Vòng luẩn quẩn
Người đàn ông ốm nhom ốm nhách, lếch thếch đến tòa trong bộ áo quần đã ngả màu. Sau lưng ông là cô con gái nhỏ. Con gái ông là bị cáo trong vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” do TAND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) tiến hành xét xử vào sáng hôm ấy.
Nữ bị cáo năm nay 24 tuổi (ngụ TP Huế, được cho tại ngoại), nhưng người nhỏ thó như trẻ vị thành niên. Cô rụt rè bước vào khán phòng, rồi ngồi một góc cho đến lúc phiên tòa bắt đầu. Gương mặt người cha buồn hiu. Gương mặt cô gái thì đầy căng thẳng.
Vụ việc xảy ra vào khoảng giữa tháng 7/2018. Do cần phương tiện đi lại nên bị cáo đã hỏi mượn chiếc xe máy Airblade của một người bạn (là bạn thân học cấp ba trước đây), đồng thời hứa khi nào anh này cần lấy lại thì cô sẽ trả. Trong thời gian mượn xe của bạn đi làm, bị cáo làm mất điện thoại của đồng nghiệp, phải đền 14 triệu.
Không có tiền, bị cáo tìm đến anh Trần, cũng là bạn thân của bị cáo để mượn tiền. Anh Trần không có tiền mặt, nhưng vì muốn giúp đỡ bị cáo nên đưa xe của bản thân đi cầm cố, lấy tiền cho bị cáo mượn. Vì anh Trần không còn phương tiện đi lại nên bị cáo lấy chiếc xe Airblade đang mượn để anh Trần sử dụng.
Một thời gian sau, anh Trần yêu cầu bị cáo trả tiền để anh đi chuộc lại xe máy, nhưng do không có tiền, bị cáo nhờ anh Trần chỉ chỗ cầm xe. Bị cáo mang chiếc Airblade đi cầm 13,5 triệu đồng, trả cho anh Trần.
Sau đó một thời gian, chủ xe yêu cầu trả lại xe cho mình. Tuy nhiên, bị cáo cứ “lơ lơ” mãi. Thấy cô bạn cứ hẹn lần hẹn lữa mãi nhưng vẫn không thực hiện việc trả xe, gọi điện lại không chịu bắt máy, nhắn tin thì chỉ trả lời qua loa, anh này tìm hiểu được biết bị cáo đã đưa xe của mình đi cầm cố. Yêu cầu bị cáo lấy xe về trả, nhưng bị cáo vẫn tiếp tục làm ngơ. Chủ xe trình báo công an, đề nghị điều tra xử lý.
Chiếc xe máy hiệu Airblade tại thời điểm bị cáo chiếm đoạt có giá trị 29 triệu đồng đã được cơ quan chức năng thu hồi, trả về cho khổ chủ. Số tiền cầm xe, bị cáo cũng đã bồi thường cho chủ cầm đồ. Do khi đem xe đi cầm cố giúp bị cáo, hai người bạn của bị cáo không biết rõ đó là xe do bị cáo chiếm đoạt của người khác, nên không bị xem xét xử lý.
Riêng chủ tiệm cầm đồ, khi cầm cố xe, không biết đây là tài sản do bị cáo phạm tội mà có nên cũng không bị xử lý về hình sự. Tuy nhiên, anh này đã có hành vi cầm cố tài sản không có giấy tờ sở hữu, vì vậy đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính.
“Cứ nghĩ bạn chỉ dọa…”
Tại phiên tòa hôm ấy, bị cáo khai, mình và bị hại là bạn bè thân thiết. Tại thời điểm bị cáo mượn xe, khi đó anh này mới vừa mua chiếc xe SH. Do thấy bạn thừa xe, bị cáo mượn đi và không vội vàng trả. “Lúc bạn bị cáo nhắn tin, nói nếu không trả xe, sẽ báo công an, mà sao bị cáo vẫn không trả?”. Bị cáo bảo chỉ nghĩ đơn giản, bạn bè với nhau, chắc bạn bị cáo chỉ dọa, chứ không làm thật. Ai ngờ bạn bị cáo đưa đơn thật chứ không phải dọa suông.
Tòa hỏi bị cáo mượn tiền anh Trần làm gì? Bị cáo cho rằng thời gian đó, bị cáo làm nhân viên bán hàng cho một công ty. Bạn của bị cáo lúc đó vừa mua một chiếc điện thoại mới, có giá trị 14 triệu đồng. Trong lúc làm việc, người bạn có việc phải rời quầy trong mấy phút, nên nhờ giữ hộ chiếc điện thoại.
Nhưng lúc đó khách hàng rất đông, vào vào ra ra nườm nượp. Bị cáo chỉ lơ đễnh mấy giây, lại không ngờ chiếc điện thoại lại không cánh mà bay. Vì làm mất điện thoại, nên bị cáo phải mua đền cho bạn, không có tiền nên bị cáo lại đi mượn. Rồi cái vòng luẩn quẩn cứ thế ngày càng khép lại, kéo bị cáo vào con đường phạm tội.
“Bạn bè, người ta có tấm lòng như thế. Thấy bị cáo không có xe đi làm, người ta cho bị cáo mượn xe để đi lại. Vậy mà bị cáo đang tâm chiếm đoạt luôn tài sản đó, rồi mang đi cầm, bị cáo nghĩ gì về hành vi đó của mình? Bị cáo nói đi bán hàng lương chỉ 2 triệu một tháng. Nếu vậy chiếc xe mà bạn bị cáo cho mượn, có giá trị đến 29 triệu đồng, so với thu nhập của bị cáo, là môt tài sản tương đối lớn. Người ta đưa tài sản lớn như thế cho mình mượn, người ta tin tưởng mình, thì mình phải sống sao cho tử tế chứ”, vị hội thẩm nhắc nhở.
Mẹ bị cáo bán nước đậu trong con hẻm nhỏ trước nhà. Vì không biết ngày con gái ra tòa, nên hôm trước bà đã lụi cụi ngâm đậu nành để sáng mai trở dậy xay đậu nấu nước bán. Đậu đã ngâm, buộc phải chế biến để bán. Miếng cơm của cả nhà đều ở đó, nên bà chẳng thể nghỉ được, đành phải giao nhiệm vụ “hộ tống” con gái đến tòa cho chồng.
Để đến dự phiên tòa, bố bị cáo cũng xin nghỉ làm một buổi. Ông bảo mình làm lái xe, vợ bán nước đậu, thu nhập của hai vợ chồng chẳng nhiều nhặn gì, nhưng cũng đủ nuôi ba đứa con khôn lớn. Bị cáo là con gái đầu của ông. Ngày trước, con gái ông theo học một trường Cao đẳng trong thành phố, nhưng đang học nửa chừng thì bỏ ngang vì nợ môn.
“Nó theo bạn bè nên bỏ bê việc học. Nợ nhiều môn quá, trả không nổi nên nghỉ học, sau đó thì đi bán hàng thuê cho người ta. Thấy cái chữ cái nghĩa cũng quan trọng, có tấm bằng trong tay, xin việc cũng dễ dàng hơn, nên con bé đang làm hồ sơ đi học lại, không ngờ lại…”, người đàn ông giọng buồn hiu buồn hắt.
Nhà tuy nghèo, nhưng nếu lúc đầu bị cáo nói thật với gia đình, dẫu không có tiền, vợ chồng ông chắc chắn cũng sẽ chạy ngược chạy xuôi, kiếm tiền để chuộc chiếc xe ra. Đằng này con gái ông cứ giấu diếm, đến lúc sự việc bung bét hết, vợ chồng ông vẫn phải chạy vạy tiền, nhưng là để bồi thường cho người ta, vì vụ án đã bị khởi tố, chẳng thể “gỡ” được”.
Nhìn đứa con gái khép nép đứng ở vị trí dành cho bị cáo, người cha trán hằn lên những nếp nhăn. Ông lo, chẳng may con gái ông không được hưởng án treo, mà phải “ngồi” tù thật, thì những ngày tháng tăm tối ngồi trong lao tù ấy, chẳng biết sẽ có những chuyện gì xảy đến với con gái ông.
Khi nghe viện kiểm sát đề nghị mức án từ 9 đến 12 tháng tù giam, bị cáo hoảng hốt, khuôn mặt vốn đã tái xanh càng thêm nhợt nhạt. Bị cáo xin tòa cho được hưởng án treo. “Bị cáo còn nhỏ tuổi, không hiểu rõ về pháp luật, lại là con gái. Hiện tại bị cáo đang làm hồ sơ để đi học lại, nên rất mong hội đồng cho bị cáo được thi hành án bên ngoài, để có cơ hội tiếp tục việc vừa đi học, vừa đi làm”, bị cáo thút thít.
Trái với nỗi mong mỏi của hai cha con, tòa tuyên bị cáo mức án 9 tháng tù giam. Bị cáo hốt hoảng, cha bị cáo cũng hốt hoảng. Thiếu nữ rời tòa, về nhà chờ ngày thi hành án.