“Lùm xùm” một chuyện người lao động đau ốm bị... kỷ luật

(PLVN) - Cho rằng bị cơ quan ra quyết định kỷ luật “cảnh cáo” mà không xem xét thỏa đáng lý do bị ốm, bà Lê Hương Linh (SN 1980, nghiên cứu viên Ban chính sách kinh tế vĩ mô (nay là Ban Nghiên cứu tổng hợp) thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (NCQLKTTƯ), thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư) đã gửi đơn khiếu nại.

Theo phản ảnh của bà Linh, ngày 10/7/2018, bà làm đơn xin nghỉ phép ba ngày (từ ngày 24 - 26/7/2018) và được chấp thuận. Trước đó bà được Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chẩn đoán bị trầm cảm, phải uống thuốc; bác sĩ chỉ định nghỉ làm việc trong khoảng 3 tuần. Khi biết bị bệnh trầm cảm, bà Linh hoang mang, muốn giấu mọi người nên cố gắng không thể hiện ra bên ngoài. Hết ba ngày nghỉ phép, do bị sốt, tâm lý bất an, bà nhờ người nhà gửi email thông báo nghỉ ốm đến Trưởng ban.

Đến ngày 7/8/2018, bà Linh đi làm trở lại. Ngày 17/9/2018 bà gửi email cho Trưởng ban, Công đoàn Viện, Chánh văn phòng Viện, trình bày lý do nghỉ việc từ ngày 27/7 đến ngày 6/8/2018 kèm theo sổ khám bệnh. Một tuần sau, bà gửi văn bản đến các đầu mối trên giải trình lý do nghỉ việc. Tại cuộc họp xét kỷ luật ngày 4/10/2018, bà cũng đã phát biểu, giải thích lý do nghỉ việc với Hội đồng kỷ luật (HĐKL) cơ quan.

Đến ngày 26/10/2018, Viện NCQLKTTƯ ban hành Quyết định kỷ luật bà Linh bằng hình thức “Cảnh cáo” vì đã có hành vi tự ý nghỉ việc và đi nước ngoài không xin phép, thời gian thi hành kỷ luật 12 tháng. Không đồng ý, bà Linh khiếu nại. Viện ra thông báo về giải quyết khiếu nại. Bà Linh tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên Bộ KH&ĐT nhưng bị từ chối giải quyết với lý do quá thời hiệu. Bà Linh đã thông qua luật sư gửi văn bản chỉ ra việc cơ quan nơi bà làm việc ra thông báo mà không ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu là trái luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động.

Bà Linh cho rằng theo luật, người lao động được nghỉ trong trường hợp ốm đau. Bằng chứng là sổ khám chữa bệnh, chỉ định của bác sĩ. Còn việc cung cấp chậm bằng chứng, không có quy định nào nói cụ thể trong vòng bao nhiêu ngày phải cung cấp. Do đó bà Linh cho rằng cơ quan quy kết bà “tự ý nghỉ việc không có lý do chính đáng” là không đúng.

Bà Linh cho rằng quyết định kỷ luật với mình chưa hợp tình hợp lý

Bà Linh cho hay khi xét kỷ luật, HĐKL cho rằng “trầm cảm không phải là nghiêm trọng, chưa đến mức bất khả kháng nên không chấp nhận lý do nghỉ việc”. Theo bà Linh, nhận xét như vậy là chủ quan, “lấn sân” công việc bác sĩ.

Đơn vị bị khiếu nại nói gì về sự việc? Trao đổi với PV, ông Lê Thanh Tùng, Chánh văn phòng Viện cho rằng: Trong thời gian bà Linh nghỉ, công đoàn có đến nhà thăm nhưng không gặp. Sau đó Viện làm công văn gửi sang Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh (Bộ Công an) đề nghị xác minh và nhận được phản hồi bà Linh xuất cảnh ra nước ngoài từ 24/7 đến 6/8/2018. Sau đó Ban báo cáo lãnh đạo Viện và thành lập HĐKL. Tại buổi họp có bốn ý kiến đề nghị hình thức kỷ luật cảnh cáo, một ý kiến đề nghị buộc thôi việc. Căn cứ vào đa số, HĐKL ra quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

Về việc không ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại lần 1, ông Tùng thừa nhận thực hiện chưa đúng. Ông Tùng giải thích ở Viện chưa từng có trường hợp khiếu nại tố cáo, bà Linh là trường hợp đầu tiên nên Viện không nắm rõ, nghiên cứu chưa kỹ về quy trình, thủ tục giải quyết khiếu nại nên đã không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại mà ban hành thông báo trả lời.

Mới đây, ngày 25/2, Bộ KH&ĐT đã tổ chức đối thoại giữa các bên về sự việc. Vẫn theo ông Tùng, tại buổi làm việc, bà Linh nêu lý do nghỉ việc là bị ốm, do e ngại nên chậm báo cáo, chậm cung cấp sổ khám bệnh. Ông Tùng cho rằng giải thích đó là không thỏa đáng bởi sau khi từ nước ngoài trở về, bà Linh có xin nghỉ phép thêm hai lần nữa, nêu rõ bị trầm cảm. Tuy nhiên ở thời điểm đó bà Linh chưa cung cấp sổ khám bệnh. 

Trở lại với bà Linh, bà thừa nhận việc đi nước ngoài chưa xin phép là chưa đúng và chịu trách nhiệm về việc này. Tuy nhiên bà đề nghị cơ quan phải tách bạch chuyện xử lý việc đi nước ngoài không xin phép, và chuyện xem kỷ luật bà vì “tự ý nghỉ việc không có lý do chính đáng”. 

Chuyên gia pháp lý nhận xét gì về sự việc này? PLVN sẽ tiếp tục phản ánh sự việc được xem là “hi hữu” nêu trên. 

Đọc thêm