Lý Nhân (Hà Nam): Khuất tất trong xử lý vi phạm?

(PLO) - Gần 10 hộ dân xây nhà ở kiên cố trên đất nông nghiệp, nhưng chính quyền xã không xử lý, tuy nhiên khi gia đình ông Đặng Văn Chiu (xóm Nội 1, xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân) tiến hành xây dựng thì ngay lập tức bị UBND xã Nhân Thịnh cưỡng chế. Dư luận người dân và ông Chiu cho rằng, đã là vi phạm thì phải xử lý công bằng, nhưng ở đây chính quyền có điều gì đó khuất tất thì phải?
Ngôi nhà gia đình ông Chiu bị cưỡng chế phá dỡ.
Ngôi nhà gia đình ông Chiu bị cưỡng chế phá dỡ.
Bên trọng, bên khinh...
Ông Đặng Văn Chiu phản ánh về việc UBND xã Nhân Thịnh tiến hành cưỡng chế công trình xây dựng của gia đình ông không đúng quy trình, không có bất kỳ giấy tờ thông báo nào cho gia đình ông.

Được biết, chị gái ông Chiu là bà Đặng Thị Toan, có thửa ruộng diện tích 360m2 tại xứ đồng Lách Nội thuộc xóm Hùng Tiến, xã Nhân Thịnh đã được cấp sổ đỏ vào năm 2002.

Năm 2006, bà Toan không làm được ruộng nữa nên đã chuyển nhượng lại cho gia đình ông Chiu canh tác sản xuất. Trong những năm đầu khi mới nhận ruộng, gia đình ông Chiu cấy lúa để đảm bảo trong sản xuất nông nghiệp. Năm 2008 cả khu đất nông nghiệp xứ đồng Lách Nội được chuyển sang hình thức đa canh nên nhiều hộ dân đã tự ý xây nhà cấp bốn để ở và phục vụ sản xuất canh tác. Gia đình ông Chiu cũng xây dựng một ngôi nhà cấp 4 như các hộ gia đình khác để tiện sinh hoạt và sản xuất.

Sau một thời gian, ngôi nhà xuống cấp và hư hỏng, gia đình ông Chiu phá căn nhà cũ và xây dựng căn nhà mái bằng kiên cố, do đó vào tháng 10/2014, ông tiến hành chở đá, cát, đóng cọc và tiến hành đổ móng nhà.Trong quá trình đổ móng không thấy chính quyền xã đến nhắc nhở hay lập biên bản xử lý, sau khi đổ móng xong gần một năm vẫn không thấy chính quyền địa phương đến lập biên bản xử lý. Đến cuối tháng 7/2015, gia đình ông Chiu bắt đầu xây dựng và đổ mái bằng xong vào đầu tháng 10/2015. 

“Ngày 28/10/2015, trong khi cả gia đình tôi đi vắng không có ai ở nhà, UBND xã Nhân Thịnh đã đưa lực lượng đến cưỡng chế nhà tôi mà không có văn bản báo trước. Khi tôi đang phụ hồ thì được hàng xóm báo tin nhà tôi đang bị chính quyền địa phương cưỡng chế. Tôi chạy xe máy về thì bị lực lượng cưỡng chế ngăn cản không cho vào và chứng kiến nhà mình bị phá mà không làm được gì. Thế là gần 400 triệu của gia đình tôi bỏ ra xây nhà để ở giờ bị phá sạch”, ông Chiu bức xúc.
Qua quan sát của phóng viên, căn nhà của hộ gia đình ông Đặng Văn Chiu bị cưỡng chế phá hỏng hoàn toàn và ngay tại khu vực đất nông nghiệp này còn có hàng loạt nhà đã xây xong và một số nhà đang xây mà không thấy bị xử lý. Phải chăng việc UBND xã Nhân Thịnh cưỡng chế hộ gia đình ông Chiu có điều gì khuất tất?
 “Lập lờ” xử lý cưỡng chế nhà dân?
Mặc dù gia đình ông Chiu xây dựng nhà trên đất nông nghiệp là sai nhưng trong quá trình ông Chiu đổ móng xây dựng nhà kiên cố, UBND xã Nhân Thịnh không kiểm tra xử lý nghiêm ngay từ đầu, để đến khi gia đình ông Chiu tiến hành đổ mái bằng xong, chính quyền xã mới ra tay? Ngoài ra, cũng vào thời điểm đó có nhiều trường hợp xây dựng sao UBND xã Nhân Thịnh không tiến hành cưỡng chế, khiến người dân và dư luận bức xúc? 
Ông Chiu cho biết thêm, việc UBND xã Nhân Thịnh xử lý cưỡng chế gia đình ông không đúng quy trình vì từ khi bắt đầu đổ móng cho đến khi xây dựng đổ mái, phía UBND xã Nhân Thịnh không có văn bản xử lý vi phạm, không có quyết định trước khi cưỡng chế. Ngoài ra, cũng trong thời điểm này còn một số trường hợp xây dựng nhà kiên cố trên đất nông nghiệp tại sao không bị cưỡng chế?
Để làm rõ sự việc, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Trần Tiến Thiều - Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Thịnh, ông Thiều cho biết: Việc cưỡng chế hộ ông Chiu, bà Toan là đúng quy trình, văn bản rõ ràng. “Khi UBND xã ra quyết định cưỡng chế đối với trường hợp nhà ông Chiu thì đã được UBND huyện Lý Nhân ra Văn bản số 08 giao cho UBND xã tiến hành cưỡng chế. Còn trong quá trình hộ gia đình ông Chiu đổ móng xây dựng, cán bộ xã đã xuống làm việc và lập biên bản về hành vi xây dựng, nhà trái phép”, ông Thiều nói.
“Đã nhiều lần cán bộ xã xuống kiểm tra và yêu cầu hộ ông Chiu, bà Toan dừng mọi hoạt động xây dựng thi công nhưng sau khi cán bộ kiểm tra về, gia đình ông Chiu lại tiếp tục cho thợ xây tiếp. Đã nhiều lần hộ ông Chiu bị lập biên bản xử phạt, nhiều lúc ông Chiu cho thợ xây dựng vào ban đêm cho nên chúng tôi không biết được. Còn trước khi tiến hành cưỡng chế, chúng tôi đã có văn bản gửi đến gia đình ông Chiu, nhưng không có ai ở nhà và đã thông báo trên loa truyền thanh xã”, ông Thiều cho biết thêm.
Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị được xem các văn bản xử lý vi phạm và quyết định cưỡng chế đối với hộ gia đình ông Chiu, bà Toan thì vị Phó Chủ tịch này lại “đùn đẩy” rằng Chủ tịch và cán bộ tư pháp đi vắng, không xem được. Phóng viên liên hệ với ông Lương Văn Sính - Chủ tịch xã Nhân Thịnh đề nghị cung cấp những giấy tờ, văn bản xử lý vi phạm và quyết định cưỡng chế đối với hộ gia đình ông Chiu thì vị Chủ tịch này trả lời chưa nhận bàn giao giấy tờ từ Chủ tịch cũ?
Rõ ràng việc vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp không riêng gì hộ gia đình ông Chiu cần phải được xử lý, nhưng phải đúng trình tự và đảm bảo sự công bằng. Tuy nhiên, việc UBND xã Nhân Thịnh cưỡng chế đối với hộ ông Chiu đang khiến người dân và dư luận hoài nghi vào tính nghiêm minh, sự tùy tiện của lãnh đạo UBND xã này vì tại sao chỉ cưỡng chế riêng đối với hộ gia đình ông Chiu, còn những hộ vi phạm khác thì không thấy đả động gì? 
Báo PLVN đề nghị UBND huyện Lý Nhân cùng các cơ quan chức năng xem xét lại vụ việc cưỡng chế của UBND xã Nhân Thịnh đối với gia đình ông Chiu, bà Toan.

Đọc thêm