Tuy dao bấm không được văn bản pháp luật liệt kê vào diện vũ khí, hay công cụ hỗ trợ, nhưng dao bấm có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người nên phải hiểu là loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao.
Để hiểu thống nhất, Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 giải thích về các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ. Theo đó, vũ khí quân dụng là vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bao gồm: (a) Súng cầm tay bao gồm: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu; (b) Vũ khí hạng nhẹ bao gồm: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân; (c) Vũ khí hạng nặng bao gồm: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa; (d) Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí quy định tại các điểm a, b và c khoản này.
Súng săn là súng được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để săn bắn, bao gồm: súng kíp, súng hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này.
Vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, bao gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu.
Vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để luyện tập, thi đấu thể thao, bao gồm: (a) Súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay và đạn sử dụng cho các loại súng này; (b) Vũ khí thô sơ quy định tại khoản 4 Điều này dùng để luyện tập, thi đấu thể thao.
Vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao.
Luật quy định rõ đối tượng được sử dụng vũ khí, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ có điều kiện, phù hợp với công việc được giao như: lực lượng vũ trang, kiểm lâm, kiểm ngư, dân quân tự vệ… mà không phải bất kỳ ai cũng được quyền quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, trong thời gian qua do công tác tuyên truyền, quản lý nhiều nơi còn hạn chế nên còn nhiều người, nhất là lứa tuổi thanh, thiếu niên tàng trữ, sử dụng dao bấm nhưng không biết mình đã vi phạm pháp luật. Thực tế đã cho thấy, có rất nhiều vụ án mà công cụ gây án là con dao bấm mang theo để phòng thân, chỉ vì trong một phút nông nổi, thiếu kìm chế đã dẫn đến chết người, gây thương tích, cướp của... Vậy nên, hành vi mua, tàng trữ, mang theo dao bấm đều là hành vi vi phạm pháp luật, “rủi ro” nhiều hơn tiện ích mà nó mang lại.
Người nào mang theo dao bấm bên mình, nếu bị phát hiện thì rất có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội… với số tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi như: sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái quy định nhưng chưa gây hậu quả; sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép…, đồng thời phải chịu hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (con dao bấm).