Mập mờ trong xử lý lấn chiếm vỉa hè tại Cần Thơ

(PLVN) - Khi được hỏi về tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lề đường để phục vụ mục đích kinh doanh, buôn bán thì hầu hết chính quyền các phường, xã đều khẳng định kiên quyết “xử lý nghiêm”. Nhưng có phải hành vi lấn chiếm nào cũng được xử lý đúng quy định?
Một số cửa hàng bày bán tạp hóa trên gần hết vỉa hè tại phường Tân An, quận Ninh Kiều
Một số cửa hàng bày bán tạp hóa trên gần hết vỉa hè tại phường Tân An, quận Ninh Kiều

Dẹp rồi lại mọc

Vỉa hè, lề đường là khu vực thường xuyên bị chiếm dụng phục vụ cho mục đích kinh doanh vì đây là khu vực công cộng, thông thoáng, lại không mất tiền thuê. Cơ quan chức năng luôn phát động các phong trào lập lại trật tự vỉa hè, kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm. Tuy vậy, lấn chiếm vỉa hè đã và đang trở thành “vấn nạn” chưa hồi kết tại một số nơi ở Cần Thơ. Người đi bộ muốn đi thì phải đi xuống lòng đường, biết là nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác.

Anh Nguyễn Thanh Sang (ngụ phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều) cho biết, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lề đường đã trở thành hình ảnh quen thuộc, sáng sớm hay về đêm, chủ các điểm kinh doanh tận dụng để buôn bán.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Nhuần (ngụ phường Tân An, quận Ninh Kiều) bức xúc: “Làm vỉa hè để người dân đi bộ cho an toàn, còn đằng này muốn đi bộ phải xuống lòng đường, lúc nào cũng thấp thỏm lỡ bị xe tông cũng đâu ai đứng ra chịu trách nhiệm”.

Theo quan sát, hiện ở những đoạn đường Ngô Quyền, Phan Đình Phùng… vỉa hè bị trưng dụng để đặt biển hiệu, mái che, trưng bày hàng hóa… Một số đoạn đường khu vực Bến Ninh Kiều được thiết kế dành riêng cho người đi bộ cũng bị chiếm dụng làm bãi giữ xe; lưu lượng xe ra vào đông đúc gây ách tắc, nhất là dịp cuối tuần, lễ. Hay đầu đường Trần Hoàng Na (phường Hưng Lợi) cùng nhiều tuyến phố khác trên địa bàn thành phố vỉa hè đang bị lấn chiếm kinh doanh, buôn bán, người đi bộ, học sinh phải đi ra lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.

Tại Quyết định số 01/2016/QĐ-UBND ngày 01/02/2016 của UBND TP Cần Thơ quy định về việc quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường, bảo vệ mỹ quan và trật tự đô thị trên địa 

bàn thành phố. Theo đó, quy định lòng đường, vỉa hè chỉ sử dụng cho mục đích giao thông, nghiêm cấm hành vi sử dụng để phục vụ cho kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày bán hàng hóa, vật liệu và các chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông. Như vậy, trường hợp vi phạm tùy theo mức độ sẽ xử lý nghiêm.

Người bị phạt, người chỉ “nhắc nhở”

Theo ghi nhận của PV, lực lượng chức năng đến kiểm tra và xử lý vi phạm, thường chỉ xử lý những trường hợp buôn gánh bán bưng, bà con tiểu thương buôn bán rau củ. Còn những cơ sở kinh doanh cố định có hành vi lấn chiếm thì sao? Có những cơ sở kinh doanh bày bán hàng hóa trưng dụng gần hết vỉa hè mà chỉ nhắc nhở chưa một lần bị xử phạt. Có điểm kinh doanh vi phạm cách trụ sở UBND phường chưa đầy 100m.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Thanh Điền, Chủ tịch UBND phường Tân An, quận Ninh Kiều, nói: Lấn chiếm vỉa hè, lập lại trật tự đô thị là nhiệm vụ trọng tâm, xử lý triệt để nếu xảy ra vi phạm. “Khu vực ở phường chủ yếu hoạt động dịch vụ, khách du lịch, tham quan tập trung đông nên kéo theo tình trạng người dân mua bán hàng rong. Đồng thời, ở khu vực chợ Tân An tiểu thương lấn chiếm để bày bán địa phương đã nhắc nhở, xử phạt thậm chí tịch thu hàng hóa nếu tái phạm”, ông Điền thông tin.

PV đặt vấn đề: Có những hộ cố định sử dụng vỉa hè để bày bán hàng hóa, dịch vụ ăn uống thì phường “kiên quyết xử lý” như thế nào? Ông Điền cho rằng, những hộ kinh doanh có địa chỉ cụ thể, sử dụng vỉa hè để đậu xe, buôn bán, bày bàn ghế phục vụ kinh doanh là không đúng. Phường đã nhiều lần tổ chức kiểm tra, nhắc nhở nhưng khi không có lực lượng chức năng thì người dân lại bày bán lại như cũ. Những trường hợp này có xử phạt hay chế tài gì không? “Đã nhiều lần nhắc nhở nhưng xử phạt thì chưa”, ông Điền nói.

Như vậy, cùng là hành vi trưng dụng trái phép vỉa hè như nhau, nhưng “chỗ phạt chỗ không”, điều này dẫn đến sự hoài nghi, tạo sự mập mờ, khó hiểu trong dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền các phường, xã cần siết chặt công tác quản lý, nhằm trả lại chức năng thực sự của vỉa hè để quyền lợi của người dân được đảm bảo, bảo vệ mỹ quan của thành phố.

“Còn chỗ đâu cho người đi bộ”

Tại Kỳ họp thứ 13 khóa IX nhiệm kỳ 2016 – 2021 HĐND TP Cần Thơ vừa qua, ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND TP cho rằng: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lề đường đang xảy ra từ đường phố, khu vực khu dân cư cho đến tận sâu trong các con hẻm mà chưa được xử lý triệt để. Qua đó, đề nghị các cấp ngành chức năng có liên quan đặc biệt lưu ý vấn nạn này. “Chiếm dụng thì còn chỗ đâu cho người đi bộ, phải đi xuống lòng đường như vậy rất nguy hiểm”, ông Hiểu nói.

Đọc thêm