Những ngày giữa tháng 8/2018, PV đã có mặt tại Đông Triều để mục sở thị các trạm barie án ngữ đường liên thôn, liên xã, phường như trạm barie Cống Trắng Chợ Triều (Mạo Khê); 3 trạm trong khu Vĩnh Xuân (Mạo Khê), Yên Hợp (Yên Thọ); trạm kiểm soát Bình Khê thuộc địa bàn thôn Phú Ninh, xã Bình Khê: trạm kiểm soát khu Vĩnh Phú thuộc phường Mạo Khê; trạm Yên Đức thuộc địa bàn thôn Yên Khánh, xã Yên Đức; trạm kiểm soát xã Hoàng Quế thuộc địa bàn thôn Tràng Bạch xã Hoàng Quế…
Vừa gây mâu thuẫn, vừa tiềm ẩn tai nạn
Người dân sống gần khu vực đường tàu thuộc tổ 3 - 4 khu Vĩnh Trung, một trong những điểm đã từng được phường Mạo Khê đặt barie (hiện tại đã bị phá dỡ) cho biết, tại khu vực này trước đây xe than chở rầm rập ngày đêm, trạm barie được lập lên nhưng nhiều lần chỉ sau một đêm lại bị một số đối tượng đập phá tan tành.
Có lần phường còn đổ 3 trụ lớn để xe ô tô không thể chạy qua, nhưng cũng chỉ sáng hôm sau trụ hay cần kể cả được hàn cố định cũng biến mất. Cứ như vậy rất nhiều lần nên hiện tại không thấy xây dựng barie hay trụ chắn nữa. Có lẽ việc có trạm cũng không giải quyết được vấn đề gì.
Một người dân sống tại tổ 4 khu Vĩnh Xuân, phường Mạo Khê cho biết, trạm barie mới lập được hơn hai tháng và “đến giờ cũng chẳng biết ai lập lên”. “Chúng tôi cũng không được họp hành bàn về vấn đề này nên không biết. Lúc đầu không thấy có ai trông coi nhưng một tháng gần đây thấy có người canh gác”.
trạm barie tại khu Vĩnh Trung phường Mạo Khê từng đặt nhưng đã bị tháo dỡ. |
“Nhà tôi ngay gần barie, thấy lo lắng vì đường nhỏ nhiều phương tiện đi lại. Người bình thường không sao, nhưng nhiều trường hợp lạ đường hay những người mắt kém, trời tối mà hạ cần, người tham gia giao thông rất dễ gặp tai nạn. Không những vậy, việc trên địa bàn phường bán kính chưa đầy 1km xuất hiện những 3 chiếc barie khiến người dân đi lại bất tiện chẳng khác nào ngăn sông cấm chợ. Tôi để ý ban ngày cần lúc nào cũng mở. Các xe chở hàng hay thi thoảng những xe chở vật liệu màu đen vẫn qua lại bình thường mà không phải dừng lại hay kiểm tra. Như vậy không biết những trạm này lập ra để làm gì?”.
Cũng giống như trường hợp người dân phường Vĩnh Sơn, người dân tại khu vực Chợ Triều Cống Trắng (phường Mạo Khê) cũng không biết hay được thông báo về việc lập barie. “Cũng có vài lần xe công họ chạy qua va chạm vào barie, xảy ra xô xát, lời qua tiếng lại ầm ĩ cả khu dân cư. Rồi có những lúc các phương tiện qua trạm vô tư bình thường. Đội ngũ cắt cử canh gác ngồi trong trạm, hút thuốc, uống trà, cần thường xuyên mở, không hề kiểm tra các phương tiện như xe hàng thùng kín”, một người dân cho hay.
Anh Vũ Văn M., chủ một xe hàng thùng hay đi qua khu vực Chợ Triều Cống Trắng cho hay, khoảng hai tháng trước không hiểu sao xuất hiện trạm barie này: “Khi xe qua đây tôi bị những người canh trạm yêu cầu dừng xe lại kiểm tra. Tuy nhiên tôi không đồng ý, vì họ không đủ chức năng, quyền hạn để kiểm tra xe của tôi. Hơn nữa công việc của tôi rất bận, cần di chuyển nhanh, việc kiểm tra này rất mất thời gian ảnh hưởng tới công việc. Sau đó, mỗi lần qua tôi phải trình bày, thậm chí to tiếng họ mới cho. Giờ quen mặt, đi qua không bị kiểm tra nữa”.
Kiểm soát khoáng sản hay phục vụ lợi ích nhóm?
Trả lời PV, ông Vũ Đại Hải, Trưởng ban bảo vệ dân phố phường Mạo Khê (người được phường Mạo Khê giao nhiệm vụ quản lý, phân công trực chốt tại các trạm barie) cũng thừa nhận có nhiều lần các phương tiện giao thông đâm vào barie khiến cần, cột barie méo mó biến dạng.
Trạm barie tại khu Vĩnh Trung phường Mạo Khê từng đặt nhưng đã bị tháo dỡ. |
Như vậy, trên thực tế những trạm barie này lập ra không biết có hoàn thành nhiệm vụ như chính quyền sở tại đặt ra, nhưng trước mắt đã thấy những nguy hiểm trông thấy với người tham gia giao thông. Liệu đây có phải là một biến tướng của tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, gây ảnh hưởng tới giao thông, sinh hoạt của người dân?
Nhiều người dân nghi ngờ chủ trương của UBND thị xã Đông Triều khi phê duyệt cho xây dựng các barie l như vậy không chỉ nhằm mục đích kiểm soát than – xít; hay còn mục đích phục vụ “lợi ích nhóm”?
Khi PV đề nghị UBND phường Mạo Khê cung cấp thông tin về kinh phí xây dựng, khảo sát điểm đặt, kết quả báo cáo hàng tháng về việc xử lý các phương tiện tại trạm chốt, nhưng đến nay chủ tịch phường Trần Anh Tuấn vẫn khất lần với nhiều lý do như: Bận, máy móc cơ quan trục trặc vì bị sét đánh, người quản lý tài liệu đi vắng...
Trong khi đó, một cán bộ khác của Đông Triều cho hay, UBND thị xã chủ trương lập barie nhưng không có văn bản hướng dẫn cụ thể việc lập trạm này kinh phí lấy từ đâu, bảo dưỡng duy tu thế nào, lực lượng canh trực ra sao, nên rất khó cho phường, xã.
(Mời độc giả chờ đón bài tiếp theo)