“Lùm xùm” tại chung cư Ehome S Phú Hữu: UBND TP Thủ Đức vào cuộc xử lý

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Liên quan đến vướng mắc trong kế hoạch thay đổi và lựa chọn đơn vị vận hành Cụm nhà chung cư Ehome S Phú Hữu (phường Phú Hữu, Thủ Đức, TP HCM), ngày 18/10, Phòng Quản lý Đô thị TP Thủ Đức đã tổ chức họp ghi nhận ý kiến các bên liên quan.
Diễn tập phòng cháy chữa cháy tại chung cư Ehome S Phú Hữu.
Diễn tập phòng cháy chữa cháy tại chung cư Ehome S Phú Hữu.

Như PLVN đã thông tin, việc Ban Quản trị Cụm nhà chung cư Ehome S Phú Hữu (BQT) phát phiếu lấy ý kiến cư dân về việc lựa chọn đơn vị mới thay thế Cty TNHH MTV Dịch vụ Nam Long để vận hành chung cư đã bị nhiều người cho rằng không minh bạch, thiếu khách quan, sai quy định...

Nội dung phiếu thể hiện sự áp đặt vô lý khi đánh đồng việc cư dân không chọn phương án nào (đồng ý hoặc không đồng ý), hoặc không nộp lại phiếu thì mặc định là ủy quyền đồng ý với phương án BQT đưa ra (về việc lựa chọn đơn vị vận hành).

Kết quả kiểm phiếu (nếu có) cũng sẽ không khách quan bởi giai đoạn này, nhiều chủ sở hữu căn hộ không có mặt tại chung cư (do dịch Covid-19) nên không thể nhận và nộp lại Phiếu lấy ý kiến. Trường hợp này cũng được BQT coi là “ủy quyền” cho BQT lựa chọn đơn vị vận hành là vô lý. Ngoài ra, những người sử dụng căn hộ (như thuê, mượn…) cũng được lấy ý kiến trong khi chưa chắc họ đã nhận được sự đồng ý của chủ sở hữu căn hộ.

Đó là chưa kể đến việc nếu việc phát, thu, kiểm phiếu, niêm phong… không chặt chẽ sẽ rất dễ bị lợi dụng, khiến việc thống kê ý kiến không thể đảm bảo chính xác.

Quan trọng hơn, theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư (do Bộ Xây dựng ban hành) thì không có nội dung nào cho phép BQT phát Phiếu lấy ý kiến thay cho việc tổ chức Hội nghị nhà chung cư để lấy biểu quyết về việc thay đổi đơn vị vận hành.

Quy chế của Bộ Xây dựng quy định rõ: “Mọi quyết định của hội nghị tòa nhà chung cư được thông qua theo nguyên tắc đa số bằng hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu; nội dung cuộc họp phải được lập thành biên bản, có chữ ký của các thành viên chủ trì và thư ký cuộc họp hội nghị nhà chung cư” (tức là buộc phải có “cuộc họp”).

Bản thân một thành viên BQT là ông Phan Đinh Phi Phụng cũng cho biết, theo Quy chế hoạt động của BQT thì đề xuất thay đổi đơn vị vận hành chung cư trước khi đưa ra xin ý kiến cư dân phải được trên 70% thành viên BQT dự họp nhất trí. Tuy nhiên, ông Phụng đã không được thông báo về bất cứ cuộc họp nào để thông qua đề xuất trên.

Dù vậy, ngày 5/10, ông Phan Thanh An, Trưởng BQT vẫn ký “Thông báo mời chào giá cạnh tranh” mời các đơn vị gửi hồ sơ gói “cung cấp dịch vụ quản lý - vận hành trọn gói các dịch vụ: bảo vệ, vệ sinh, cảnh quan tại cụm chung cư Ehome S Phú Hữu”.

Ngày 18/10, Phòng QLĐT thành phố đã tổ chức họp trao đổi, ghi nhận ý kiến của các bên liên quan.

Tại cuộc họp, đại diện Cty Nam Long cho rằng việc BQT có Thông báo gửi cư dân về việc Cty vi phạm hợp đồng là đánh giá cảm tính, làm ảnh hưởng đến thương hiệu Nam Long.

Về việc thay đổi đơn vị vận hành, Nam Long đề nghị phải thực hiện đúng quy định và phải làm rõ một số nội dung như: BQT đã thông qua hội nghị chung cư chưa; cơ cấu BQT và biên bản họp BQT đã đúng chưa?...

Trước câu hỏi này, ông An cho biết: “Trong tình hình dịch bệnh, BQT không tổ chức được hội nghị nhà chung cư bất thường”.

Đại diện chủ đầu tư cho biết họ vẫn đang sở hữu hàng trăm căn hộ nhưng đã không được văn bản của BQT về việc thay đổi đơn vị vận hành. Công ty đề nghị việc thay đổi đơn vị quản lý vận hành cần phải thông qua hội nghị nhà chung cư.

Trong khi đó ông Phụng có đề nghị khẩn trương kiểm tra tư cách của thành viên BQT, đảm bảo đúng điều kiện theo quy định.

Đại diện Phòng QLĐT cho biết, ghi nhận ý kiến của các bên và thu thập chứng cứ để tham mưu trình UBND TP trả lời cho các đơn vị.

Ngày 18/10/2021, BQT đã có Thông báo gửi cư dân để xin ý kiến biểu quyết về việc lựa chọn 1 đơn vị vận hành chung cư trong 3 đơn vị gửi chào giá.

So với nội dung lấy ý kiến biểu quyết ngày 27/9 thì Phiếu lấy ý kiến lần này đã không còn nội dung áp đặt rằng “không lựa chọn phương án nào hoặc không nộp lại phiếu thì mặc định đồng ý ủy quyền với phương án BQT đưa ra”. Ngoài ra, Thông báo trên còn dẫn căn cứ theo khoản 2, Điều 8 Quy chế tổ chức và hoạt động BQT cụm chung cư Ehomes S rằng, “trong trường hợp không thể tổ chức hội nghị, BQT được quyền xin ý kiến biểu quyết bằng văn bản”.

Trao đổi với PV, ông Phan Đinh Phi Phụng tiếp tục phản đối việc lấy ý kiến biểu quyết như trên vì việc này đã sai từ giai đoạn 1 thì không thể “nhảy” sang giai đoạn 2. Theo quy định tại Điều 14 Quy chế quản lý chung cư của Bộ Xây dựng, Điều 6 Quy chế tổ chức và hoạt động BQT cụm chung cư Ehomes S và Điều 102 Luật Nhà ở thì việc lựa chọn đơn vị vận hành phải được bàn bạc và quyết định ở Hội nghị chung cư thường niên theo đúng quy trình (có biểu quyết, biên bản cuộc họp...). Tại sao BQT không đợi đến Hội nghị chung cư thường niên để lấy biểu quyết theo quy định?

Đồng thời, việc BQT cho rằng “được quyền xin ý kiến biểu quyết bằng văn bản” là không đúng quy định vì hình thức xin ý kiến này chỉ được tiến hành đối với những vấn đề mà không có quy định bắt buộc phải biểu quyết tại hội nghị. Còn những nội dung mà Quy chế của Bộ Xây dựng, Quy chế của BQT đã bắt buộc lấy ý kiến biểu quyết tại cuộc họp thì phải chấp hành.

Ngoài ra, theo Điều 16 Quy chế tổ chức và hoạt động BQT cụm chung cư Ehomes S (trách nhiệm, quyền hạn của BQT) thì không có nội dung nào cho phép BQT được “quyền xin ý kiến bằng văn bản” cả.

Đọc thêm