Chưa được gia hạn giấy phép vẫn khai thác
Qua tìm hiểu của PV được biết, khu mỏ đá Tân Đông Hiệp có 4 đơn vị đang hoạt động khai thác và chế biến đá gồm: Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB), Công ty Cổ phần Xây dựng Bình Dương, Công ty Cổ phần Trung Thành và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng 3-2. Khu mỏ đá này có diện tích gần 45ha, bắt đầu hoạt động khai thác từ năm 1996. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, khu mỏ đá đã được gia hạn 3 lần về chiều sâu cũng như thời gian hoạt động. Cụ thể, hoạt động khai thác lần 1, từ năm 2010 - 2013 với độ sâu đến -80m; lần 2, từ năm 2013 - 2015, độ sâu đến-100m; và lần 3, năm 2015 - 2017, độ sâu đến -120m. Theo giấy phép khai thác, độ sâu cụm mỏ khai thác tối đa đạt -120m, đến hết ngày 31/12/2017; Tuy nhiên, trước khi giấy phép khai thác hết hạn, các doanh nghiệp đã có kế hoạch tiếp tục xin gia hạn giấy phép vì trữ lượng đá tồn còn nhiều.
Mới đây, tại cuộc họp bất thường của HĐND tỉnh Bình Dương vào tháng 6/2018 đã thông qua điều chỉnh, bổ sung ba nội dung trong quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của tỉnh giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, có việc đồng ý kéo dài thời gian khai thác mỏ Tân Đông Hiệp đến hết năm 2019, thay vì làm thủ tục đóng cửa mỏ vào cuối năm 2017.
Được biết, đến thời điểm hiện tại, đơn vị quản lý mỏ đá Tân Đông Hiệp thuộc Công ty cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB) chỉ mới được phép hoạt động thăm dò, đánh giá tác động. Mọi hoạt động liên quan đến gia hạn giấy phép để tiếp tục khai thác cũng chỉ mới dừng lại ở chấp thuận chủ trương mà chưa có quyết định chính thức từ cơ quan chức năng. Thế nhưng, theo phản ánh của người dân sống cạnh khu vực mỏ đá Tân Đông Hiệp, chủ đầu tư vẫn tiến hành hoạt động nổ mìn khai thác đá tại dự án, bất chấp quy định pháp luật. Điều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ.
Người dân rơi vào cảnh “mắc kẹt”
Bình quân mỗi năm ngân sách các địa phương thu được từ các mỏ khai thác khoáng sản vài chục tỷ đồng. Con số này cho thấy lợi ích Nhà nước thu về từ việc khai thác khoáng sản không nhiều, trong khi ngân sách phải bỏ ra để sửa chữa đường và khắc phục hậu quả có khi còn nhiều hơn gấp nhiều lần.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh của KSB, quý I/2018 doanh thu ước đạt 252 tỷ đồng, lãi trước thuế 87,2 tỷ đồng và lãi sau thuế 69 tỷ đồng. Trong chiến lược tăng trưởng dài hạn của mình, KSB luôn chú trọng vào mảng kinh doanh cốt lõi là khai thác khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng. Qua đó, thấy rõ doanh nghiệp hưởng lợi rất nhiều từ việc khai thác, nhưng chiều ngược lại, những người dân sống cạnh dự án phải sống trong bất an. Mỗi ngày, họ đều phải đối mặt với khói bụi, tiếng ồn và tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm trong thời gian dài.
Theo quan sát, quanh khu vực bà con sinh sống gần mỏ đá Tân Đông Hiệp, cây trồng của các hộ dân bị bụi đá bám dày khiến cây không thể ra hoa kết trái, cùng với đó là lượng bụi đá rất nhiều, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của dân cư nơi đây.
Trước thông tin UBND tỉnh Bình Dương có chủ trương gia hạn cho KSB tiếp tục khai thác mỏ đá Tân Đông Hiệp đến năm 2019, nhiều người dân sống tại khu vực gần mỏ đá đã không khỏi hoang mang. Theo những người dân này, nếu để mỏ đá tiếp tục khai thác thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy về sau. Người dân phản ánh từ khi mỏ đá đi vào hoạt động, việc nổ mìn, khai thác đá không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh mà còn làm đảo lộn cuộc sống.
Ngoài việc phải sống chung với ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn thì nguy cơ tai nạn giao thông tại khu vực này luôn rình rập khi mỗi ngày có hàng trăm chiếc xe tải nối đuôi nhau đi vào khu vực mỏ để vận chuyển đá. Trước tình trạng trên, nhiều người dân địa phương bày tỏ nguyện vọng các mỏ đá ngưng hoạt động càng sớm càng tốt để họ ổn định cuộc sống.