Luật sư “lừa” tòa để “dân sự hóa” hành vi hình sự

(PLO) - Một màn hợp xướng đạt đỉnh cao “ nghệ thuật” do một luật sư dàn dựng và là nhạc trưởng. Màn hợp xướng này đẩy doanh nghiệp đến bờ vực phá sản trước sự vô cảm của khán giả là “ vai trò quản lý nhà nước” tỉnh Bình Thuận…  
Ông Đặng Văn Thể đang kể lại sự việc với phóng viên
Ông Đặng Văn Thể đang kể lại sự việc với phóng viên

Đã có hành vi cưỡng đoạt tài sản

Vụ tranh chấp hợp đồng hợp tác (HĐHT) giữa Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Khiết Tường (Cty Khiết Tường)-74B Nguyễn Phi Khanh-Tân Định-Q1-TP HCM và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nông sản Hồng Ân (Cty Hồng Ân)-150/9 Nguyễn Trãi-Bến Thành-Q1-TP HCM đang là  điểm nóng thời sự của cộng đồng doanh nghiệp trồng và xuất khẩu thanh long tại tỉnh Bình Thuận. Sự kiện Nhà máy gia nhiệt Hồng Ân cùng 80 ha (50ha đạt tiêu chuẩn VietGap, 30ha đạt tiêu chuẩn Global.A.P) thanh long bị bỏ hoang trong thời điểm giá thanh long 30.000đồng/kg hiện nay là sự lãng phí tài sản xã hội, thiệt hại cho doanh nghiệp nghiêm trọng. Vì sao như vậy?

Như bài trước PLVN đã thông tin, khối tài sản trên 300 tỷ đồng của Cty Hồng Ân bị Cty Khiết Tường “ cưỡng đoạt” bất chấp pháp luật trước sự thờ ơ của chính quyền tỉnh Bình Thuận là vụ việc gây hoang mang trong dư luận. Vì sao gọi là “cưỡng đoạt” bất chấp pháp luật? PLVN đã lần ra chứng cứ và xâu chuỗi lại như sau… 

Trung tá Hoàng Tùng Việt- Đội trưởng Đội tham mưu tổng hợp Công an huyện Bắc Bình-Bình Thuận trao đổi với phóng viên ngày 25/10/2017 như sau: “Hai công ty này tranh chấp vốn góp trong quan hệ tài chánh với nhau. Các cấp chính quyền có giải quyết nhưng không kết quả. Năm 2015, trên khu vực Nhà máy Hồng Ân đã có xảy ra xô xát, tranh chấp, chúng tôi đã xử phạt hành chính…”.

Trước câu hỏi của phóng viên: Sự kiện đêm 28 rạng sáng ngày 29/01/2016 khoảng 50 người lạ mặt do người đàn ông tên Quả cầm đầu vào khống chế bảo vệ nhà máy, đánh đập, rồi đuổi họ đi, chiếm nhà máy cho đến nay thì cơ quan công an có đến lập biên bản hiện trường không? Trung tá Việt trả lời: “...vụ này tôi không biết, để tôi hỏi lại bên Đội điều tra tổng hợp…”. Nói xong, Trung tá Việt đi ra ngoài, và hệ quả không có thông tin gì cung cấp cho PLVN ?!

Ông Đặng Văn Thể, 62 tuổi, nhân viên bảo vệ của Nhà máy Hồng Ân kể lại chuyện “đêm hôm ấy…”: 3 giờ sáng đêm đó (rạng sáng ngày 29/1/2016-PV), tôi vào thay ca thì thấy toàn bộ anh em bảo vệ kíp trực ca trước bị một nhóm người lạ mặt khống chế ngồi im trong góc phòng. Tôi hỏi, chuyện gì đang xảy ra? Lập tức có khoảng 7-8 người xông vào đánh tôi, tôi chỉ biết ôm đầu chịu trận để né những đòn hiểm của đám đông. Họ lục túi lấy đi của tôi 1 triệu đồng tiền Việt và 50 USD quà tặng của giám đốc cùng chiếc nhẫn 1 chỉ vàng 24K tôi đeo trên tay… Sau đó, đại diện nhóm người này cho mỗi một bảo vệ 1,5 triệu đồng và bảo họ ra về kiếm việc khác mà làm. Tôi không lấy, và tiếp tục chống cự, họ tiếp tục đánh tôi, tôi tỉnh dậy trong Bệnh viện Bắc Bình…”. Ông Thể bật khóc, ngưng câu chuyện giữa chừng… 

Cùng ngày, phóng viên đến làm việc tại UBND Huyện Bắc Bình, yêu cầu UBND huyện cung cấp thông tin theo luật định khi Chủ tịch huyện họp các ban ngành với hai doanh nghiệp để giải quyết khiếu nại hành chánh. Ông Hải, Chánh Văn phòng hứa sẽ cung cấp thông tin cho phóng viên, nhưng…        

Ngày 26/10/2017, phóng viên đến Công an tỉnh Bình Thuận để thu thập thông tin, tại đây, phóng viên nhận được câu trả lời: Lãnh đạo Phòng Tham mưu Tổng hợp bận đi họp?! Phóng viên để lại nội dung yêu cầu cung cấp thông tin vụ việc và cũng nhận được lời hứa, và cũng nhưng… UBND huyện Bắc Bình?!

Tài sản của Cty Hồng Ân được gắn tên Cty Khiết Tường và Logo của Khiết tường
Tài sản của Cty Hồng Ân được gắn tên Cty Khiết Tường và Logo của Khiết tường

Cục Điều tra Viện kiểm sát Tối cao vào cuộc

Trong một diễn biến khác, bà Lê Thị Thanh Lan-Tổng Giám đốc Cty Khiết Tường đã thực hiện một “kịch bản” viết sẵn để “dân sự” hóa hành vi “cưỡng đoạt tài sản” của Cty Khiết Tường. Ngày 29/1/2016, sau khi  khi nhóm người lạ mặt vào chiếm, quản lý, sử dụng tài sản của Cty Hồng Ân xong thì ngày 1/2/2016 bà Lan, là nguyên đơn nộp đơn khởi kiện tranh chấp hợp đồng hợp tác với Cty Hồng Ân tại Tòa án nhân dân quận 1TP HCM. Ngày 4/2/2016, Tòa quận 1 thụ lý vụ án. Cùng ngày, Thẩm phán Mai Xuân Bình ký Quyết định 18/2016/QĐ-BPBĐ “Buộc thực hiện biện pháp bảo đảm” phong tỏa số tiền 200.000.000 đồng trong tài khoản giao dịch 211155449 đứng tên Cty Khiết Tường tại Ngân hàng TMCP Á Châu- Phòng giao dịch Đakao, quận 1… Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay. (?!)…”. Trên cơ sở đó, ngày 5/2/2016, Thẩm phán Nguyễn Minh Hoàng Vương ra Quyết định 19/2016/QĐ-BPKCTT áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với nội dung như một vụ án đã xử xong: “Kê biên tài sản tranh chấp là dự án Trang trại Hồng Ân, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) BD 098594 do UBND tỉnh Bình Thuận cấp ngày 05/4/2011; GCNQDĐ số BD 098590 do UBND tỉnh Bình Thuận cấp ngày 5/4/2011, GCNQSDĐ BD 08591 do UBND tỉnh Bình Thuận cấp ngày 5/4/2011, Nhà máy gia nhiệt Hồng Ân và toàn bộ thiết bị máy móc có trong Nhà máy, được xây dựng trên thửa đất có diện tích 5077m2 theo GCNQSDĐ số BI 380444 do UBND tỉnh Bình Thuận cấp ngày 29/5/2012 để giao bên đương sự là Cty Khiết Tường tạm thời quản lý, sử dụng theo qui định của pháp luật”.

Đến ngày 18/2/2016 Cơ quan Thi hành án dân sự huyện Bắc Bình ban hành “Quyết định thi hành án chủ động ”; sau đó, hoàn tất qui trình thủ tục kê biên, cưỡng chế theo luật định để giao tài sản này cho Cty Khiết Tường. Bình luận về thủ tục tố tụng này của Tòa án quận 1, Luật sư Vũ Mạnh Cường- Đoàn Luật sư Hà Nội - Cty Luật Hải Nam - 40A Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội nói: “ Theo như chứng cứ Báo PLVN nêu, thì đây là một vụ án có thời gian giải quyết nhanh nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam. Ngày 1/2/2016 nhận đơn khởi kiện, ngày 4/2/2016 thụ lý vụ án, cùng ngày ra quyết định “buộc thực hiện biện pháp bảo đảm”. Ngày 5/2/2016 ra “ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” kê biên toàn bộ tài sản của bị đơn giao cho nguyên đơn quản lý, sử dụng là trái pháp luật. Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là niêm phong chờ phán quyết của tòa, chờ quyết định nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Qui trình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là một qui trình quan trọng trong tố tụng giải quyết vụ án, áp dụng biện pháp này phải thực hiện giám định giá trị tài sản, rồi niêm phong, ngăn chặn tẩu tán tài sản… Thẩm phán Vương ký giao tài sản Cty Hồng Ân cho Cty Khiết Tường quản lý, sử dụng thì xem như vụ án đã giải quyết xong, không thể xét xử vụ án này theo thủ tục tố tụng được. Trong khoảng thời gian mà Báo PLVN nêu, từ 1/2/2016 đến 18/2/ 2016, khoảng thời gian này rơi vào dịp Tết Nguyên đán, trừ 10 ngày nghỉ Tết, thì vụ án Tòa án quận 1 thụ lý giải quyết chỉ trong 8 ngày. Tôi nói kỷ lục tố tụng nhanh nhất là vậy”.  

Chính vì khuất tất nêu trên, Cty Hồng Ân gửi đơn tố cáo lên các cấp thẩm quyền liên quan Trung ương. Ngày 22/9/2017 Cơ quan Điều tra Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (gọi tắt CQĐTVKSTC) ban hành Thông báo số 554/VKSTC-C1(P5), như sau  “V/v Chuyển hồ sơ tài liệu để ra quyết định khởi tố vụ án và điều tra theo thẩm quyền”. Sau khi điều tra, CQĐTVKSTC kết luận: “ Do tranh chấp về cổ phần góp vốn trong kinh doanh giữa hai Cty. Tòa án chưa giải quyết, thì đêm 28, rạng sáng ngày 29/01/2016 Cty Khiết Tường do bà Lan (đang hành nghề luật sư-PV) làm Tổng Giám đốc đã tổ chức lực lượng đông người và dùng vũ lực trái pháp luật và ép buộc bảo vệ Cty Hồng Ân để chiếm toàn bộ Trang trại thanh long Hồng Ân, Nhà máy gia nhiệt Hồng Ân  và toàn bộ máy móc thiết bị đang do công nhân của Cty Hồng Ân quản lý tại huyện Bắc Bình, Bình Thuận. Đây là vụ việc nghiêm trọng gây mất trật tự an toàn tại địa phương vào dịp Tết Nguyên đán năm 2016 nhưng do việc Tòa án nhân dân quận 1 TP HCM ra Quyết định kê biên tài sản khẩn cấp tạm thời số 19/2016/QĐ-BPKCTT ngày 05/02/2016 của Thẩm phán Nguyễn Minh Hoàng Vương nên Công an huyện Bắc Bình chưa xử lý có dấu hiệu tội phạm hình sự như trên. Hành vi của bà Lê Thị Thanh Lan và một số đối tượng khác có dấu hiệu của tội “Cưỡng đoạt tài sản”, theo qui định tại Điều 135 Bộ luật Hình sự cần phải được khởi tố điều tra theo qui định của pháp luật… CQĐTVKSTC nhận định, CQCSĐT Công an tỉnh Bình Thuận phát hiện và thụ lý trước thời điểm CQĐTVKSTC thụ lý giải quyết. Do đó ngày 05/9/2017, CQĐTVKSTC đã có công văn 500/VKSTC-C1(P5) gửi Vụ 6, để thống nhất quan điểm; đến ngày 12/9/2017, Vụ 6 đã có Công văn số 3567/VKSTC-V6 trả lời nội dung thống nhất quan điểm với CQĐTVKSTC làm thủ tục chuyển tố giác tội phạm theo qui định và sao gửi cho Vụ 6 VKSNDTC để theo dõi phối hợp giải quyết ”.

Vì vậy CQĐTVKSTC quyết định, một là: “Đối với việc xảy ra ngày 29/1/2016 tại Hải Ninh, Bắc Bình, Bình Thuận cần chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến CQCSĐT Công an tỉnh Bình Thuận để điều tra theo thẩm quyền”.

Hai là “ Tiếp tục củng cố tài liệu xem xét trách nhiệm của Thẩm phán Nguyễn Minh Hoàng Vương, Tòa án nhân dân quận 1, TP HCM trong việc ra Quyết định kê biên khẩn cấp tạm thời số 19/2016/QĐ-BPKCTT ngày 05/02/2016 trái pháp luật”.

PLVN sẽ thông tin tiếp vụ việc. 

Đọc thêm