Luật pháp & Y đức

(PLVN) - . Không thể cứ chỉ mong chờ toàn bộ vào luật, mà cần đặt vấn đề làm sao để y đức ngày càng được nâng cao; đừng để tái diễn những vụ án đau đớn “kiếm ăn trên dịch bệnh, trên nỗi đau đồng bào”...

Sáng 13/6, thảo luận về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB - sửa đổi), một đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng “ngành Y tế đang trải qua khủng hoảng”. Dịch bệnh COVID-19 chưa hoàn toàn chấm dứt, công tác KCB, chăm sóc sức khỏe nhân dân đang rất khó khăn thì tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế đang diễn ra ở nhiều nơi. Nhiều người trong hệ thống y tế không dám đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế bởi sợ sai, sợ vi phạm. Vị ĐBQH này cho rằng “thể chế pháp luật không rõ ràng là nguyên nhân của mọi nguyên nhân”.

Phải thừa nhận, không chỉ ở Việt Nam, mà ở cả thế giới, luật pháp đương nhiên luôn thay đổi cho phù hợp với cuộc sống. Việc sửa đổi Luật KCB cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Ở Việt Nam, còn có những điểm quy định có thể chưa thực sự phù hợp như kiêm nhiệm giữa chuyên môn và điều hành bệnh viện (BV) công.

Giám đốc BV công trước hết phải giỏi chuyên môn y khoa, trải qua quá trình phấn đấu lâu dài, từ bác sĩ cấp khoa phòng đi lên. Tuy nhiên, họ lại không được đào tạo bài bản về kỹ năng quản lý, điều hành, quản trị hoạt động BV. Điều này dẫn đến bất cập trong quản lý nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị y tế, khiến chất lượng dịch vụ kém, hoạt động KCB thiếu chuyên nghiệp.

Thế nhưng, thực tế cũng cho thấy chúng ta đã nhìn ra vấn đề này. Hiện ở một số trường đại học đã có những chuyên ngành như quản lý BV. Có thể tới đây, bác sĩ có thể sẽ chỉ cần làm chuyên môn, khi vào phòng mổ chỉ tập trung chuyên môn cứu chữa người bệnh; không còn nỗi lo bị phân tâm bởi những gói thầu A, hợp đồng B.

Nhiệm kỳ trước, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh cơ chế tự chủ với các đơn vị sự nghiệp, y tế công lập. BV công sẽ được tự chủ tài chính, thành lập bộ máy quản lý là Hội đồng điều hành, quản lý BV. Các BV có thể thuê CEO (giám đốc điều hành), không cần giỏi chuyên môn mà giỏi về quản lý, điều hành để tạo đột phá nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo cơ chế minh bạch, phù hợp với xu thế thế giới. Cơ chế này sẽ trả lại sứ mệnh thiêng liêng của bác sĩ là chăm sóc, cứu chữa người bệnh. Tất nhiên, điều quan trọng là thực hiện cơ chế này làm sao cho hiệu quả, có những quy định cụ thể chi tiết ra sao, có giải pháp nào để vượt qua những rào cản như nhận thức đã “thâm căn cố đế” trong một số người, như lợi ích nhóm của một số người...

Trở lại với “cơn bão Việt Á”, có thể nói vì luật bị thiếu, sơ hở, còn lỏng lẻo nên mới xảy ra đại án này hay không? Đại dịch COVID-19 trăm năm mới có một lần, lẽ ra cán bộ y tế và bác sĩ phải thực hiện thiên chức cứu người; nhưng một số người đã không làm như vậy. Lúc đó, lòng tham của một số ít người là cán bộ y tế có cơ hội trỗi dậy. Họ “trục lợi, xà xẻo, chấm mút, chia chác” như lời một ĐBQH. Trong tất cả các vụ án liên quan đã được công bố, vụ án nào cán bộ y tế cũng được quà, được “lại quả”, được “hoa hồng”, không chỉ nhiều mà rất nhiều. Vì vậy, không thể nói vì “luật bị thiếu, sơ hở, còn lỏng lẻo”. Khi người ta cố tình sai phạm thì dù luật có kín kẽ bao nhiêu, người ta cũng có thể “biến báo” ít nhiều.

Sửa đổi Luật KCB là điều cần phải làm ngay, nhưng cũng nên nhìn nhận ở góc độ nêu trên, để có những sửa đổi cho phù hợp. Không thể cứ chỉ mong chờ toàn bộ vào luật, mà cần đặt vấn đề làm sao để y đức ngày càng được nâng cao; đừng để tái diễn những vụ án đau đớn “kiếm ăn trên dịch bệnh, trên nỗi đau đồng bào”.

Đọc thêm