Luật pháp không cho phép bất kỳ ai đi ngược lại với quyền sống của cộng đồng!

(PLVN) - Luật pháp bất vị thân – hơn lúc nào hết nguyên tắc này đang rất cần thiết trong giai đoạn cả nước đang căng mình lên phòng chống dịch bệnh Covid-19 như hiện nay. Pháp luật công bằng và nghiêm khắc sẽ không nương tay với bất kỳ trường hợp nào “đi ngược” lại với chủ trương phòng chống dịch của Chính phủ.
Cơ quan chức năng phải đau đầu nhiều vì các hành vi gian dối của công dân trong phòng chống dịch
Cơ quan chức năng phải đau đầu nhiều vì các hành vi gian dối của công dân trong phòng chống dịch

“Có vấn đề” trong hành vi đạo đức con người

Còn nhớ, tháng 2/2020, cả Hà Nội đã sục sôi lên vì bệnh nhân số 17 tên N.H.N. khi người này không khai báo, dùng 2 hộ chiếu để né cách ly. Theo Công an cửa khẩu cảng hàng không quốc tế Nội Bài, N.H.N. không được phát hiện, cách ly kịp thời khi nhập cảnh là do có 2 hộ chiếu - hộ chiếu Việt Nam và hộ chiếu của Vương quốc Anh.

Bệnh nhân N.H.N. đã sử dụng hộ chiếu Việt Nam khi xuất cảnh sang Anh và khi nhập cảnh trở lại. Trong những ngày du lịch tại châu Âu, có thể bệnh nhân N. đã dùng hộ chiếu của Anh để di chuyển giữa các quốc gia, trong đó có Ý - nơi đang bùng phát dịch Covid-19. Khi về nước, bệnh nhân này sử dụng hộ chiếu Việt Nam để nhập cảnh, lực lượng chức năng đã kiểm tra kỹ nhưng không phát hiện được hành khách đã đi qua vùng dịch.

Tiếp sau đó là những vụ trốn cách ly và khai báo gian dối như trường hợp của N.T.T. cư trú tại phường Tân Đông Hiệp, TP. Dĩ An, Bình Dương) trở về từ Daegu (Hàn Quốc) khai điểm xuất phát hành trình của mình là Busan, không nhắc tới Daegu - tâm dịch Covid-19. Sau đó người này còn livetream khoe "bí quyết" này trên Facebook.

Và gần đây nhất là việc bệnh nhân thứ 34 khai báo nhỏ giọt về số người từng tiếp xúc với mình khiến cho số ca F1 tăng vọt. Hành vi này của bệnh nhân số 34 đã khiến cơ quan chức năng rất bị động, vất vả trong việc tìm ra và giám sát, cách ly những người nguy cơ cao.

Rồi bệnh nhân Covid-19 thứ 178 khai báo y tế gian dối, ít nhất 20 người bị cách ly ở Thái Nguyên. Rồi các trường hợp trốn cách ly ở Tây Ninh mà một người trong số đó thậm chí đã đi từ Tây Ninh ra tận Hà Nội mới đến cơ quan chức năng trình diện sau khi thấy mình bị truy tìm gắt quá…

Ở góc độ xã hội có thể thấy những cá nhân này đã vi phạm nghiêm trọng về trách nhiệm xã hội. Về lý thuyết, trách nhiệm xã hội là một vấn đề quan trọng của  đạo đức cá nhân lẫn đạo đức xã hội. Xét từ góc độ cá nhân, ý thức về trách nhiệm xã hội không chỉ là một đức hạnh, một tiêu chuẩn của luân lý, mà còn là một yếu tố cấu thành nhân cách con người; thực hiện trách nhiệm xã hội là thể hiện hành vi đạo đức của con người.

Xét từ góc độ xã hội, trách nhiệm xã hội là một trong những nền tảng để gắn kết các mối quan hệ xã hội, duy trì sự ổn định và phát triển của xã hội; là một giá trị để đảm bảo cho quyền sống của tất cả mọi người. Vì thế, những cá nhân này với việc làm vô đạo đức của mình dù là cố tình hay vô ý cũng đã thể hiện sự “có vấn đề” trong hành vi đạo đức con người, làm ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội và quyền sống của tất cả mọi người.

Hình phạt nghiêm khắc với hành vi phạm tội làm lây lan dịch bệnh 

Kể từ khi bắt đầu công cuộc phòng chống dịch bệnh Covid-19 đến nay, không ít lần các cơ quan chức năng, cộng đồng, xã hội phải đau đầu vì các hành vi từ gian dối trong khai báo nhập cảnh, trốn tránh khai báo tiếp xúc cho đến đào thoát khỏi nơi cách ly tập trung…

Ở góc độ pháp luật, phần lớn quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đều có các điều luật để ngăn chặn hành vi làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Những cá nhân, tổ chức có hành vi đều phải chịu trách nhiệm hình sự, phạt tù và phạt tiền. 

Chính vì thế, để góp phần ngăn chặn sự gia tăng phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trong thời điểm hiện nay, ngày 30/3/2020 Hội đồng thẩm phán TANDTC đã ban hành Công văn 45/TANDTC-PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Dù trong thời gian có dịch bệnh Covid-19 vẫn cần phải đưa các vụ án liên quan đến phòng, chống Covid-19 ra xét xử để răn đe.
 Dù trong thời gian có dịch bệnh Covid-19 vẫn cần phải đưa các vụ án liên quan đến phòng, chống Covid-19 ra xét xử để răn đe.

Theo đó, người trốn cách ly rồi lây bệnh cho người khác sẽ bị xử lý hình sự. Cụ thể, người đã được thông báo mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi: trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác bị coi là trường hợp thực hiện "hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người" quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự (BLHS) và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.

Người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện một trong các hành vi: Trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa; không tuân thủ quy định cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 BLHS.

Đối với chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán bar, vũ trường, karaoke, dịch vụ mátxa, cơ sở thẩm mỹ...) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng chống dịch bệnh Covid-19 của cơ quan, người có thẩm quyền, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chí phí phòng, chống dịch bệnh bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 BLHS.

Ngoài ra, Hội đồng thẩm phán còn hướng dẫn xử lý hình sự nhiều hành vi khác liên quan đến đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 BLHS.

Người có hành vi đưa trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 bị xử lý về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 BLHS.

Người có hành vi lợi dụng dịch bệnh Covid-19 đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 BLHS.

Người có hành vi đã, đang hoặc nhằm đưa trái phép thuốc, vật tư y tế dùng vào việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ra khỏi biên giới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm thu lợi bất chính thì bị xử lý về tội buôn lậu theo quy định tại Điều 188 BLHS.

Người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh Covid-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính bị xử lý về tội đầu cơ theo quy định tại Điều 196 BLHS.

Người có hành vi dùng vũ lực, de dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bị xử lý về tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330 BLHS.

Người có trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhưng không triển khai hoặc triển khai không kịp thời, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định gây hậu quả nghiêm trọng bị xử lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360 BLHS. 

Tại Công văn này, Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng yêu cầu áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng như làm lây lan dịch bệnh cho từ 2 người trở lên, làm chết người...

Đồng thời, dù trong thời gian có dịch bệnh Covid-19 vẫn cần phải đưa các vụ án liên quan đến phòng, chống Covid-19 ra xét xử để răn đe, nhưng lưu ý đảm bảo điều kiện phòng xử án tối đa 10 người, khoảng cách giữa những người tham gia phiên tòa tối thiểu 02 mét... và có phương án tuyên truyền phù hợp để bảo đảm công tác giáo dục, phòng ngừa chung.

Đọc thêm