Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá, sau 5 năm thi hành, Luật XLVPHC đã khẳng định vai trò trong đời sống kinh tế, chính trị, pháp lý của đất nước; là một trong những đạo luật được áp dụng nhiều nhất trong thực tiễn đời sống, thông qua số lượng việc XLVP hành chính rất lớn. Ngoài Luật XLVPHC, đã có cả hệ thống pháp luật đồ sộ về XLVPHC được ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật trong lĩnh vực này.
Sau 5 năm, bộ máy cán bộ làm công tác XLVPHC bước đầu hình thành từ trung ương đến địa phương. Việc quán triệt, phổ biến, triển khai thi hành luật được thực hiện nghiêm túc, bài bản…Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cũng nhìn nhận những tồn tại hạn chế trong thi hành Luật vẫn còn và tổng kết này sẽ là dịp để các đại biểu đánh giá thẳng thắn về kết quả cũng như khó khăn vướng mắc để đề xuất kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật.
Báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết, trên cơ sở Luật, Nghị quyết Quốc hội ban hành, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành ban hành đầy đủ và kịp thời các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn luật, rà soát, sửa đổi bổ sung các Nghị định, thông tư liên quan để hoàn thiện pháp luật về XLVPHC, tạo nên hệ thống chế tài đủ sức răn đe, góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực chuyên ngành. Tính đến hết ngày 30/9/2017, Chính phủ đã ban hành tổng số 92 Nghị định (trong đó có 9 nghị định đã hết hiệu lực toàn bộ) và 67 thông tư liên tịch nhằm triển khai Luật XLVPHC hiệu quả.
5 năm, số vụ vi phạm hành chính đã phát hiện là 36.789.227 vụ việc, tổng số vụ đã xử phạt là 28.493.927 vụ việc.
Nhìn chung, các vụ việc vi phạm xảy ra cơ bản đã được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng thẩm quyền và trình tự, thủ tục theo quy định, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý của nhà nước, góp phần bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương. Tỷ lệ số vụ việc đã bị xử phạt so với số vụ việc đã bị phát hiện ngày càng tăng từ 66% vào năm 2014 lên 95% vào năm 2017. Đa số những đối tượng có hành vi vi phạm đều nhận thức được hành vi vi phạm của mình, có ý thức chấp hành nghiêm các quyết định xử phạt VPHC. Về tình hình áp dụng biện pháp XLHC, tổng số đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính là 57.311 đối tượng, tổng số đối tượng bị áp dụng các biện pháp XLHC là 53.164 đối tượng.
Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản quy định chi tiết luật được chú trọng. Sau khi Luật được ban hành và có hiệu lực, hầu hết việc kiểm tra việc thi hành pháp luật về XLVPHC ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ được tổ chức thực hiện dưới hình thức lồng ghép với các chuyên đề theo dõi thi hành pháp luật về XLVPHC trong từng lĩnh vực cụ thể hoặc các cuộc thanh tra hành chính. Tuy nhiên, cũng có một số Bộ đã xây dựng kế hoạch kiểm tra riêng về việc thi hành pháp luật về XLVPHC. Thông qua hoạt động kiểm tra, các Bộ đã nắm bắt, đánh giá thực trạng về tình hình thi hành pháp luật về XLVPHC trong lĩnh vực mình quản lý cũng như những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành pháp luật về XLVPHC để kịp thời xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nhằm khắc phục hạn chế của công tác XLVPHC, góp phần xây dựng và hoàn thiện văn bản pháp luật cũng như nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về XLVPHC. Các địa phương cũng rất quan tâm thực hiện, thường xuyên đôn đốc làm tốt chức năng hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật để ngăn chặn và cương quyết xử lý dứt điểm, triệt để mọi hành vi vi phạm ngay từ khi mới phát sinh.
Sau 5 năm thi hành, công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác XLVPHC cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Tại Cục Quản lý XLVPHC và TDTHPL có 22 biên chế quản lý hành chính được giao, 7 biên chế sự nghiệp, 1 lao động theo hợp đồng. Ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ về cơ bản đã giao Vụ Pháp chế là đơn vị đầu mối triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về XLVPHC, cử từ 1 đến 3 cán bộ thực hiện công tác này. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ này còn thiếu về số lượng, kiêm nhiệm nhiều công việc.
Đáng chú ý, ở địa phương, đến nay đã có đến 60/63 tỉnh, thành phố thành lập phòng chuyên môn thuộc Sở Tư pháp. Đánh giá của Bộ Tư pháp cho thấy đội ngũ công chức được giao nhiệm vụ tham mưu về công tác quản lý XLVPHC tại các bộ, ngành địa phương đa số đều có trình độ Đại học, chủ yếu là ngành luật, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cũng nhìn nhận còn nhiều khó khăn, vướng mắc như việc xây dựng văn bản quy định chi tiết liên quan đến nhiều bộ ngành đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, cán bộ công chức thực hiện công tác XLVPHC là kiêm nhiệm…Đặc biệt, Luật XLVPHC còn nhiều bất cập như một số thuật ngữ quy định còn mang tính định tính, chưa rõ ràng nên việc áp dụng còn chưa thống nhất; việc quy định thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện VPHC bị giới hạn theo thẩm quyền phạt tiền làm phát sinh nhiều vụ việc vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt của cơ quan cấp dưới bị dồn lên cấp trên giải quyết, không bảo đảm tính kịp thời. Một số quy định về các biện pháp xử lý hành chính cũng còn nhiều bất cập…
Ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý XLVPHC và theo dõi thi hành pháp luật:
Cần đơn giản hóa thủ tục xử phạt
Từ những hạn chế sau thời gian thi hành, đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thẩm quyền xử phạt, trình tự, thủ tục xử phạt VPHC nhằm rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật của các lực lượng chức năng có thẩm quyền xử phạt. Cụ thể, sửa đổi quy định về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh có thẩm quyền xử phạt được quy định từ Điều 38 đến Điều 51 Luật XLVPHC theo hướng không bị giới hạn theo thẩm quyền phạt tiền để bảo đảm tính kịp thời, nhanh chóng trong việc xử phạt, tránh phát sinh nhiều vụ việc vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt của cơ quan cấp dưới bị dồn lên cơ quan cấp trên giải quyết; Sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC theo hướng cấp trưởng được giao quyền cho cấp phó trong tất cả quyết định về xử lý vi phạm hành chính, không chỉ giới hạn trong 3 trường hợp quy định tại Điều 54 (giao quyền xử phạt) khoản 2 Điều 87 (Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính) và khoản 2 Điều 123 (tạm giữ người theo thủ tục hành chính)
Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn tối đa các mốc thời gian thực hiện có liên quan đến trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp XLHC, tạo thuận lợi cho cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp XLHC…Trong đó, bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 và 2 Điều 131 Luật XLVPHC về việc giao cho gia đình hoặc tổ chức xã hội quản lý người có hành vi vi phạm pháp luật thuộc đối tượng bị áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc (đặc biệt là đối tượng nghiện ma túy) trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp này nhằm bảo đảm tính khả thi.
Bà Tống Thị Thanh Nam, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội:
Tăng cường kiểm tra việc thi hành pháp luật về XLVPHC
Thi hành Luật XLVPHC trên địa bàn TP có nhiều thuận lợi và đạt những kết quả tích cực song, cũng còn nhiều khó khăn như các quy định của Luật và văn bản hướng dẫn bộc lộ nhiều bất cập, các điều kiện đảm bảo cho công tác thi hành mặc dù đã được quan tâm, kiện toàn nhưng trên thực tế mỗi địa phương lại khác nhau; công tác tuyên truyền các văn bản hướng dẫn ít được thực hiện, công tác kiểm tra theo chuyên đề còn ít…Do đó, trên cơ sở kết quả tổng kết Luật XLVPHC, đề nghị Bộ Tư pháp sớm đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật nhằm khắc phục tồn tại trong thực tiễn. Đồng thời tăng cường các cuộc tọa đàm, tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về XLVPHC và xử phạt VPHC cho các địa phương; tăng cường kiểm tra việc thi hành pháp luật về XLVPHC qua đó kịp thời khắc phục sai sót của địa phương.
Ông Trần Ngọc Đường, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an:
Đề nghị rà soát quy định về đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính
Đối tượng áp dụng biện pháp XLHC có sự trùng dẫm với đội tượng áp dụng của Bộ luật Hình sự như đối tượng trộm cắp nhỏ, gây rối trật tự công cộng…đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà tiếp tục có hành vi vi phạm thì sẽ bị khởi tố hình sự, trong khi đó đây cũng là đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc vì vậy không thể áp dụng được biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Đề nghị rà soát quy định về đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính cho phù hợp với quy định của BLHS. Hiện nay đối tượng vi phạm pháp luật đủ điều kiện lập hồ sơ đề nghị, xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc là rất lớn. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các biện pháp này không đạt yêu cầu phòng chống vi phạm pháp luật vì trong quá trình lập hồ sơ, xem xét áp dụng, chuẩn bị thi hành các biện pháp này thì những người này đã bỏ đi khỏi nơi cư trú, bỏ đi khỏi cơ sở bảo trợ xã hội; do đó cần bổ sung quy định giao cho cơ quan có đủ nhân lực, điều kiện và thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết để quản lý họ trong thời gian này. V.Hòa