Lực lượng Hải quan tăng cường ngăn chặn đường nhập lậu

(PLVN) - Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa đường kết tinh qua biên giới Tây Nam đã tồn tại từ lâu do nhiều nguyên nhân khác nhau, gây khó khăn trong công tác giám sát, kiểm soát, chống buôn lậu qua biên giới. Giờ đây, tình trạng gia tăng nhập khẩu đường tinh luyện qua các cửa khẩu chính sẽ càng gia tăng nguy cơ các đối tượng buôn lậu dùng hồ sơ nhập khẩu để hợp thức hóa đường lậu.
Chi cục HQ cửa khẩu Hà Tiên kiểm tra đường nhập khẩu.
Chi cục HQ cửa khẩu Hà Tiên kiểm tra đường nhập khẩu.

Thủ đoạn hợp thức hóa hàng lậu

Do đặc thù của biên giới Việt Nam- Campuchia dài, nhiều sông rạch, đường mòn lối mở rất phức tạp gây không ít khó khăn cho công tác quản lý hoạt động thương mại biên giới, tiềm ẩn nguy cơ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. 

Chẳng hạn, An Giang có đường biên giới giáp ranh với Campuchia dài gần 100km, nhiều đường mòn, lối mở thuận tiện cho việc buôn lậu cả mùa khô và mùa nước nổi. Sau một thời gian triệt xóa thành công nhiều đường dây buôn lậu có quy mô lớn… thì gần đây, hoạt động buôn lậu đường cát lại có chiều hướng trở lại, tiếp tục gia tăng với thủ đoạn tinh vi hơn.

Thực tế trên địa bàn tỉnh hiện nay, các đối tượng thường lập các lò đường phèn gần khu vực biên giới để chế biến đường cát thành đường phèn, hoặc vận chuyển đường pha với nước từ bên kia biên giới vào nội địa gây khó khăn cho lực lượng trong việc truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, các đối tượng còn lợi dụng khu vực biên giới, chia nhỏ hàng hóa để vận chuyển vào nội địa rồi chuyển lên xe tải về tuyến sau nên việc bắt đủ số lượng xử lý tội buôn lậu rất khó khăn.

Nghiêm trọng hơn, các đối tượng còn sử dụng hóa đơn của các công ty mía đường trong nước để hợp thức hóa hàng lậu. Cụ thể, đối tượng sử dụng triệt để hóa đơn phát mãi vì đường phát mãi cũng là đường cát ngoại nên không thể giám định. Thêm vào đó, do không có đặc điểm gì riêng biệt về bao bì và không có hạn sử dụng nên rất khó phân biệt và xử lý. Mới đây nhất là vụ Công an An Giang bắt giữ vụ nhập lậu 100 tấn đường có dấu hiệu hợp thức hóa đường lậu bằng hồ sơ đường nhập khẩu .

Việc nhập khẩu đường theo đường chính ngạch gia tăng các nguy cơ sử dụng hành vi hợp thức hóa nói trên cũng đã được Cục Hải quan một số tỉnh biên giới báo cáo gửi Tổng cục Hải quan. Trên tuyến biên giới Tây Nam, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn lậu hàng trăm tấn đường, có tang vật là bao bì ghi địa chỉ sản xuất tại Campuchia. 

Triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm tra, giám sát 

Vấn đề đặt ra là tại sao trước kia, mặt hàng đường nhập khẩu, hưởng ưu đãi thuế suất này nhập khẩu về Việt Nam khá khiêm tốn, thời gian gần đây lại rộ lên? Trong khi, hiện nay, các doanh nghiệp mở tờ khai nhập khẩu đường, hưởng thuế ưu đãi đặc biệt 5% theo Thông tư số 23/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định việc không áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường có xuất xứ từ các nước ASEAN. Theo đó, những trường hợp nhập khẩu có C/O mẫu D sẽ được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 5%, (thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi MFN là 40%).

Lý giải nguyên nhân, các cơ quan chức năng cho rằng, đó là do việc kiểm soát, ngăn chặn phòng chống dịch tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở trên biên giới được siết chặt, các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép đường kết tinh qua biên giới không thể hoạt động nên chuyển sang đi theo đường chính ngạch đường bộ, đường biển, hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt như trên.

Căn cứ theo các quy định hiện hành, các đơn vị hải quan đã giải quyết thủ tục nhập khẩu cho các doanh nghiệp theo đúng quy định. Tuy nhiên, theo các đơn vị Hải quan miền Tây Nam bộ, điều đáng lo ngại hiện nay là nguy cơ tình trạng sử dụng bộ hồ sơ hải quan nhập khẩu mặt hàng đường tinh luyện để hợp thức hóa những lô đường nhập lậu hoặc doanh nghiệp sau khi nhập khẩu, mua bán lòng vòng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, lò đường phèn ở dọc tuyến biên giới để hợp thức hóa cho đường cát thẩm lậu. 

Việc làm này gây nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát chống buôn lậu cho các lực lượng chức năng trong quá trình bắt giữ, xử lý hành vi vi phạm. Tình trạng này đã xảy ra trước đây trong các vụ buôn lậu đường do Hải quan cũng như các lực lượng chức năng bắt giữ.

Trước tình hình trên, các đơn vị Hải quan đã có chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc phải triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát nhằm vừa đảm bảo mọi hoạt động xuất nhập khẩu thuận lợi, nhanh chóng, đúng quy định pháp luật. Đồng thời kiên quyết phòng chống mọi trường hợp cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng chính sách, lợi dụng địa hình phức tạp để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, nhất là việc lợi dụng hồ sơ đường nhập khẩu để hợp thức hóa đường lậu.

Đọc thêm