“Thị ông thị bà” một gốc hai cây
Bất cứ ai khi đến thôn Hòa Trung 1 đều có thể dễ dàng nhận ra cây thị cổ thụ nằm cạnh con đường bê tông, sừng sững trên khoảng sân rộng trước trụ sở thôn. Đứng ở hai đầu đường nhìn lại thì cây thị trông như chỉ có một thân duy nhất. Tuy nhiên, khi đi vòng quanh gốc cây quan sát thì dễ dàng nhận ra cây thị có đến hai nhánh tách ra từ ngang mặt đất. Mỗi nhánh to đến vài người ôm, hướng về hai hướng Đông - Tây và đều vươn cành xanh lá. Càng lên cao, cành lá của hai nhánh thị đan xen vào nhau, tạo nên vòm cây um tùm, rậm rạp.
Theo bà Trần Thị Hơn (74 tuổi) một trong những cao niên sống cạnh gốc thị cho biết, từ những năm còn bé bà đã được ông nội kể về cây thị cổ thụ. Rằng khi ông nội bà Hơn chào đời thì cây thị đã sừng sững ở đó, mãi đến khi ông già đi thì cây thị vẫn chẳng lớn thêm chút nào.
Bà Hơn kể lại: “Lúc đó tôi mới 7 tuổi đã nghe ông nội dặn rằng: “Con à, cây thị là thiên tạo nên có “bà” giữ gìn, phải tôn trọng. Khi con đi xe thì tới trước cây thị phải xuống xe dắt qua rồi mới được cưỡi. Nếu là đi bộ thì phải ngả nón cúi đầu”. Sau này cha tôi kể rằng, ngày xưa cha có ôm một nhúm củi thị về nấu cháo gà. Cả nhà ăn xong thì đều bị đau bụng, tiêu chảy. Phải cầu khấn thánh thần ở gốc thị thì mới bớt. Đến nay, nếu dựa vào đời người mà nhẩm tính thì tuổi đời cổ thụ cũng ngót nghét 500 năm”.
Trong số ít câu chuyện cha ông truyền lại, có chuyện chuyện ly kỳ lý giải về cái tên gọi “thị ông, thị bà”. Truyền rằng, ngày xưa những người thầy Tàu có cất giấu một kho vàng dưới gốc thị. Để trấn yểm của cải châu báu, những người này mang đến một đôi đồng nam đồng nữ chôn ngay tại đây để canh giữ kho báu. Trong quan niệm “nam tả nữ hữu”, bé trai được chôn về phía nhánh thị phía Đông, sau này dân làng gọi đó là “thị ông, thị sẻ”. Bé gái được chôn ở phía nhánh thị phía Tây, được gọi là “thị bà, thị nếp”.
“Những năm 1966 có nhóm 4 người Tàu mang theo tấm bản đồ đến thôn dò hỏi về gốc gác cây thị. Cho rằng những người này có ý đồ xấu muốn “khai quật” cây thị để đoạt lấy kho báu nên người làng nói rằng cây thị là do cha ông vun trồng chứ chẳng phải trời sinh. Người Tàu nghe vậy trầm ngâm một lát rồi lắc đầu, xếp bản đồ bỏ đi. “Những người Tàu có lẽ tìm cây thị nhằm mục đích tìm kiếm vàng bạc. Nếu quả thật như vậy thì chuyện về đôi trai gái được chôn dưới gốc thị để canh giữ kho báu không phải không có lý, có điều sự thật ra sao chẳng ai rõ”, bà Hơn kể.
Câu chuyện “thị ông thị bà” chẳng biết thực hư ra sao và ra đời từ khi nào nhưng chắc chắn rằng nó không phải là vô lý. Bởi theo người dân, “thị ông” và “thị bà” dù hoa lá giống nhau nhưng trái thì khác nhau. Dù là từ một gốc mọc lên nhưng trái của cây “thị sẻ, thị ông” phải chín đỏ thì mới ăn được. Trong khi đó, trái của cây “thị bà, thị nếp” thì vuông vức, bầu bĩnh rất bắt mắt và chỉ cần hườm hườm là đã ngọt mềm.
“Hai nhánh thị cùng ra hoa, cùng đậu quả như nhau. Nhưng thị nếp thì cho ăn sớm hơn, quả thơm hơn. Nhưng nếu chín đến độ thì thị sẻ lại ngọt hơn. Mỗi mùa thị về, trẻ con trong thôn hết ăn quả cây thị nếp thì lại ăn tới quả cây thị sẻ...”, bà Hơn kể.
Cây thị linh thiêng
Chẳng những cho hai loại quả khác nhau mà cây thị thôn Hòa Trung 1 còn gắn liền với câu chuyện “bà đỡ”. Kể rằng, xưa nay đàn ông trai tráng ở làng ai cũng đã từng ít nhất một lần leo lên cây để hái thị. Trong số đó, có hàng chục người bị té cây nhưng luôn được bề trên phù hộ độ trì. Kể lại câu chuyện này, ngay bản thân bà Hơn chẳng giấu được sự hoài nghi. Bởi cây thị cao đến 30m, dưới đó là nền đất cứng, người rớt xuống “đành đạch” nhưng chẳng hề hấn gì. Sự việc cứ lặp đi lặp lại, lần nào cũng giống lần nào, mọi người lấy làm lạ, vò đầu bứt tóc chẳng hiểu nguyên nhân vì sao.
Theo lời bà Hơn và dân làng, chúng tôi tìm đến ông Lê Hùng Thanh (SN 1959), người mà khi 10 tuổi đã bị té trên cây thị. Chuyện xảy ra cách đây đã 45 năm nhưng ông Thanh vẫn còn nhớ rõ: “Dân làng tin chuyện “bà đỡ” là có nguyên do. Năm đó tôi 10 tuổi, buổi sáng đi chăn vịt, đến khi mặt trời lên cao thì mấy đứa bạn rủ đi hái thị. Cả đám trèo lên cây thi nhau hái, tôi đứng trên cành dưới, với tay hái quả thị to ở cành trên. Lúc sắp chạm tay vào quả thị thì nhánh cây tôi đứng bị gãy, tôi chưa kịp với tay chụp lấy nhánh thị trên đầu thì đã rơi mất. Tôi va quệt vào một nhánh cây, tét bụng một đường dài. Rớt xuống đất, tôi nằm hôn mê nhưng sau đó thì đứng dậy đi lại bình thường”, nói rồi ông Thanh liền chỉ vào vết sẹo còn hằn ở bụng.
|
Ông Đổi trưởng thôn. |
Đã 6 năm trôi qua nhưng câu chuyện ông trưởng thôn vì mạo phạm cây thị mà bị “vặt cổ” vẫn được mọi người nhắc mãi. Năm 2008, đường dây điện thôn Hòa Trung 1 vốn chạy trong vườn nhà dân được thay thế bằng đường dây mới cao ráo, vững chắc hơn, chạy dọc theo con đường bê tông. Mùa hè năm đó, khi kéo điện đến ngang gốc thị thì bị vướng phải một nhánh cây thị. Để lắp được dây điện, người dân buộc phải chặt bỏ nhánh thị to bằng thân người lớn.
Biết được cây thị linh thiêng nên chẳng ai dám mạo phạm vì sợ thần linh quở phạt. Người thợ cưa cứ năm lần 7 lượt trèo lên cây nhưng cứ leo giữa chừng là toát hồ hôi nên tuột xuống. Lúc này, trưởng thôn là ông Trần Văn Đổi (SN 1950, em trai bà Hơn) thúc giục người thợ cưa rằng: “Anh cứ chặt đi, có gì tôi chịu cho”.
Người thợ cưa dù sợ hãi nhưng bị sức ép bên dưới nên đành khấn cầu rằng: “Người ta bảo chặt thì tôi chặt chứ tôi không biết gì hết”. Nói rồi người thợ cưa khởi động máy đến 7 lần vẫn không được. Đến lần thứ 8, máy cưa nổ thì lúc đó người đàn ông ướt lả mồ hôi. Lúc nhánh thị sắp rơi, người thợ cưa như bỗng mất thăng bằng, loạng choạng suýt chút nữa thì ngã xuống. Sau khi hạ được nhánh thị, đường dây điện được kéo thẳng tắp, công việc cứ thế được tiến hành. Tuy nhiên, như linh tính của người dân, tai họa xảy ra với chính người đã “hạ lệnh” chặt cây.
Sau ngày nhánh thị bị hạ, trong khi người thợ cưa thường bị ám ảnh, rùng mình, ăn không ngon ngủ không yên thì ông Đổi bỗng lên cơn sốt, người hôn mê, nói điên nói dại. Gia đình chẳng biết ông đau bệnh gì nên đưa lên Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn) khám. Tại đây bác sĩ khám đủ kiểu nhưng vẫn không tìm ra bệnh nên chuyển tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định.
Vì ông Đổi là em trai duy nhất trong nhà nên bà Hơn lo sợ đứng ngồi không yên. Sau ngày em trai nhập viện, bà Hơn đi coi thầy ở xã Hoài Tân, cách nhà hàng chục cây số. Ông thầy bói nói rằng vì ông Đổi phạm vào nơi ở của “bà” nên bị trừng phạt. Nếu muốn được tha thứ thì cứ đến nửa đêm người nhà phải ra gốc thị chắp tay khấn cầu. Phải thành tâm khấn cầu 7 đêm thì “bà” mới mong bà chứng giám và bỏ qua.
Bà Hơn kể: “Tôi khấn được vài đêm thì nghe nói em trai đã bớt điên dại. Khấn thêm vài hôm thì Đổi trốn viện về nhà, tuy lúc này tinh thần chưa ổn định nhưng đã có phần tỉnh táo. Tôi thấy vậy tiếp tục khấn cầu đến 7 đêm mới thôi”.
Sau ngày ông Đổi bỗng nhiên lên cơn mê sảng, bác sĩ khám hoài mà không rõ nguyên do, người dân đồn nhau rằng ông Đổi bị báo ứng. Vậy nên, sau khi thấy bà Hơn đi coi thầy và về chắp tay dưới gốc thị khấn cầu thì chẳng ai còn nghi ngờ gì nữa. Ai ai cũng cho rằng ông Đổi bị trừng phạt là do ông ta “chỉ đạo” việc chặt cây, mạo phạm đến nơi ngự của “bà” linh thiêng...
(Còn tiếp)