Tự ý tự quyền
Có thể nói Cầm Trọng và Từ Chi là hai tên tuổi sáng giá nhất của lịch sử dân tộc học Việt Nam. Vì thế, tìm hiểu, dù đại quan hay chuyên sâu về người Thái Việt Nam, nhất là ngành Thái đen (Taidam) không thể bỏ qua Cầm Trọng như một mắt xích mang tính then chốt để nắm bắt các dữ liệu về Thái.
Sự nghiệp dân tộc học của Cầm Trọng về cơ bản là các thành tựu dân tộc chí, trong đó cuốn “Luật tục Thái ở Việt Nam” (đồng tác giả Ngô Đức Thịnh). “Luật tục Thái ở Việt Nam” được giới nghiên cứu Dân tộc học đánh giá cao, năm 2012 công trình này được tái bản trong Dự án công bố, phổ biến tài sản văn hóa văn nghệ dân gian Việt Nam (Dự án). Nhưng những người thực hiện khi cho tái bản đã biến công trình khoa học này có nguy cơ trở thành phế phẩm bởi văn bản do Dự án in đã tùy tiện thay đổi và cắt xén nhiều trang quan trọng.
Xin dẫn vài ví dụ khi đối chiếu bản in năm 2012 với bản in năm 2003: Nxb đã tự ý chuyển “Lời giới thiệu” cuốn sách của cố GS Đinh Gia Khánh thành “Lời bạt” in cuối cuốn sách. Trong nghiên cứu khoa học Lời giới thiệu (tương tự như Lời tựa) và Lời bạt là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, không thể đánh tráo, lại càng không thể hoán đổi vị trí một cách tùy tiện.
Không những vậy, biên tập còn bỏ đi những chữ “thừa” trong Lời giới thiệu. Cố GS Đinh Gia Khánh viết: Đó là Bộ luật của triều Nguyễn (bao gồm Bộ Gia Long được soạn thảo hồi đầu thế kỷ XIX) thì biên tập cắt bỏ hết chỉ để lại Luật Gia Long.
PGS. TS Đinh Thị Minh Hằng, (con gái cố GS Đinh Gia Khánh) cho biết: Khi tái bản lại cần nguyên xi như bản gốc, nếu có thay đổi thì trước hết phải xin ý kiến tác giả. Lời giới thiệu là phần tóm tắt nội dung cuốn sách, nếu cắt bớt câu chữ sẽ làm cho câu văn bị tối nghĩa, người đọc khó hình dung, đôi khi làm sai lệch vấn đề.
Không chỉ thay đổi về hình thức, biên tập còn cắt xén nội dung so với bản gốc. Trang 560 sách Dự án đã cắt bỏ toàn bộ chú thích đánh số 6: Sơ đồ tổ chức mường phìa trong mường và mường phìa ngoài mường, trích từ sách “Văn hóa Thái ở Việt Nam” của tác giả Cầm Trọng và Phan Hữu Dật, Nxb Văn hóa Dân tộc, 1995. Chú thích này gồm 3 trang (Bản in 2003, trang 592 – 594) có Sơ đồ Châu Mường Muổi (Thuận Châu) trước năm 1954, với các khái niệm: Đất chiềng, Xổng pằn, Xổng pọng, Xổng ho luông, Xổng pọng cang, Lộng;…
Trước những thay đổi vô lý này, PV Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Xuân Lý, Giám đốc NXB Văn hóa Dân tộc thì nhận được câu trả lời: “NXB có quyền sửa bản thảo, không phải bất kỳ chi tiết nào cũng phải xin ý kiến tác giả”.
Hậu quả khó lường
Khi được hỏi về những chỉnh sửa trong lần tái bản này, GS.TS Ngô Đức Thịnh hết sức bất bình: “Làm thế là bậy, anh sửa cái gì cũng phải hỏi xem tác giả có đồng ý hay không. Một chữ cũng phải hỏi tác giả”. Những quan điểm mang tính chính trị Nxb có thể sửa nhưng trước khi sửa cũng phải thông qua tác giả. Về quan điểm học thuật thì Nxb không có quyền. Quan điểm của tác giả sai thì phải tranh luận với tác giả chứ không được tự ý chỉnh sửa.
Cuốn sách “Luật tục Thái ở Việt Nam” đã có những bản in hoàn chỉnh trước đó, đến bản in sau đáng ra phải tốt hơn mà lại để sai sót như vậy thì thật đáng quan ngại. Mỗi cuốn sách lỗi ra đời ảnh hưởng rất lớn đến danh tiếng học thuật của tác giả không chỉ trong nước mà còn với các nhà khoa học trên thế giới. “Người ta sẽ đánh giá chất lượng của các công trình nghiên cứu, đánh giá thái độ nghiêm túc của các nhà khoa học. Vì những cẩu thả, tắc trách để bị đánh giá như vậy rất là không nên”, GS Ngô Đức Thịnh phân tích.
Một vài ví dụ nêu trên để bạn đọc thấy rằng, nếu đi vào cụ thể chi tiết hẳn sẽ còn nhiều điều phải nói về Dự án này. Dưới đây, xin dẫn lời của một nhà nghiên cứu dân tộc học đánh giá về công trình này và việc tái bản nó của Dự án: “Việc tái bản lại Luật tục Thái ở Việt Nam một cách thiếu trách nhiệm, nhất là bỏ đi hàng vài trang chú thích quan trọng của Cầm Trọng và Ngô Đức Thịnh làm cho biến dạng công trình quan trọng này của nghiên cứu Thái Việt Nam. Hậu thế sẽ không hiểu đủ, hiểu đúng di sản để lại của Cầm Trọng và tai hại hơn, tạo ra những tác phẩm mang danh tiếng Cầm Trọng què cụt và thiếu sót về tri thức”.