Luật không nghiêm, hàng giả lộng hành

Trong 10 năm qua, lực lượng QLTT trong cả nước đã xử lý hơn 102.000 vụ làm hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 124 tỷ đồng...

Ban chỉ đạo 127 TƯ đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật về điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội danh sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ.

“Mưu ma, chước quỷ”

Ngày 6/9, Ban Chỉ đạo 127 TƯ đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 31/1999/CT-TTg và 2 năm thực hiện Chỉ thị 28/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

Bắt giữ hàng gian, hàng giả- ảnh MH 

Theo thống kê, trong 10 năm qua, lực lượng QLTT trong cả nước đã xử lý hơn 102.000 vụ làm hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 124 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng năm 2008, lực lượng QLTT cả nước đã xử lý 18.539 vụ sản xuất và buôn bán hàng giả, tăng 20% so với năm 2007; lực lượng cảnh sát kinh tế đã phát hiện, đấu tranh với 2.615 vụ, trong đó đã khởi tố 426 vụ, 607 đối tượng, xử lý hành chính 2.205 vụ; thu giữ lượng hàng hóa trị giá hàng chục tỷ đồng, xử phạt hành chính hàng tỷ đồng.

Có thể nói, gần như không còn mặt hàng dân dụng nào là không bị làm giả, từ xe máy, hàng điện tử, điện lạnh dân dụng, hóa mỹ phẩm, dược phẩm, rượu bia nước giải khát, hàng thực phẩm, các loại vật tư phục vụ sản xuất, sách gải, băng, đĩa giả đến  tiền giả, hóa đơn chứng từ, tem hàng hóa, bao bì giả...

Vì siêu lợi nhuận nên các đối tượng sản xuất và buôn bán hàng giả không từ  “mưu ma chước quỷ” nào, thủ đoạn cũng mỗi ngày mỗi tinh vi, như: móc nối với các doanh nghiệp nhà nước ký kết hợp đồng, trao đổi, mua bán, mượn danh nhà nước để tiêu thụ, đánh lừa người tiêu dùng, lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc thời điểm sốt giá, sốt hàng để sản xuất, tiêu thụ hàng giả, thông đồng, móc ngoặc với cán bộ kỹ thuật hoặc nhân viên nhà nước tuồn công nghệ, bí mật pha chế, nhãn mác, mẫu mã hàng hóa...

Cần chế tài mạnh

Lý giải việc hàng giả gia tăng, ông Nguyễn Hùng Dũng - Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Thường trực Ban chỉ đạo 127TƯ cho rằng: việc xử phạt các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả trong thực tế còn nhẹ, bỏ lọt nhiều hành vi, nhiều vi phạm nghiêm trọng chỉ bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc các biện pháp phi hình sự.

Trong khi đó, theo Chi cục QLTT Hà Nội,  việc xử lý vi phạm hàng giả, hàng kém chất lượng hiện còn còn có nhiều khó khăn, đặc biệt ở khâu giám định và xử lý vi phạm. Đơn cử, khi thu giữ rượu ngoại không tem, nếu hàng không cùng lô loại, yêu cầu giám định phải làm từng chai và giám định xong phải hủy mẫu, do vậy đến khi có kết quả giám định thì cũng không còn hàng mà thu. Một mặt khác, cho đến nay trên địa bàn Thủ đô chưa có cơ quan nào đảm trách việc thu thập, tổng hợp thông tin đầy đủ về hoạt động thực thi đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả.

Để công tác phòng ngừa và đấu tranh chống hàng giả có hiệu quả theo tinh thần của Chỉ thị 31/1999/CT-TTg về đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả và Chỉ thị 28/2008/CT-TTg về một số biện pháp cấp bách chống hàng giả, hàng kém chất lượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú chỉ đạo, cần rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về chống hàng giả, vi phạm sở hữu tuệ, hàng kém chất lượng, sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng.

Nghiên cứu đề xuất bổ sung những quy định về điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội danh sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ; Thành lập các đội chuyên trách về chống hàng giả; xây dựng “đường dây nóng về chống hàng giả”;  Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn về các quy định của nhà nước về hàng giả, về sở hữu trí tuệ, về tác hại nhiều mặt của tệ nạn sản xuất, buôn bán hàng giả hàng kém chất lượng đến người tiêu dùng, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức.

Mai Hoa

Đọc thêm