Lâm Đồng: 182ha đất tái định canh tại huyện Bảo Lâm bị lấn chiếm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - 182ha đất tái định canh (TĐC) tại thị trấn Lộc Thắng và một phần xã Lộc Phú (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) phục vụ dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm Lâm Đồng (dự án) bị người dân lấn chiếm suốt 17 năm qua, dựng nhà, trồng cà phê, chè…
Ông Nguyễn Đình Trí, Phó Giám đốc BQLDA thuộc TKV.
Ông Nguyễn Đình Trí, Phó Giám đốc BQLDA thuộc TKV.

Doanh nghiệp thừa nhận “không đủ năng lực quản lý khu đất”

Theo hồ sơ, ngày 6/9/2006, UBND tỉnh Lâm Đồng có Quyết định 2483 thu hồi 182ha đất trên và giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh để quy hoạch bố trí tái định canh cho dự án. Sau đó, tháng 9/2007, UBND tỉnh điều chỉnh tên tổ chức được giao đất sang Ban Quản lý dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm Lâm Đồng (BQLDA, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - TKV).

Theo ông Nguyễn Đình Trí, Phó Giám đốc BQLDA, mục đích của việc nhận bàn giao nhằm thuận lợi cho đầu tư hạ tầng cho khu TĐC rồi bàn giao lại chính quyền địa phương để cấp đất TĐC cho người dân có nhu cầu.

Khoảng từ 2007 - 2008, bắt đầu xuất hiện tình trạng người dân lấn chiếm đất TĐC trồng chè, cà phê. Đến khoảng 2001 - 2011 thì toàn bộ diện tích đất TĐC bị lấn chiếm hoàn toàn.

Khu vực này gần con đường nhựa rộng 5m, giao thông đi lại thuận lợi, cách trung tâm huyện khoảng 20 phút di chuyển bằng xe máy, gần một số khu dân cư. Quan sát thực tế, PV nhận thấy toàn bộ đất đã được trồng chè, cà phê nhiều năm tuổi. Một số người dân đã xây nhà cửa, rào chắn kiên cố trên đất. Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện và BQLDA, hiện có hơn 100 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu lấn chiếm, sản xuất trên đất TĐC.

Ông Trí cho biết: “Ngay từ đầu, phía BQLDA nhận thức rằng việc UBND tỉnh giao đất là để đơn vị thuận lợi trong đầu tư hạ tầng khu TĐC rồi bàn giao lại cho huyện, chứ BQLDA không có chức năng quản lý đất đai, phân bổ đất đai cho người dân. BQLDA không thực hiện dự án nào ở khu TĐC này. Mặt khác, BQLDA không đủ lực lượng và chuyên môn để quản lý đất đai”.

Ông Trí cho rằng, ngay sau khi nhận đất đầu tư hạ tầng, BQLDA đã ký hợp đồng với UBND xã Lộc Phú là đơn vị gần với khu đất TĐC để trông coi, bảo vệ đất, đã ứng tiền cho xã. Tuy nhiên không lâu sau đó, Chủ tịch UBND xã là người đại diện ký hợp đồng qua đời và các lãnh đạo xã sau này “không mặn mà thực hiện hợp đồng đã ký”. “Hợp đồng sau đó cũng không có nghiệm thu, thanh lý”, ông Trí nói.

Về thực hiện trách nhiệm quản lý, bảo vệ khu đất, ông Trí cho biết thường xuyên cử lực lượng đi tuần tra, phát hiện người dân lấn chiếm đất trồng cây, đã phối hợp lực lượng kiểm lâm nhổ bỏ nhưng “cứ nhổ bỏ xong người ta trồng lại ngay. Chúng tôi không đủ lực lượng để kiểm tra thường xuyên, không có chức năng lập biên bản, xử phạt nên không có tính răn đe”.

Đại diện BQLDA cho rằng do không đủ năng lực quản lý khu đất nên thường xuyên báo cáo UBND huyện để nhờ giúp đỡ.

Sau nhiều năm, ngày 27/2/2018 UBND tỉnh có Quyết định 401/QĐ-UBND thu hồi toàn bộ 182ha đất trên giao UBND huyện quản lý; đồng thời giao huyện xử lý các trường hợp lấn chiếm.

Huyện nêu quan điểm chỉ nhận bàn giao đất “sạch”

Đại diện BQLDA thừa nhận chưa thực hiện hết trách nhiệm dẫn tới việc 182ha đất TĐC bị lấn chiếm. Ông Trí nói: “Từ nhiều năm trước BQLDA đã nhiều lần báo cáo huyện, mong muốn bàn giao lại khu đất TĐC sau khi đã đầu tư hạ tầng. Phía BQLDA sẵn sàng hỗ trợ các chi phí đo đạc, khảo sát để thu hồi, giải toả đất bị lấn chiếm. Tại nhiều cuộc làm việc, BQLDA thẳng thắn nhận phần lỗi để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất nhưng một mình BQLDA không thể làm gì được”.

Khu đất TĐC 182ha đã bị một số người trồng cây, dựng nhà.

Khu đất TĐC 182ha đã bị một số người trồng cây, dựng nhà.

Về phía UBND huyện, trả lời PLVN, ông Nguyễn Tấn Trầm (Chánh Văn phòng UBND huyện) nêu quan điểm, 182ha đất TĐC đã được UBND tỉnh giao BQLDA thuộc TKV nên DN phải có trách nhiệm quản lý. Hiện toàn bộ diện tích đã bị lấn chiếm, rất khó giải toả, là trách nhiệm của đơn vị được giao đất. UBND huyện chỉ nhận bàn giao đất TĐC khi đất đã được giải toả, là đất “sạch”.

“Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện UBND huyện đang chỉ đạo các đơn vị tổ chức rà soát, thống kê lại diện tích đất bị lấn chiếm và những người lấn chiếm để có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo. Quá trình giải toả sẽ khó khăn, kéo dài do diện tích lớn, số hộ lấn chiếm nhiều”, ông Trầm nhận định.

Theo các tài liệu, từ 2017 đến nay, UBND tỉnh nhiều lần có văn bản yêu cầu giải toả, thu hồi diện tích đất lấn chiếm; đôn đốc triển khai chỉ đạo của UBND tỉnh. Sau đó UBND huyện Bảo Lâm cũng có nhiều văn bản chỉ đạo, giao các phòng chuyên môn tham mưu triển khai; tham mưu UBND huyện báo cáo các khó khăn, vướng mắc.

Người dân địa phương cho biết, cách đây 4 - 5 năm, khi “cơn sốt” đất diễn ra tại Bảo Lâm, hàng ngày có cả trăm đoàn khách đến tìm hiểu, mua đất tại khu TĐC. Nhiều người sau khi xuống tiền cọc biết thông tin là đất TĐC nên rút lui, nhưng vẫn có người đánh liều mua đất lấn chiếm.

Đọc thêm