Nhiều tỷ đồng tiền thu không được phản ánh vào sổ kế toán
Tháng 9/2019, một số giáo viên của trường Tiểu học Ái Mộ B (địa chỉ tại số 21, ngõ 135 đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, TP Hà Nội) gửi phản ánh đến các cơ quan chức năng của quận Long Biên và các cơ quan báo chí, tố cáo hàng loạt sai phạm của bà Hiệu trưởng Ngô Thị Minh Phú.
Đơn tố cáo cho rằng bà Hiệu trưởng Ngô Thị Minh Phú có sai phạm trong quản lý nhân sự; có dấu hiệu bao che, dung túng cho giáo viên Trần Hương Ly dạy môn Mỹ thuật tự ý thuê người ngoài vào giảng dạy, không có hồ sơ nhân sự, không có hợp đồng lao động, chưa được thẩm định về chuyên môn, chưa được thông báo trong Hội đồng giáo viên. Cùng với đó, bà Phú cũng bị tố có các vi phạm về tài chính, ngân sách…
UBND quận Long Biên đã lập đoàn Thanh tra và đến ngày 6/1/2020, Quận đã ban hành kết luận số 01/KL-UBND về việc thanh trách nhiệm của Ban Giám hiệu trường Tiểu học Ái Mộ B trong công tác điều hành, quản lý trường học từ tháng 5/2018 đến 31/8/2019.
Kết luận thanh tra đã chỉ ra 13 tồn tại trong các nội dung thanh tra liên quan đến hoạt động của nhà trường như việc đánh giá xếp loại giáo viên, nhân viên hàng tháng; công tác quản lý dạy thêm, học thêm; thực hiện công khai trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; công tác quản lý tài chính, tài sản...
Trong kết luận thanh tra dài 31 trang dùng các từ “tồn tại”, “không đúng quy định”… để kết luận về nhiều nội dung trong phần kết quả kiểm tra, nhận xét, đánh giá của đoàn thanh tra.
Trong đó, về việc thực hiện quy chế chuyên môn, kiểm tra toàn bộ lịch báo giảng của giáo viên Trần Thị Hương Ly dạy môn Mỹ thuật có 5 kiểu chữ ký khác nhau nhưng đều ký tên Trần Hương Ly. Kết quả kiểm tra, cô Ly xác nhận 3 chữ ký do cô Lý ký còn 2 trang báo lịch giảng tuần 17-21/12/2018 và 24-28/12/2018 cô Ly không ký. Các trang này giám hiệu phụ trách ký xác nhận.
Đặc biệt trong công tác lập chứng từ thanh toán, kết luận thanh tra chỉ ra nhiều tồn tại trong công tác quản lý các khoản thu.
Ví dụ, việc nhà trường giao cho giáo viên chủ nhiệm các lớp thu tiền mặt đối với các khu thu như thu chăm sóc bán trú, tiền ăn, tiền nước uống, tiền tiếng Anh, tiền học 2 buổi/ngày của học sinh sau đó ký nộp tiền trên phiếu thu là không phù hợp về lập chứng từ kế toán quy định tại Thông tư số 107/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Nhà trường đã tổ chức thu tiền học tiếng Anh của học sinh nhưng chưa phản ánh toàn bộ số tiền thu được vào sổ kế toán và chỉ phản ánh số tiền được trích lại theo hợp đồng vào sổ kế toán là chưa phù hợp với quy định lập, chấp hành, quyết toán các khoản kinh phú quy định tại Thông tư số 107/2017/TT-BTC.
Cụ thể, tiền Tiếng Anh Language Link, số thu được (từ ngày 1/6/2018 – 31/8/2019 là hơn 4,678 tỉ đồng. Trong đó, trung tâm tiếng Anh trích lại cho nhà trường, kế toán đã phản ánh vào sổ kế toán gần 346,79 triệu đồng, chưa phản ánh vào sổ kế toán gần 4,332 tỉ đồng
Tiền tiếng Anh Dyned số thu được (từ ngày 1/6/2018-31/8/2019) là hơn 1,011 tỉ đồng. Trong đó, trung tâm tiếng Anh trích lại cho nhà trường, kế toán đã phản ánh vào sổ kế toán hơn 120,76 triệu đồng, chưa phản ánh vào sổ kế toán 890,388 triệu đồng.
Với công tác công khai tài chính, tài sản, kết luận thanh tra chỉ ra tồn tại là nhà trường đã thiếu nội dung công khai các khoản chi theo từng năm học, gồm các khoản chi lương, chi bồi dưỡng chuyên môn, chi hội thảo – hội họp, mức thu nhập hàng tháng của giáo viên và cán bộ quản lý, chi đầu tư xây dựng, sửa chữa, mua sắm, trang thiết bị.
Đối với các loại quỹ có nguồn gốc đóng góp từ học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường, trường không thực hiện công khai tài chính đối với các quỹ theo Thông tư số 19/2005/TT-BTC ngày 11/3/2005 của Bộ Tài chính; không thực hiện thu, chi các loại quỹ đúng quy định.
Không có biên chế, Hiệu trưởng tuyển dụng sai quy định
Đáng chú ý, trong nội dung thanh tra theo đơn thư, kết luận đã chỉ ra nhiều nội dung tố cáo của các giáo viên nhà trường là chính xác. Với việc phản ánh giáo viên bộ môn Trần Hương Ly dạy môn Mỹ thuật tự ý thuê người ngoài vào giảng dạy (là bà Nguyễn Thị Thanh Hằng-PV) không có hồ sơ nhân sự, không có hợp đồng lao động, chưa được thẩm định về chuyên môn, chưa được thông báo trong Hội đồng giáo viên.
Kết quả kiểm tra cho thấy, tại thời điểm kiểm tra, trường cung cấp bản photocopy bằng tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm mỹ thuật tên Nguyễn Thị Thanh Hằng; giấy biên nhận tiền lương do bà Trần Hương Ly chi trả tiền mặt cho bà Nguyễn Thị Thanh Hằng.
Bảng chi trả tiền lương tháng 3,4,5/2019 của trường: bà Nguyễn Thị Thanh Hằng không có tên trong danh sách trả lương (tiền lương trường trả vào tài khoản của bà Trần Hương Ly).
Hợp đồng lao động ký giữa bà Nguyễn Thị Thanh Hằng và bà Ngô Thị Minh Phú – Hiệu trưởng trường Tiểu học Ái Mộ B.
Trường ký hợp đồng lao động với bà Nguyễn Thị Thanh Hằng trong khi trường đã có đủ chỉ tiêu biên chế Mỹ thuật là 2 biên chế (cô Trần Hương Ly và thầy Ngô Vũ Tứ).
Kết luận thanh tra cho thay, việc Hiệu trưởng ký Hợp đồng lao động với giáo viên Nguyễn Thị Thanh Hằng là đúng thẩm quyền theo quy định tại Quyết định số 14/2017/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội nhưng quy trình tuyển dụng lao động hợp đồng lại không đúng quy định.
Cụ thể, không thông báo công khai tuyển lao động hợp đồng, hồ sơ nhân sự của cá nhân ký hợp đồng lao động còn thiếu…
Nhà trường không ký hợp đồng thử việc; không có công văn đề nghị UBND quận chấp thuận ký hợp đồng lao động và văn bản chấp thuận ký hợp đồng lao động của UBND quận.
Việc thực hiện ký hợp đồng lao động với giáo viên là chưa đúng quy định tại Quyết định số 14/2017/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội ban hành Quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP Hà Nội; Quyết định giao biên chế của UBND quận; Quy trình nội bộ giải quyết công việc của trường…
Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng là nhân viên có hợp đồng lao động nhưng trường không chi trả lương trực tiếp (chuyển khoản lương cho bà Hằng vào tài khoản của bà Trần Hương Ly để bà Hằng nhận tiền mặt từ bà Ly) là sai quy định định về chế độ tiền công, tiền lương đối với người lao động.
Đơn thư của giáo viên cũng phản ánh về việc cô Trần Hương Ly không đến trường làm việc từ tháng 10/2018 đến tháng 5/2019 nhưng vẫn được xếp loại công chức; được chi trả nguyên tiền lương từ ngân sách nhà nước và lương mô hình 2 buổi/ngày.
Về việc này, kết quả kiểm tra cho thấy, tại thời điểm kiểm tra, cô Ly có đơn xin nghỉ ốm từ tháng 3 đến tháng 5/2019, trong đó hồ sơ nghỉ ốm không đủ điều kiện và không có y lệnh của bác sĩ nhưng bà Hiệu trưởng Ngô Thị Minh Phú đã tự ý cho cô Ly nghỉ ốm, không báo cáo cấp có thẩm quyền là chưa đúng quy định trong công tác quản lý nhân sự.
Việc chi trả tiền lương, phụ cấp cho cô Ly từ tháng 3 đến tháng 5/2019 theo chế độ giáo viên đứng lớp 2 buổi ngày là sai quy định về chế độ lao động, chế độ tiền lương.
Việc đánh giá, xếp loại cô giáo Ly tháng 5/2019 là hoàn thành nhiệm vụ (trong khi đó đang nghỉ ốm kéo dài) là không đúng quy định về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.
Ngoài ra kết luận còn chỉ ra rất nhiều tồn tại khác của Ban giám hiệu trường tiểu học Ái Mộ B, Ban chấp hành công đoàn và Ban Thanh tra nhân dân của trường.
Đoàn thanh tra cũng nhấn mạnh trong kết luận là trách nhiệm để xảy ra các sai sót trên thuộc về Hiệu trưởng Ngô Thị Minh Phú, kế toán, thủ quỹ và các cán bộ liên quan.
Về xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân, đoàn thanh tra kiến nghị kiểm điểm và có hình thức xử lý đối với các sai phạm thuộc trách nhiệm của hiệu trưởng, kế toán, thủ quỹ.
Được biết, bà Ngô Thị Minh Phú – Hiệu trưởng nhà trường - chỉ bị kỷ luật ở mức khiển trách vì có vi phạm trong công tác điều hành, quản lý trường học từ tháng 5/2018 đến ngày 31/8/2019 tại trường Tiểu học Ái Mộ B.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến giáo viên tỏ ra không ðồng tình với hình thức kỷ luật này.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.