹo để chị em Thu có thể mơ về một tương lai tươi sáng. Khó khăn là thế và đã không ít lần mẹ khuyên Thu nên nghỉ học sớm để “nhường phần” cho các em, nhưng cô học sinh nghèo hiếu học này chưa bao giờ nghĩ đến việc đó bởi trong Thu luôn có một lòng ham học mãnh liệt. Thu luôn tự nhủ với lòng mình phải nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để học thật giỏi, bởi đây là cách duy nhất để thay đổi số phận, ít nhất là có tương lai không vất vả như mẹ bây giờ...

Nói là như vậy, nhưng ngày nhận giấy báo nhập học (điểm xuất sắc) vào Trường Đại học Y Dược Thái Bình, Đoàn Thị Thu đã không giấu được nước mắt. Nhà quá nghèo, tốt nghiệp trung học phổ thông đã là kỳ tích thì làm sao dám mơ đến giảng đường đại học. Tân sinh viên Đại học Y Dược Thái Bình nghẹn ngào nhớ lại: “Hoàn cảnh gia đình em khó khăn như thế này thì việc theo đuổi ước mơ là điều không thể. Có lẽ em phải tạm gác lại chuyện học, đi làm có tiền rồi mới thực hiện tiếp giấc mơ của mình”.

Chị Lâm Thị Hồng (mẹ của Thu) day dứt: “Nhiều đêm tôi không thể nào chợp mắt được. Thương con mà chẳng biết phải làm sao, bởi tài sản không có thì lấy gì cầm cố để vay mượn. Khuyên con từ bỏ giấc mơ đại học mà lòng tôi đau như cắt...”.

Trong lúc lòng người rối như tơ vò thì “tiên ông” giữa đời thường đã xuất hiện. Thấu hiểu khó khăn của gia đình, cảm phục ý chí vượt khó, tinh thần hiếu học của cô học trò nhỏ Đoàn Thị Thu, ông Phạm Văn Học - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương đã nhận tài trợ toàn bộ học phí và các khoản sinh hoạt phí cho Thu trong suốt 6 năm theo học tại Đại học Y Dược Thái Bình.

Đón nhận món quà trong mơ, Đoàn Thị Thu nghẹo ngào chia sẻ: “Được Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương hỗ trợ kinh phí học tập là động lực để em thực hiện ước mơ. Em nguyện sẽ trả ơn này bằng cách sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ mang kiến thức đã được học tập để chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho mọi người. Bởi em hiểu rằng xã hội vẫn còn rất nhiều người cần được giúp đỡ...”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, sau khi nhận được học bổng của Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, Đoàn Thị Thu cũng đã từ chối một số gói tài trợ của các nhà hảo tâm khác vì: “Với em, sự hỗ trợ của các cô chú ở Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương là đủ rồi. Em muốn nhường những phần quà ấy cho các bạn khác có hoàn cảnh khó khăn như em”.

Toàn cảnh Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương. (Ảnh: BV Đa khoa Hùng Vương)

Toàn cảnh Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương. (Ảnh: BV Đa khoa Hùng Vương)

Hành trình gieo mầm yêu thương của Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương tiếp tục được nối dài khi nhận đỡ đầu em Nguyễn Thị Nguyệt Ánh (sinh năm 1997) ở xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. So với cô tân sinh viên Đoàn Thị Thu, Nguyệt Ánh có số phận còn bi đát hơn khi mồ côi cả cha lẫn mẹ từ năm 16 tuổi. Ba chị em Nguyệt Ánh côi cút tự lập và nương tựa vào tình làng nghĩa xóm. Với hoàn cảnh gia đình như thế, chuyện đi học có lẽ chỉ xuất hiện trong... giấc mơ.

Thế nhưng, phép màu đã đến với Nguyễn Thị Nguyệt Ánh khi Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương quyết định nhận đỡ đầu toàn bộ chi phí để em theo học tại Trường Cao Đẳng Y tế Bạch Mai, Hà Nội. Và chuyện cổ tích không dừng lại ở đó. Năm 2018, Nguyệt Ánh tốt nghiệp ra trường và được Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương tiếp nhận vào làm việc. Ngày nhận tháng lương đầu tiên, cô học trò nghèo ngày nào nghẹn ngào nói về giá trị cuộc sống, sức mạnh của lòng nhân ái: “Em sẽ cống hiến hết sức mình cho xã hội, sẽ nối dài nhịp cầu nhân ái mà các cô chú ở Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương đã kiến thiết để đồng hành giúp đỡ những người nghèo.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Nguyệt Ánh đang cập nhật tình hình sức khỏe của bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Nguyệt Ánh đang cập nhật tình hình sức khỏe của bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương.

Lương y như từ mẫu

Câu chuyện của ông Lương Ngọc Mạnh (sinh năm 1957) ở xã Vân Du, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ không chỉ khắc họa chân dung “lương y như từ mẫu” của ông Phạm Văn Học và tập thể Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương mà còn chạm vào lòng nhân ái, sự sẻ chia với nét đẹp truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam.

Ông Lương Ngọc Mạnh là nông dân nghèo, không may bị tai nạn lao động với vết thương rất nặng ở vùng bụng phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn mà vết thương đòi hỏi phải phẫu thuật, chi phí rất tốn kém nên có thể nói tính mạng của ông Lương Ngọc Mạnh như “ngàn cân treo sợi tóc”. Tuy nhiên, bằng trái tim nhân hậu và sự thấu hiểu, sẻ chia nỗi vất vả của người nông dân một nắng hai sương, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương Phạm Văn Học đã quyết định miễn toàn bộ chi phí trong suốt quá trình điều trị.

Ngày ông Lương Ngọc Mạnh hồi phục sức khoẻ và được ra viện, để bày tỏ lòng biết ơn ông đã viết một lá thư gửi tập thể Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương. Trong thư, ông mong muốn xin được nhận một phần chi phí hỗ trợ từ bệnh viện, phần còn lại, ông xin tặng ngược lại cho bệnh viện để có thể giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn như mình sau này...

Ông Lương Ngọc Mạnh (người mặc áo trắng) kể về quá trình bị máy cày đổ vào người gây tai nạn. (Ảnh: PV)

Ông Lương Ngọc Mạnh (người mặc áo trắng) kể về quá trình bị máy cày đổ vào người gây tai nạn. (Ảnh: PV)

Câu chuyện của ông Lương Ngọc Mạnh có thể nói như một nguồn năng lượng tích cực truyền tải đến mọi người. Từ tấm lòng nhân ái của vị Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc và tập thể y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương đã khơi dậy tính nhân văn luôn sẵn có trong mỗi con người, để từ đây lòng tốt tiếp tục sẻ chia và lan tỏa. “Tôi được đưa vào bệnh viện trong hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Tại đây, với tấm lòng lương y như từ mẫu, các y, bác sĩ đã làm hết sức mình để giành giật lại sự sống cho tôi. Điều làm tôi hết sức bất ngờ và hạnh phúc đó là được bệnh viện hỗ trợ toàn bộ chi phí. Tuy nhiên, hoàn cảnh của tôi hiện tại vẫn có khả năng chi trả một phần viện phí, nên xin nhường số còn lại cho các bệnh nhân khác. Dù sao vẫn còn rất nhiều người khó khăn đang cần nhận được sự giúp đỡ” - ông Lương Ngọc Mạnh chia sẻ.

Câu chuyện của ông Lương Ngọc Mạnh lại cho chúng ta biết thêm một bài học về cách truyền tải nguồn năng lượng tích cực, khơi gợi lòng nhân ái trong xã hội. Giữa bộn bề mưu sinh, với những mánh lới, sân si, thậm chí là thủ đoạn để sống và tồn tại thì vẫn có những con người như Đoàn Thị Thu, Nguyễn Thị Nguyệt Ánh hay ông Lương Ngọc Mạnh. Khó khăn vẫn còn nhưng khi họ chỉ dám “nhận đủ” chứ không bao giờ “nhận thừa”. Với họ, sự trợ giúp của ông Phạm Văn Học và tập thể y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương là vô cùng trân trọng, đáng quý, nhưng điều đáng ghi nhận hơn đó lại là bài học dành cho sự sẻ chia. Thế mới biết, cuộc đời rộng nhất, đẹp nhất vẫn là tình người. Có tình người là có tất cả...

Và đây chỉ là 3 trong hàng trăm câu chuyện đã diễn ra trong suốt 13 năm qua, kể từ khi Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương chính thức đi vào hoạt động (ngày 28/9/2010).

Những câu chuyện tử tế của Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương đang viết tiếp ước mơ cho rất nhiều mảnh đời bất hạnh, cần có bàn tay đón đỡ đúng lúc khi “trái tim yêu thương đã chạm được vào trái tim thương yêu” và nghĩa cử cao đẹp này luôn cần được lan tỏa, nhân lên trong cộng đồng, xã hội.

“Trong xã hội hiện nay, người ta có nhiều cách để làm việc thiện. Thế nhưng, với Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, chúng tôi luôn chọn cách đi riêng. Chúng tôi coi trọng đến công tác an sinh xã hội, thường xuyên hỗ trợ cộng đồng bằng việc tổ chức các hoạt động kết nối yêu thương, lan tỏa giá trị cuộc sống. Với phương châm “Hạnh phúc là một hành trình”, không cần quá vội vàng hay náo nhiệt, chỉ đơn giản là cùng nhau sẻ chia, gửi tặng nhau những lời chúc may mắn, bình yên... đó mới chính là hạnh phúc đích thực” - ông Phạm Văn Học, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương.

Đọc thêm