Câu chuyện đất đai Thủ Thiêm kéo dài nhiều năm nhưng chưa khép lại để người dân thở phào, ông Điệp, một cán bộ có chức quyền lắng nghe tâm tư, băn khoăn, khiếu kiện của dân, nhưng lại thể hiện một thái độ (có thể là vô tư) thiếu thiện chí, tạo nên sự xa cách giữa cán bộ và dân.
Nhìn hình ảnh quả thực là phản cảm, quan cách, chứ không còn là cán bộ cách mạng lo cho dân, cho nước.
“Ăn ngon mặc đẹp” là nhu cầu bình thường của công dân... Nhưng trong một bối cảnh của Thủ Thiêm đang "gánh" nhiều mệt nhọc của người dân thì hình ảnh vị cán bộ lắng nghe ý kiến của dân xuất hiện như vậy quả là xa cách quá.
Có thể xì gà ông Điệp cầm được bạn cho, đồng hồ ông tự mua, nhưng sự “vô tư” đó đã “giết chết” hình ảnh một cán bộ gần dân, “lao tâm khổ tứ” cho người dân.
Sự giãi bày của ông là “xì gà bạn cho” và “đồng hồ mua 3,5 triệu đồng” khó lấy lại niềm tin từ dư luận, cho dù quá trình công tác, ông đã tận tụy với công việc.
“Quá trình công tác tôi đã tiếp rất nhiều bà con, nhiều đoàn, của nhiều địa phương. Tôi quan niệm rằng làm công tác tiếp công dân nếu không được tất cả bà con tin yêu thì cũng phải được đa số tin yêu. Nếu không làm được điều ấy thì cũng không nên làm nữa”, ông Điệp chia sẻ.
Trong bài nói chuyện “Thế nào là tư tưởng tác phong chủ nghĩa xã hội” Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phải thật thà ngay thẳng; không được giấu dốt, giấu khuyến điểm sai lầm. Phải khiếm tốn, phải gần gũi quần chúng, không được kiêu ngạo; phải thực sự cầu thị, không được chủ quan. Phải luôn chăm lo đến đời sống quần chúng. Phải “chí công vô tư” và có tinh thần “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Đó là đạo đức của người cộng sản”.
Chuyện ông Điệp hút xi gà bao nhiều tiền, đeo đồng hồ trị giá 3,5 triệu đồng hay 300 triệu đồng, thiên hạ sẽ biết ngay thôi chứ không cần ông giãi bày để chứng minh sự trong sạch của mình. Cái khó bây giờ là hình ảnh ông đã mất đi sự chính trực trong lòng công chúng.
Tại sao người dân ít tin khi một số cán bộ chức quyền cao giải trình việc xây biệt phủ, đi xe sang, đồng hồ tiền tỷ? Phải chăng vì những lý do họ đưa ra không ai tin nổi, như: “tôi xây biệt phủ rộng hàng nghìn m2 là đi buôn chổi đót” hay “thời trẻ tôi chạy xe ôm”, đi làm thuê, làm mướn… Cách nói đó quả thực bộc bạc với tình dân, chỉ gây chuyện đàm tiếu cho thiên hạ.
Quay lại chuyện ông Điệp ở Thủ Thiêm, điếu xì gà hạng sang đó khó mà chứng minh được là ông là người “trong sạch”. Việc làm "đày tớ của dân" không dễ chút nào, vì nó thể hiện rõ từ những việc bình thường nhất trong cách sinh hoạt.