Lương y đất phương Nam hướng dẫn bài thuốc tự chế trị tiểu đường, vảy nến

(PLO) - Theo hai lương y của đất phương Nam, những căn bệnh thường gặp như vảy nến, tiểu đường, cảm mạo... có thể điều trị không cần tốn tiền mua thuốc, mà chỉ bằng cây cỏ trong vườn nhà.
Bạch hoa xà có tác dụng trị vảy nến
Kết hợp giấm chua với bạch hoa xà trị vảy nến
Bằng kinh nghiệm nhiều năm trong nghề thuốc, Lương y Nguyễn Phúc Hưng (SN 1961, ngụ đường Nguyễn Phúc Nguyên, quận 3, TP HCM) cho biết trong các loại thực phẩm hằng ngày có nhiều vị thuốc trị bệnh hiệu quả. Chẳng hạn như lá cây bồ ngót thường dùng nấu canh. Đây là thảo dược trị u bướu cực hiệu nghiệm. Đơn giản chỉ cần nhai sống lá bồ ngót rồi đắp lên vùng da bị u bướu. Thời gian đắp qua đêm, thực hiện đắp thuốc thường ngày. Có thể dùng băng dính để cố định thuốc. Lương y Hưng bật mí, việc nhai lá thuốc trong miệng sẽ tận dụng được chất dịch trị bệnh có trong nước bọt. Từ đó tăng tính hiệu nghiệm của thuốc. 
Loại thực phẩm thông dụng khác đồng thời vị thuốc mà lương y Hưng bật mí là trái đậu bắp. Ông Hưng cho hay, đậu bắp có tác dụng trị bệnh tiểu đường rất hiệu quả. Cách thức sử dụng như sau: Luộc sơ qua (không để chín hẳn) trái đậu bắp rồi ăn bình thường. Mỗi ngày dùng khoảng 30g: “Luộc sao cho trái đậu bắp vẫn còn chất nhớt, chừng 3 phút là được”, lương y Hưng chỉ dẫn. Cũng theo kinh nghiệm vị lương y, bệnh nhân tiểu đường nên duy trì thói quen ăn đậu bắp hằng ngày sẽ thuyên giảm bệnh theo thời gian.
  Lương y Nguyễn Phúc Hưng
Kinh nghiệm nữa được thầy Hưng bật mí, dùng dược thảo bạch hoa xà để trị bệnh vảy nến. Cụ thể đem thảo dược ở dạng tươi giã nhuyễn, trộn thêm ít giấm chua. Sau đó bôi đều hỗn hợp lên vùng da bị vảy nến. Thời gian giữ thuốc chừng nửa giờ đồng hồ. Ông Hưng giải thích, sau khi bôi thuốc, vùng da bị vảy nến sẽ khô dần sau đó tự động bong tróc. Người bệnh chỉ cần loại bỏ phần da chết này. Thời gian đầu, vùng da đắp thuốc có màu xám đen nhưng sẽ trắng trở lại bình thường.
“Tuyệt kĩ” đau chỗ này day huyệt chỗ khác vẫn khỏi bệnh
Lương y Hưng trình bày, quan điểm trị bệnh của mình là hạn chế dùng thuốc càng ít càng tốt. Theo ông việc hạn chế dùng thuốc nhưng bệnh vẫn thuyên giảm mang lại hiệu quả “kép” cho cả ngành y lẫn bệnh nhân. Ông bộc bạch rằng cực kì say mê phương pháp châm cứu, bấm huyệt, sau đó kết hợp liệu pháp vật lý trị liệu. 
Ông  lí giải từ xưa, y học cổ truyền đã đề cập đến tính hiệu quả những liệu pháp không dùng thuốc. Bởi vậy kế thừa những phương pháp này hết sức cần thiết. Tuy nhiên cần biết ứng dụng những tiến bộ của y học hiện đại. 
Cụ thể như ngày nay ngành vật lý trị liệu có nhiều dụng cụ bổ trợ như lược chải đầu, que lăn chân, tay. Từ đó rút ra kinh nghiệm “tiền châm hậu phục dược”. Tức châm cứu, bấm huyệt trước sau đó mới bồi bổ thuốc cho người bệnh. Theo ông Hưng, khi kinh lạc “trơn tru”, tẩm bổ thuốc mới đạt hiệu quả. 
Lương y Hưng dẫn chứng chẳng hạn như bệnh gai ở lưng. Gai lưng hiểu khái quát do cơ thể thừa canxi hình thành nên những phần xương thừa gọi là gai. Khi cử động, những chiếc gai này chèn dây thần kinh gây đau. Nếu bị lâu ngày, có thể đau tới mức không cử động được. 
Về phương pháp chữa trị, Tây y thường phẫu thuật cắt bỏ gai. Tuy nhiên lương y Hưng cho biết những người ngại phẫu thuật có thể áp dụng liệu pháp bấm huyệt, châm cứu. Nguyên lý chung là day ấn vùng huyệt đạo “đảm nhận” vùng lưng nhằm làm mềm gai rồi dần dần những chiếc gai sẽ tự biến mất. Tất nhiên người thầy thuốc cần nắm vững các nhóm huyệt đạo “đảm nhận” từng chứng bệnh khác nhau để tác động đúng vị trí: 
“Những nhóm huyệt đạo này đều được sách y học đề cập, chịu khó học sẽ nắm được hết, chẳng có gì khó. Liệt kê ra dài dòng lắm, phải học thực tế mới thạo được”, ông Hưng nói. Với chứng gai ở lưng, nếu kiên trì điều trị, chừng 6-8 tuần lễ sẽ cho hiệu quả rõ.
 Để rút ngắn thời gian điều trị, bản thân người bệnh nên tự mua các dụng cụ vật lý trị liệu để tự mát-xa cơ thể: “Chỉ cần lấy dụng cụ tác động lên vùng đau là được. Mục đích giúp khí huyết lưu thông dễ dàng. Bất kì ai đều có thể tự thực hiện”. Thầy Hưng căn dặn thêm, người bị các loại gai không nên ăn thức ăn giàu canxi.
Tương tự, với chứng thoái vị đĩa đệm, lương y Hưng cho biết trước tiên cần xác định rõ bị thoái hoá đốt sống thứ mấy. Sau đó dùng liệu pháp hơ nóng nhang thuốc kết hợp châm cứu, day ấn. Ông bật mí kinh nghiệm bản thân rằng, bị thoái hoá ở lưng nhưng không nhất thiết phải tác động trực tiếp vào vùng đau. Bởi hệ kinh mạch trên cơ thể có luật đối xứng với nhau. Các huyệt đạo tuy nằm xa nhau nhưng cùng ảnh hưởng đến một bộ phận. Và thực tế nhiều trường hợp không thể tác động trực tiếp vào chỗ đau trên người bệnh mà phải tìm huyệt đạo tương tự ở vị trí khác. 
Kinh nghiệm đau chỗ này nhưng day ấn huyệt chỗ khác có người gọi là “quy tắc đòn bẩy”. Dẫn chứng như khi bị gai mọc ở lưng, có thể tác động vào huyệt đạo nằm trên ngón tay. Ông Hưng ví dụ thêm, khi đau ở đầu gối hãy tự xoa bóp vào ngón trỏ bàn tay trái.
Bài thuốc chữa dứt mọi chứng cảm 
Cảm thuộc chứng bệnh thường gặp trong cuộc sống. Để chủ động phòng tránh, lương y Trần Văn Cư (SN 1953, Phó chủ tịch hội đông y quận 9, TP.HCM) giới thiệu bài thuốc loại bỏ mọi chứng cảm. Vị lương y cho hay, có 3 loại cảm chính: Cảm thấp do hít phải hơi bốc lên từ đất sau cơn mưa đột ngột giữa tiết trời nắng nóng (thường gọi hơi đất) có triệu chứng nhức đầu, bụng đầy hơi hoặc thổ tả; Cảm hàn do dầm mưa với triệu chứng nóng ngoài lạnh trong và cảm nắng với biểu hiện như: Lạnh người, sổ mũi. Khi bị cảm, phổi tổn thương. Do đó, nếu không chữa trị kịp thời dễ dẫn đến viêm phổi, viêm họng và nhiều chứng bệnh khác. Riêng cảm thấp gây thổ tả có thể gây nguy hiểm tính mạng. 
 lương y Trần Văn Cư 
Với chứng cảm, ông Cư cho biết rất tâm đắc với bài thuốc “nhân sâm bài độc” gồm 9 vị cơ bản: Đảng sâm (12g), khương hoạt (10g), tiền hồ (12g), cát cánh (12g), phục linh (12g), xuyên khung (6g), gừng sống (3 lát), đại táo (3 quả), bạc hà (6g). 
Trong trường hợp cụ thể, nếu bị cảm kèm đau nhức mình mẩy cần bổ sung phụ tử (6g). Xuất hiện thêm triệu chứng ho cần bổ sung tô tử (16g). Nếu cảm kèm đau họng nên cho thêm huyền sâm, sơn đậu căn, mỗi thứ 10g. Còn xuất hiện thêm triệu chứng sốt thì bổ sung thạch cao (40g) và tri mẫu (8g). 
Cách thức sử dụng bài thuốc rất đơn giản: Đem sắc lấy nước uống. Một thang thuốc sắc 3 lần, mỗi lần sắc 2 chén cô cạn còn 8/10 chén. Chú ý nấu thuốc gần đạt mới cho gừng vào. Vị lương y cho hay, trước đây các bậc tiền bối sử dụng thang thuốc có hàm lượng các loại dược liệu bằng nhau. Sau đó tán nhỏ thành bột, mỗi lần uống 8g. Về sau ông đã tìm tòi, gia giảm thành bài thuốc hoàn thiện như trên.
Giải thích tác dụng những vị thuốc trên lương y Cư dẫn chứng: “Khương hoạt có tác dụng giải biểu, tán phong hàn thấp và đẩy độc tố ra ngoài qua đường mồ hôi. Xuyên khung trị đau nhức. Còn Đảng sâm giúp khí lưu thông tốt”. Ông Hưng khẳng định, khi vừa “dính” chứng cảm, chỉ cần uống bài thuốc trên sẽ dứt hẳn./.

Đọc thêm