Khai thác thông tin và ứng xử trong môi trường mạng là cuộc cách mạng về liên kết xã hội và chia sẻ thông tin nhưng cũng bộc lộ những mặt trái, tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần của xã hội. Vì vậy, cần có nhận thức đúng đắn, điều chỉnh kịp thời để mạng xã hội phát huy những tính năng, ưu điểm đẩy lùi cái xấu trong xã hội.
Có lẽ, đây là văn bản chính thức đầu tiên được đưa ra để điều chỉnh một lĩnh vực mà vẫn quan niệm là "ảo" nhưng thực ra là rất thật vì nó phản ảnh tâm tư, suy nghĩ, trạng thái tâm lý của từng người, đồng thời của cả một cộng đồng người, trong đó, thói a dua, nói xấu, "ném đá", đưa những thông tin sai lệch, "giật gân",... nhằm "câu like", có ý đồ xấu cũng hiện diện.
Tuy nhiên, phải khẳng định một sự thật là phần lớn những người tham gia mạng xã hội, trở thành những "cư dân" trong thế ảo là lành mạnh, mong muốn được chia sẻ, cảm thông, giúp đỡ,... và làm cuộc sống tốt đẹp hơn. Dẫn chứng cho nhận định này không thiếu, có thể kể đến các vụ việc bất công khiến dư luận bất bình thì đa số cư dân cộng đồng mạng đứng về phía lẽ phải và bênh vực lẽ phải.
Rất ít có những phản ứng trái chiều và nếu có sự "tỏ ra khác biệt" thì lập tức bị bóc trần ngay. Báo chí chính thống đưa tin, mạng xã hội bình luận, tạo ra một dư luận ủng hộ cái tốt, cái đúng là điều chúng ta thường thấy. Hiệu ứng xã hội được nhân lên là do mạng xã hội và sức mạnh của nó cũng không kém gì một tập đoàn truyền thông nếu không nói là tính đại chúng còn vượt trội.
Tất nhiên, mặt trái của mạng xã hội cũng là điều cần quan tâm. Do được tự do bày tỏ ý kiến nên nhiều người phát ngôn hết sức tùy tiện, không biết người nghe, người đọc là ai và thể hiện rõ nhất là không biết mình là ai. Suy diễn một chiều, dẫn chứng bị cắt xén, nói cho thích mồm, phê phán chẳng có căn cứ gì, khen chê bạt mạng...
Đó là điều chúng ta thường thấy và những thứ đó rất dễ bị bỏ qua, bị quên, ít người chia sẻ,... hoặc có quan tâm thì chỉ là lời nhắc nhở: Không nói ra thì mọi người nghĩ mình ngu nhưng nói ra thì đúng là ngu thật, mà thôi.
Một trạng thái khác, đáng phải quan tâm là hiện tượng dùng mạng xã hội để khích bác, kích động, chê bai, xiên xỏ,... tạo ra những hiệu ứng a dua mà thường bị gọi là "tâm lý bầy đàn" dưới những tên gọi có vẻ chính thức như diễn đàn này, diễn đàn nọ. Song, chỉ cần qua một vài sự kiện, cư dân mạng hiểu rõ đó là ai, núp bóng thế lực nào?
Mạng xã hội cũng như mọi phương tiện truyền thông khác, có thể bị khai thác, lợi dụng phục vụ cho những mưu cầu cá nhân hoặc mục đích xấu. Nhưng không vì thế mà phủ nhận tính tích cực, tiến bộ, nhân văn của loại hình thông tin này.
Vấn đề là ở chỗ, khuyến khích và đề cao mặt tích cực chứ không thể theo kiểu "không quản được thì cấm", não trạng đó không chỉ đi ngược xu thế thời đại mà còn là phủ nhận sự tiến bộ công nghệ trong cách mạng 4.0.