Ma trận mỹ phẩm giả

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mỹ phẩm giả, nhập lậu đóng mác “xách tay” hoặc tuồn vào các cửa hàng mỹ phẩm, gây thiệt hại về tiền và tổn hại về sức khoẻ là một thực trạng diễn ra nhiều năm nay.
Một lô mỹ phẩm giả có bao bì không khác hàng thật.
Một lô mỹ phẩm giả có bao bì không khác hàng thật.

Hàng loạt đường dây mỹ phẩm giả

Mới đây, Cục Điều tra Trung ương Thái Lan đã công bố thông tin về kho mỹ phẩm giả với số lượng “khủng” khiến người tiêu dùng Thái Lan và cả các nước châu Á lo ngại. Theo đó, giới chức Thái Lan phát hiện kho hàng chứa hơn 18 thương hiệu mỹ phẩm nhái. Hàng loạt hàng giả được bày bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử, ước tính đạt giá trị 48 tỉ VNĐ.

Kho hàng trên bao gồm các sản phẩm giả nội địa Thái Lan và hàng nhái các thương hiệu cao cấp, các tên tuổi mỹ phẩm được người tiêu dùng Việt và các nước châu Á ưa chuộng như Estee Lauder, Clarins, SK-II...

Dự đoán, số hàng giả khổng lồ này không chỉ được tiêu thụ ở Thái Lan mà còn được “tuồn” sang nhiều nước lân cận, trong đó có một số lượng lớn sang Việt Nam.

Cũng mới đây, tại Việt Nam, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội triệt phá ổ sản xuất serum Vitamin C Balance 30ml giả tại thôn Tảo Dương, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội. Tổng số hàng giả là 6.600 chai sữa tắm Coco Mademoiselle Chanel Paris 350ml và 1.350 chai sữa tắm hương hoa cỏ Innisfree 330ml. Hai thương hiệu bị làm giả là Chanel và Innisfree xuất xứ từ châu Âu và Hàn Quốc, có mức giá cao cấp và trung cấp, rất được người tiêu dùng Việt có thu nhập trung bình khá ưa chuộng.

Đầu năm 2022, qua kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất mỹ phẩm tại phố Trần Hưng Đạo, huyện Kinh Môn, cơ quan chức năng cũng phát hiện nơi đây đang sản xuất, đóng gói khối lượng khủng lên tới hàng nghìn đơn vị sản phẩm mỹ phẩm. Cạnh đó còn có gần 300kg dung dịch mỹ phẩm dạng lỏng chưa đóng gói và hàng ngàn vỏ hộp bao bì.

Có thể kể đến hàng loạt những cuộc kiểm tra và phát hiện như thế trên cả nước trong vài tháng vừa qua. Đáng nói là những mỹ phẩm giả này đều dán nhãn các thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng, ăn khách trong nước và nước ngoài. Vỏ hộp bao bì cũng được làm giả công phu đến mức nhìn bằng mắt thường không thể phân biệt thật giả.

Thị trường mỹ phẩm hiện nay đang trong tình trạng “vàng thau lẫn lộn” mà trách nhiệm một phần cũng thuộc về sự dễ dãi của người tiêu dùng. Một bộ phận người tiêu dùng vẫn thoải mái tin tưởng và lựa chọn các sản phẩm mang mác “hàng xách tay”. Lý do là tin tưởng ở nguồn hàng ngoại hoặc “ham của rẻ”.

Thực tế, “mỹ phẩm xách tay” là cách nói khác của sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu, không đi theo đường nhập khẩu chính ngạch, không đóng thuế. Và dĩ nhiên, trà trộn trong số đó có rất nhiều sản phẩm là hàng giả, nhái được làm tinh vi.

Thay đổi thói quen tiêu dùng để bảo vệ bản thân

Nếu mua mỹ phẩm chính hãng tại các cửa hàng mỹ phẩm uy tín, các đại diện phân phối mỹ phẩm nước ngoài tại Việt Nam, hay tại các trung tâm thương mại, người tiêu dùng có thể phải chi trả mức giá cao hơn, nhưng bù lại là những đảm bảo về mặt xuất xứ, chất lượng.

Tuy nhiên, thói quen ưa chuộng hàng xách tay là điều khó thay đổi từ nhiều năm nay của người tiêu dùng trong nước. Có nhiều nguồn “xách tay” để người tiêu dùng lựa chọn. Đó có thể là mua của người thân, người quen biết hoặc qua quảng cáo trên mạng với danh nghĩa “hàng gửi từ nước ngoài về”. Hoặc người tiêu dùng đặt niềm tin nơi những người bán hàng nổi tiếng trên mạng xã hội, các “ngôi sao” của làng giải trí lấn sân kinh doanh mỹ phẩm. Cạnh đó, các sàn thương mại điện tử cũng là nơi tiêu thụ lượng lớn các loại mỹ phẩm xách tay do các nhà bán cá nhân mở shop.

Tuy nhiên, các nguồn bán này đều chứa đựng rủi ro rất cao. Những người bán hàng trên mạng rất có thể nhập mỹ phẩm từ những nguồn không rõ ràng đến từ trong nước. Về phần những người nổi tiếng, thời gian qua đã có không ít nạn nhân “bóc phốt”, tố cáo vấn nạn người nổi tiếng lợi dụng tên tuổi để bán mỹ phẩm giả, lậu gây thiệt hại cho fan hâm mộ.

Còn phía các sàn thương mại điện tử, thời gian qua đã có một số sàn siết chặt quản lý chất lượng sản phẩm mỹ phẩm, đòi hỏi giấy tờ chứng nhận nhập khẩu mới chấp nhận cho kinh doanh trên sàn. Tuy nhiên, còn không ít sàn thương mại điện tử “thả nổi” cho việc kinh doanh mỹ phẩm xách tay tự do hoạt động. Và nếu không cẩn thận, mê giá rẻ, người tiêu dùng rất có thể lọt vào “ma trận” của hàng nhái, hàng giả.

Mỹ phẩm giả không chỉ là câu chuyện lừa đảo về chất lượng, mà nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý và sức khoẻ người dùng. Đã có không ít trường hợp sử dụng nhầm mỹ phẩm giả, nhái gây ra dị ứng da, bỏng da, làn da bị biến chứng, huỷ hoại nhan sắc và gây nên tổn thương về mặt tâm lý cho người dùng.

Để tránh trở thành “nạn nhân” của những sản phẩm giả mạo nguy hiểm, trong khi chờ đợi sự ra tay của cơ quan quản lý, bản thân người tiêu dùng cũng cần phải trang bị cho mình kĩ năng nhận diện sản phẩm giả - thật, thay đổi thói quen tiêu dùng để bảo vệ chính mình.

Đọc thêm