Lý do hoãn phiên xử cựu Bộ trưởng Bộ Công thương

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Do một số bị cáo có đơn xin hoãn phiên tòa xét xử phúc thẩm, trong đó có cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nên HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội đã quyết định hoãn phiên xử.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.

Sáng 27/12, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm, xét đơn kháng án của 4 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco.

4 bị cáo kháng cáo gồm: Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương), Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương), Lâm Nguyên Khôi (cựu Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM), Lê Quang Minh (cựu Trưởng phòng Phòng Phát triển hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM.

Trong phần thủ tục, chủ tọa Võ Hồng Sơn cũng cho biết, HĐXX nhận được đơn xin hoãn phiên tòa của bị cáo Vũ Huy Hoàng. Trong đơn, bị cáo Hoàng trình bày lý do đang mắc bệnh và điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị. Bị cáo Lê Quang Minh cũng có đơn xin vắng mặt do đang bị cách ly do dịch COVID-19.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, bào chữa cho bị cáo Hoàng đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa hôm nay để đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo.

Có ý kiến luật sư khác cho rằng, tòa án cần có quy định buộc ông Võ Thanh Hà và Phan Hữu Tuất (thuộc bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco) tham gia trong phiên tòa tới…

Sau khi hội ý, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa. Phiên tòa sẽ ấn định thời gian mở lại phiên tòa trong thời gian tới.

Trước đó, chiều 29/4, TAND TP Hà Nội đã tuyên án với 10 bị cáo liên quan đến chuyển nhượng khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng, TP HCM. Theo nhận định của HĐXX, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng. Các bị cáo giữ chức vụ đầu ngành Bộ Công thương, UBND TP HCM, có hiểu biết chuyên môn nhưng vẫn vi phạm các quy định về quản lý tài sản nhà nước, vi phạm quản lý đất đai gây thất thoát hơn 2.700 tỷ đồng.

Tòa án cũng xác định, bị cáo Vũ Huy Hoàng từng trải qua nhiều cương vị, thường xuyên tham dự các cuộc họp Chính phủ, thực hiện trách nhiệm quyền sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhưng cho Sabeco góp vốn, thoái vốn trái quy định.

Do bị cáo Hoàng có các tình tiết giảm nhẹ là khai báo thành khẩn, chưa có tiền án, tiền sự; có nhiều bằng khen, huân, huy chương kháng chiến; bị ung thư… nên sau khi nghị án, HĐXX tuyên phạt bị Vũ Huy Hoàng 11 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Cùng tội danh trên, bị cáo Phan Chí Dũng bị tuyên 9 năm tù. Bị cáo Lâm Nguyên Khôi bị phạt 4 năm 6 tháng tù, Lê Quang Minh 3 năm 6 tháng tù về cùng tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.

Đối với các bị cáo còn lại, HĐXX TAND TP Hà Nội tuyên các mức án từ 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 6 năm 6 tháng tù vì các bị cáo này khai báo thành khẩn nên được HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Sau phiên tòa sơ thẩm, ông Vũ Huy Hoàng làm đơn kháng cáo đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội cân nhắc giảm nhẹ hình phạt, xem xét toàn bộ hành vi của bị cáo trong vụ án để xác định lại tội danh cho mình.

Ngoài ông Hoàng, các ông: Phan Chí Dũng (nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương), Lâm Nguyên Khôi (nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM), Lê Quang Minh (nguyên Trưởng phòng Phòng Phát triển hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM) cũng kháng cáo đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt, xin được cải tạo ở ngoài xã hội.

Các bị cáo đều nêu lên các tình tiết giảm nhẹ cho mình như: khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, phạm tội lần đầu, có ý thức hợp tác với các cơ quan tố tụng trong việc điều tra làm rõ nội dung vụ án, có nhiều thành tích trong công tác, gia đình có công với cách mạng, hoàn cảnh gia đình khó khăn…

Riêng bị cáo Khôi đang mắc bệnh hiểm nghèo nên mong muốn được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Đọc thêm