Luồng gió mới trong công tác cán bộ

(PLVN) - Thời gian gần đây, với những gì được phản ánh công khai trên báo chí, cho thấy Bộ Công an đã đang thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt về công tác tổ chức.
ảnh minh họa
ảnh minh họa

Đó là bỏ cấp trung gian, thu gọn, sáp nhập nhiều đơn vị, hướng tới tinh gọn bộ máy; tinh lọc cán bộ ở tất cả các cấp; bố trí cán bộ theo hướng lãnh đạo công an tỉnh, huyện sẽ không là người địa phương.

Bộ không ngừng đổi mới về tư duy, tư tưởng chỉ đạo, từng bước chuẩn hóa quy trình, quy chế về công tác tổ chức cán bộ theo hướng mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch. Bộ Công an đang quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu, nhất là những người giữ trọng trách quyết định về công tác cán bộ, là những người liêm chính, trong sạch, có bản lĩnh chính trị, không bị chi phối bởi quyền lực, lợi ích, bè cánh, êkip…. phòng ngừa tình trạng “quy trình đúng” nhưng chọn cán bộ vẫn sai.

Bộ trưởng, Đại tướng Tô Lâm từng nhấn nhấn mạnh để làm tốt công việc, nhiệm vụ đặt ra, các đơn vị cần tăng cường thanh tra, kiểm tra theo phương châm “chủ động, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về đảm bảo an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng, các quy chế phối hợp, quy chế làm việc, các quy định về phân công, phân cấp và công tác cán bộ...

Đây không chỉ do yêu cầu của việc xây dựng lực lượng công an theo Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” mà còn củng cố lòng tin của nhân dân đối với Công an nhân dân.

Cùng với ngành Công an, trong những năm qua, bằng việc tăng cường bố trí người đứng đầu không phải người địa phương (thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW năm 2002 về luân chuyển cán bộ và Kết luận 24-KL/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý), đã tạo ra “luồng gió mới” tại rất nhiều địa phương.

Bên cạnh nhiều hiệu ứng tích cực, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ, tình trạng cục bộ địa phương... công tác điều động, luân chuyển này còn giúp đào tạo, rèn luyện, tạo điều kiện để nhiều cán bộ trưởng thành. Đồng thời, đã góp phần khắc phục đáng kể tư tưởng bảo thủ, bè phái, cục bộ địa phương, tạo những thay đổi tích cực trong tác phong, phương pháp, lề lối làm việc.

Thực tế, những người đứng đầu các cơ quan quyền lực ở một nơi quá lâu luôn dẫn đến tình trạng chuyên quyền, độc đoán, mất dân chủ, kéo bè kết cánh hình thành “lợi ích nhóm”… Do đó, việc bố trí người đứng đầu không phải là người địa phương là một trong những biện pháp ngăn ngừa những tiêu cực trên, nhất là tình trạng “cả họ làm quan” đã xảy ra ở một số địa phương, tạo ra “môi trường” tiêu cực, “tham nhũng kép”.

Hoan nghênh Bộ Công an và các địa phương đã đi đầu, quyết liệt bố trí, luân chuyển cán bộ đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. 

Đọc thêm