Mới đây, tại Hải Dương, dân đã vây bắt, giữ một người đàn ông mà họ nghi có hành vi thôi miên bắt cóc trẻ em. Chiếc xe ô tô của người đàn ông này đã bị đập phá, sau đó đốt cháy. Cũng rất may là Công an đã có mặt kịp thời để giải quyết, nếu không, tính mạng của anh ta sẽ ra sao? Tương tự, đã có những vụ việc trước đó đã xảy ra, người bị tình nghi bắt cóc trẻ em bị bắt giữ, đánh đập, truyền trực tiếp lên mạng,... nhưng cuối cùng thì không phải, họ chỉ là những người bị tâm thần, đi lạc hoặc không có ý đồ xấu.
Sự manh động này khiến người ta liên tưởng đến các hành vi “tự xử” của dân chúng đối với những kẻ trộm chó, bắt giữ, đánh đập, đốt xe máy, thậm chí có trường hợp bị đánh đến chết. Tất nhiên, hành vi vi phạm pháp luật này của số đông đã phải trả giá bằng tù tội. Cho đến nay, nạn trộm chó đã bớt hoành hành song vẫn tiếp diễn với sự liều lĩnh hơn, sẵn sàng chống trả quyết liệt những người phát hiện ra chúng, đã có người chết bởi những hung khí man rợ của bọn trộm chó.
Sự manh động và tự xử còn diễn ra ở các lĩnh vực khác, điển hình là vụ việc xảy ra tại Lạng Sơn. Do mâu thuẫn vợ chồng đã ly hôn mà người vợ kéo đông người về nhà chồng đập phá. Dân làng phẫn nộ dồn đuổi và lật hai chiếc xe taxi chở nhóm người này xuống ruộng khi họ cố thủ trong đó.
Không chỉ là sự manh động tự phát mà có trường hợp có tổ chức hẳn hoi. Đó là việc xảy ra ở Thái Bình, một Chủ tịch (có lẽ gọi là Chủ nhiệm thì đúng hơn) hợp tác xã dịch vụ cung cấp điện cùng một đoàn nhân viên, trong đó có ông Phó Chủ tịch xã dẫn đầu đi thu tiền điện, không nộp thì cưỡng chế cắt điện luôn, mang theo một tuýp sắt giấu trong cặp tài liệu. Dân phát hiện ra và sự manh động này đã làm xuất hiện một sự manh động khác: Dân bắt giữ ông ta cùng “tang vật” để yêu cầu chính quyền giải quyết. Một vụ việc khác, cũng trong phạm vi hợp tác xã xảy ra ở Tiền Giang, các xã viên đã mang ô tô buýt đến bao vây trụ sở Hợp tác xã vận tải xe buýt để đấu tranh với những người điều hành Hợp tác xã này đòi công bằng trong chuyện phân phối “tài” và “lốt”.
Điểm qua những vụ việc vừa mới xảy ra trong một thời gian rất ngắn, ở các địa phương khác nhau và tính chất khác nhau nhưng cùng một hành vi manh động và tự xử để thấy mức độ phổ biến của nó và sự tiềm ẩn mối nguy hại cho xã hội. Đó là những dấu hiệu bất an trong việc bảo đảm an ninh, trật tự và tuân thủ pháp luật.