Ông Nguyễn Thức Giáp (Trưởng văn phòng Luật sư Thiên Thanh, Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An) đã có cuộc trao đổi với PLVN về vấn đề này.
“Không bóc bánh vẫn phải trả tiền”?
- Thưa luật sư, ông có thể làm rõ phí thu tại cầu Bến Thuỷ 1 là phí cầu hay phí đường?
Luật sư Nguyễn Thức Giáp: Trên cơ sở những hồ sơ, văn bản, giấy tờ... cuống vé phí khi phương tiện qua cầu Bến Thuỷ thu thập được, chúng tôi khẳng định Trạm thu phí Bến Thuỷ cũ được dùng cho việc hoàn vốn cho dự án BOT đường tránh Vinh, dự án nâng cấp mở rộng đường QL 1A từ nam cầu Bến Thuỷ đi tuyến tránh TP Hà Tĩnh, dự án Cầu vượt Quốc lộ 46 và một số công trình khác, chứ không phải thu phí cầu Bến Thuỷ cũ.
Không thể nói việc thu phí này dùng để bảo dưỡng cầu bởi vì người dân hàng năm đã phải nộp Quỹ bảo trì đường bộ. Cienco 4 được giao bảo trì cầu Bến Thuỷ vào khoảng tháng 6 năm 2013, trong khi đó việc thu phí cầu Bến Thủy diễn ra trước quy định thu phí Quỹ bảo trì đường bộ. Giả sử rằng có việc thu phí để tu sửa cầu thì mức phí cũng không thể cao như hiện nay là 40 ngàn đồng/vé đối với xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi.
- Một số người dân phản ánh họ không đi qua đường các dự án BOT nhưng vẫn phải mất phí. Ông có bình luận gì về việc này?
Luật sư Nguyễn Thức Giáp: Thời gian qua, cử tri có nhiều văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội, Bộ GTVT, Bộ Tài chính và một số đơn vị liên quan khác với các đề nghị như: Trước mắt xem xét miễn ngay việc mua vé của các đối tượng thuộc huyện Nghi Xuân và TP Vinh hằng ngày sử dụng phương tiện ô tô qua lại cầu Bến Thuỷ cũ mà không đi qua cầu Bến Thuỷ 2 và tuyến đường tránh Vinh; tiến tới dừng bỏ ngay trạm thu phí này để đảm bảo việc công bằng; có kế hoạch di dời trạm thu phí đặt đúng vị trí đường có dự án BOT.
Trả lời cử tri, ngày 16/9/2014, Bộ GTVT ban hành văn bản11569/ GTVT- ĐTCT cho rằng việc thu phí để hoàn vốn đầu tư xây dựng tuyến đường tránh Vinh và dự án nâng cấp mở rộng QL1 đoạn Nam cầu Bến Thuỷ - tuyến tránh TP Hà Tĩnh; Chỉ đặt trạm thu phí tại cầu Bến Thuỷ 2 thì thất thoát nguồn thu vì các phương tiện sẽ lưu thông bằng cầu Bến Thuỷ cũ; Nếu chuyển trạm thu phí thì không đảm bảo khoảng cách... Và giải pháp Bộ GTVT trả lời cho người dân là Bộ Tài chính đã ban hành vé tháng, vé quý cho những phương tiện đi lai nhiều lần và được giảm 10% cho những đối tượng sử dụng vé quý.
Theo chúng tôi, đề nghị của cử tri là có cơ sở. Cty CIENCO 4 phải chứng minh người dân sử dụng dự án BOT mới được thu phí. Bản chất vấn đề là được thu hay không được thu đúng theo quy định Pháp lệnh Phí và lệ Phí (hiện là Luật Phí và Lệ phí). Trả lời của Bộ GTVT vin vào khoảng cách các trạm cách nhau 70km là chưa thỏa đáng. Hai đoạn đường nêu trên đều do CIENCO 4 quản lý và thu phí nên có thể đặt hai trạm, vé đi qua trạm này xuất trình cho trạm sau để khỏi mất phí hai lần.
Nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, người dân phải vận dụng nhiều quy định của pháp luật về quyền công dân, Luật Dân sự; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật vv... Xem lại khi tiến hành dự án BOT, đặt trạm thu phí người dân đã được tham vấn, hỏi ý kiến chưa.
Luật sư "gỡ rối"
- Người dân phải mất phí khi nào thưa ông? Người dân phải làm cách nào để vừa tuân thủ pháp luật vừa bảo vệ được lợi ích hợp pháp của mình?
Luật sư Nguyễn Thức Giáp: Theo quy định tại Điều 2 Pháp lệnh Phí và Lệ phí số 38/2001/PL- UBTVQH 10 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội ngày 28/8/2001 đã hết hiệu lực thì "Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ nằm trong Danh mục phí được ban hành kem theo Pháp lệnh này.
Tại khoản 1, Điều 3 Luật Phí và Lệ Phí ngày 25/11/2015 có hiệu lực ngày 1/01/2017 thì "Phí" được hiểu là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ cung được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Luật này.
Tại Điều 6 Luật Phí và Lệ phí ngày 25/11/2015 có hiệu lực ngày 01/01/2017 quy định: "Người nộp phí, lệ phí là tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước theo quy định của Luật này".
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì người dân chỉ mất phí khi được hưởng một dịch vụ do tổ chức, cá nhân khác mang lại. Đúng kiểu: "bóc bánh thì trả tiền". Thêm ví dụ dễ hiểu, một người dùng mạng Viettel phải phải tiền trả cho Viettel, chứ không thể trả cho nhà mạng khác được.
Khi không đi đường BOT người dân vẫn mất phí, chúng tôi xin đưa ra những giải pháp sau: Người dân có thể làm đơn khiếu nại đến Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 (CIENCO4) vì đây là đơn vị chủ đầu tư và là đơn vị có trạm thu phí cầu Bến Thuỷ cũ.
Có thể làm đơn gửi Cục kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp, đề nghị giải thích cụ thể hoặc xem xét lại tính pháp lý văn bản của Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ hoặc các văn bản của Bộ Tài chính hướng dẫn mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đường bộ trạm thu phí cầu Bến Thuỷ.
Chẳng hạn như giải thích về đối tượng áp dụng, phạm vi áp dụng cụ thể quy định trong thông tư số 159/2013/TT-BTC ngay 14/11/2013 của Bộ Tài chính; thông tư số 51/2014/TT-BTC ngày 24/4/2014 của Bộ Tài chính...
Người dân cũng có thể khởi kiện CIENCO 4 với yêu cầu đề nghị Toà án tuyên buộc Cty này phải dừng ngay việc thu phí đối với những người dân sống hai bên cầu Bến Thuỷ cũ thường xuyên sử dụng ô tô qua lại cầu và hoàn trả lại toàn bộ phí mà người dân phải trả trong suốt thời gian lưu thông qua cầu mà không sử dụng dịch vụ BOT.
Xin cảm ơn ông!
Năm 2003, Tổng Cty Công trình xây dựng giao thông 4 (CIENCO 4) xây dựng đường tránh TP. Vinh theo hình thức BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao). Chiều dài 25,8 km với tổng kinh phí xây dựng 378 tỷ đồng, CIENCO 4 được Bộ Giao thông Vận tải cho phép thu phí tại Trạm thu phí cầu Bến Thủy (bắc qua sông Lam nối 2 tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh) nằm trên Quốc lộ 1A để thu hồi vốn.
Nhiều người cho rằng, việc cho phép như trên chưa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà Nước, nhà đầu tư và người dân bởi người dân không còn sự lựa chọn khi không đi đường tránh vẫn bị mất phí.
Chưa dừng lại, năm 2012, Trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 lại được dùng để thu thêm tuyến đường BOT từ Nam TP Vinh đi Hà Tĩnh. Theo đại diện của CIENCO 4, phí BOT Bến Thủy sẽ thu đến năm 2044.
Nhiều người bức xúc, khi Trạm thu phí Bến Thủy nằm trên QL1A nhưng lại dùng thu phí cho đường tránh. Đồng thời, Trạm đặt gần đầu cầu và gần ngã tư đường nhưng quy định xe vào trạm phải cách nhau 8m, điều này dễ gây ách tắc khi phương tiện dừng đỗ trên ngã tư, chiều ngược lại ảnh hưởng tải trọng và tuổi thọ cầu Bến Thủy.