Những mối tình của nhạc sĩ “Giọt lệ đài trang“

(PLO) - Trước 1975, nhạc sĩ Châu Kì được mệnh danh là “ông vua” của dòng nhạc Bollero. Tuổi trẻ của ông được đánh dấu bằng những mối tình lộng lẫy nhưng như rất nhiều tình duyên nghệ sĩ khác, đã đứt đoạn nửa chừng.

Cuộc gặp định mệnh       

Là con người tài hoa, như nhiều nghệ sĩ khác, sự tài hoa của Châu Kì gắn liền với chữ “đa tình”, huống hồ, ngoài sáng tác những nhạc phẩm lay động hồn người, thì ông còn hát hay, và ngoại hình sáng sủa, đẹp trai. Trên bước đường phiêu lưu của một người nghệ sĩ, ông đã gặp và có nhiều mối tình thoáng qua với những bóng hồng, Việt có, Lào có, nữ nghệ sĩ cũng có mà các thiên kim tiểu thư khuê các cũng có. 
Một mối tình nhỏ gắn với kỉ niệm buồn của đời ông, đó là chuyện nữ sinh Đoàn Thị Sum ở Nha Trang. Sum yêu Châu Kì say đắm, nhưng bị gia đình, mà nhất là bố dượng quyết tâm ngăn cấm. Tìm mọi cách vẫn không đến được với người yêu, cô nữ sinh chung tình, dại dột đã quyên sinh để tỏ rõ tấc lòng của mình. Đang đi lưu diễn, nghe tin, Châu Kì đã rụng rời tay chân, những muốn chết theo người yêu cho trọn vẹn. May mắn là ý định tự hủy hoại thân mình đã được người thân ngăn trở. 
"Ông vua nhạc xưa" Châu Kì
 "Ông vua nhạc xưa" Châu Kì
Sau này, mối tình với cô gái bạc mệnh đã được Châu Kì đưa vào ca khúc Nha Trang hoài nhớ làm nhiều người phải ngẩn ngơ rơi lệ khi nghe.

Để quên đi mối tình không đoạn kết, Châu Kì từ miền Trung vào Sào Gòn. Và mảnh đất phồn hoa đã đem đến cho ông một cuộc tình thuộc về định mệnh, nhưng không kém phần đau buồn.

Mộc Lan, nàng ca sĩ gốc Hải Phòng thời ấy mới vào đến Sài Gòn, đang bắt đầu tạo dựng danh tiếng. Châu Kì thì đã được biết đến nhiều ở miền Trung. Họ gặp nhau lần đầu trong căn nhà một người bạn nghệ sĩ. Ngay lần gặp đầu ấy, tiếng sét ái tình đã đánh trúng đôi “trai tài gái sắc”. 
Với Mộc Lan, Châu Kì là chàng nhạc sĩ đẹp trai và tài hoa mà nàng từng ngưỡng mộ qua những ca khúc trữ tình. Với Châu Kì, Mộc Lan là người con gái có giọng hát say lòng và vẻ đẹp quyến rũ mà không người đàn ông nào không ngây ngất. Nửa năm sau buổi gặp gỡ, họ thành vợ thành chồng. 
Châu Kì đưa Mộc Lan về Huế ra mắt gia đình. Họ cũng ở lại Huế để phát triển sự nghiệp. Một người bạn thân của họ, Giám đốc Đài phát thanh Huế đã tạo điều kiện cho họ xuất hiện thường xuyên trước công chúng, và mức lương đài trả cho đôi uyên ương cũng khá cao so với thời điểm lúc ấy. Không có chốn ở, họ còn được ở nhờ tại một căn phòng nhỏ phía sau đài.
Những năm 50, Huế chứng kiến một cặp song ca - ca sĩ - nhạc sĩ tỏa sáng rực rỡ trên các sân khấu nhạc trữ tình. Cái tên Châu Kì – Mộc Lan không chỉ nổi như cồn ở Huế mà còn khắp các tỉnh Nam, Trung, Bắc, nhất là ở Sài Gòn.
Dường như lời nguyền “hôn nhân giết tình nghệ sĩ” thường hay đúng. Yêu say đắm là thế, nhưng cuộc sống khốn khó dần làm mối tình ấy mất đi vẻ nên thơ ban đầu. Sáu năm sau cuộc hôn nhân nồng thắm, Châu Kì phát hiện vợ thay lòng. Nhờ một người bạn theo dõi vợ, ông phát hiện Mộc Lan quả thật đã đi lại với một người đàn ông khác. Đau đớn hơn, đó là một người quen biết của ông, có xuất thân quyền quý. 
Để vợ chấm dứt mối tình sai trái, Châu Kì quyết định chuyển vào sống ở Sài Gòn. Nhưng lòng người đàn bà một khi đã đổi thay thì khó mà kéo lại được. Người tình từ Huế vẫn thường xuyên lui tới Sài Gòn thăm nom Mộc Lan với những cuộc gặp gỡ vụng trộm. Châu Kì một lần nữa phát hiện. Cuộc hôn nhân của họ tan vỡ, để lại trong lòng Châu Kì những vết thương rất sâu khó lành miệng được.

Mối duyên trời bù đắp

Tưởng như, sau cuộc hôn nhân nồng nàn và đau đớn với Mộc Lan, sau một sự phản bội thì trái tim Châu Kì sẽ khép cửa, nhưng số phận đã run rủi cho ông may mắn tìm được “một nửa” thật sự của đời mình, người phụ nữ hiền thục hết lòng thương yêu, gắn bó với châu Kì cho đến cuối đời.

Bà tên Kha Thị Đàng, chị em chú bác với liệt sĩ Kha Vạn Cân. Châu Kì gặp Kha Thị Đàng trong một bữa gặp mặt bạn bè. Sau một thời gian thường xuyên lui tới nhà người bạn, trái tim Châu Kì dần lay động trước cô nữ sinh rất đỗi hiền dịu, trong sáng. 
Về phần Kha Thị Đàng, bà cũng không để tâm lắm đến người nghệ sĩ trung niên này. Cho đến khi Châu Kì đến thổ lộ và tặng bà bài hát Hờ hững do ông sáng tác riêng cho bà, trái tim người thiếu nữ bồi hồi rung động. Sau đó, họ yêu nhau, mặc dù gia đình cô Đàng không ưng lắm vì sợ con gái khổ với tay nghệ sĩ lang bang, cuối cùng đám cưới vẫn diễn ra.

Lấy chồng rồi, Kha Thị Đàng mới nếm cảnh vất vả của vợ người nghệ sĩ: Di chuyển liên tục, ăn ở lang bạt kì hồ. Nhưng tình yêu làm mọi thứ đều lung linh. Sau đó, Châu Kì lập đoàn hát, Kha Thị Đàng chính là người đảm nhận vai trò MC của những đêm diễn, và để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người xem về một phụ nữ khéo léo, có duyên.

Nhưng lấy nghệ sĩ đâu phải chuyện chơi. Châu Kì càng nổi tiếng, chung quanh ông càng nhiều bóng hồng. Những cuộc chơi của nghệ sĩ bất tận với đủ thú vui và không kém tai tiếng, người vợ biết nhưng đành cam chịu, không than oán. Buồn chồng, bà tách khỏi giới nghệ sĩ, xin  làm cho một công ty ngoài.

Sau giải phóng, một thời gian đời sống văn nghệ không còn sôi động, Châu Kì không còn nhiều đất diễn, đành trở về cuộc sống bình lặng vợ chồng. Ông sáng tác trong âm thầm, lại tay trong tay, vợ chồng chăm nom nhau, với 4 đứa con sống một cuộc đời bình yên và hạnh phúc, cho đến khi ông qua đời vào năm 2008… Một đời tài hoa, đào hoa và sóng gió đã nghỉ yên trong lòng đất…

Châu Kì sinh ngày 5 tháng 11 năm 1923 tại Thừa Thiên (Huế). Cha ông là Châu Huy Hà, một nghệ nhân ca Huế; chị ruột ông là Châu Thị Minh, được coi là một trong Ngũ nữ minh tinh nổi danh lúc bấy giờ (Phùng Há, Năm Phỉ;  Ái Liên, Bích Hợp.)

Đến khi chị Châu Thị Minh lập đoàn ca kịch Huế mang tên Hồng Thu, ông đi hát trong đoàn của chị. Vừa được hát, lại vừa có tiền giúp cha mẹ, ông bỏ học luôn để đi theo nghiệp cầm ca. 

Khoảng năm 1942, đoàn Hồng Thu lưu diễn sang Lào và bị mật thám Pháp bắt khi đang diễn vở kịch Hồn lao động. Năm 1943, Châu Kì được trả tự do, nhưng khi về tới Huế thì mới hay mẹ đã bị chết đuối trong một cơn lũ. Buồn rầu, Châu Kỳ đã viết ca khúc đầu tay Trở về và đã được giới yêu tân nhạc rất chú ý.

Sau đó, một số tác phẩm mang âm hưởng cổ nhạc miền Trung của ông ra đời, như: Khúc ly ca, Từ giã kinh thành, Mưa rơi, Khi ánh trăng vàng lên...gặt hái được nhiều thành công, ông tiếp tục sáng tác cho đến hết đời.

Ngoài ra, ông có tiếng là "vua phổ thơ". Nhạc của ông đã được nhiều thế hệ ca sĩ từ trước 1975 đến nay thể hiện ở trong nước và hải ngoại. Giọt lệ đài trang là bài hát của ông được nhiều người yêu mến.

Đọc thêm