Nguyên nhân của sức tăng trưởng “trong mơ” trên của ngành kính mắt là do dân số Việt Nam đông, tỉ lệ người mắc các tật về khúc xạ (cận, viễn, loạn thị) ngày càng tăng. Theo một khảo sát chưa đầy đủ, 60% học sinh các trường nội thành và 40% học sinh ngoại thành bị cận; người đi ngoài đường cần kính râm; người lớn tuổi cần kính để đọc sách, báo... nên nhu cầu về kính mắt rất lớn.
Tiềm năng bị nghẽn
Sau 3 năm chính thức gia nhập thị trường, đầu tháng 3-2014, tập đoàn sản xuất tròng mắt kính lớn nhất tại Thái Lan - Thai Optical (thương hiệu Excelite)- đã quyết định đầu tư 2 triệu USD để xây nhà máy tại Bình Dương. Bà Huỳnh Thị Mỹ Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Vina-Vista (tên công ty tại Việt Nam), cho biết sau thời gian nghiên cứu, nhận thấy tiềm năng của thị trường rất lớn nên công ty quyết định đầu tư nhà máy. “Ngoài việc cung cấp những sản phẩm kính mắt có sẵn, chúng tôi còn đáp ứng nhu cầu tròng đánh theo những yêu cầu đặc biệt mà trước giờ phải gửi ra nước ngoài thực hiện” - bà Thanh nói.
Bà Ashley Ngô, Chủ tịch Tập đoàn Mắt kính Ánh Rạng (Ar group) - đại diện chính thức cho hơn 60 thương hiệu mắt kính thế giới tại Việt Nam, đánh giá mức tăng trưởng của thị trường mắt kính Việt Nam lên đến 200%-300%/năm, nhiều sản phẩm có giá từ 30-300 triệu đồng vẫn có khách mua. Tuy nhiên, thị trường đang bị “nghẽn cổ chai” do hàng nhái quá nhiều.
Người không có tiền mua đại hàng dỏm rẻ tiền về dùng mà không có cơ hội để thấy hàng thật, người có tiền thì mua hớ hoặc không biết nơi nào tin tưởng đành mua bừa hàng dỏm để đỡ tiếc tiền, nhất là ở phân khúc dưới 2 triệu đồng/sản phẩm.
Chỉ có số ít người tiêu dùng “sành sỏi”, thu nhập khá mới mua được kính hàng hiệu thật. “Hàng nhái, hàng giả có hình thức tương tự hàng thật nhưng chất lượng kém xa, giá đầu vào thấp nên người bán mới có thể đưa ra giá bán gấp 10-20 lần giá gốc, còn kinh doanh kính thật thì tỉ lệ lợi nhuận cũng như những ngành khác thôi!” - bà Ashley Ngô nhận xét.
Trước việc kính giả, kính nhái quá nhiều, nhiều hãng kính trên thế giới đã lên kế hoạch phối hợp với các bên liên quan để dẹp loạn. Tuy nhiên, một số hãng đã dừng do hiệu quả thấp nên kiểm soát bằng việc buộc nhà phân phối không được bán hàng đến các cửa hàng có hàng giả.
Hàng hiệu không hẳn phải giá cao
Hiện nay, hầu hết các sản phẩm kính mắt tại Việt Nam đều là hàng nhập khẩu. Với hàng chính ngạch, sản phẩm ra thị trường đều có tem chống giả, thông tin nhà nhập khẩu và giá bán lẻ cũng được niêm yết.
Tuy nhiên, qua khảo sát tại một số cửa hàng bán lẻ giá sỉ như A.C, Đ.B.P, G.S thì kính trưng bày chỉ có tem ghi chính cửa hàng là nơi phân phối mà không có thông tin về nhà nhập khẩu, một số ghi giá bằng bút bi. Tại cửa hàng A.C trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP HCM), để khẳng định kính Gucci giá 650.000 đồng là hàng thật, nhân viên cửa hàng nói “đừng nghĩ hàng hiệu là phải tiền triệu, hàng hiệu cũng có nhiều loại, ở đây em bán hàng loại 2!”.
Theo nhiều người kinh doanh lâu năm, ngành mắt kính truyền thống tại TP HCM chủ yếu kinh doanh theo kiểu cha truyền con nối với quy mô nhỏ, bán hàng chính hãng. Mấy năm gần đây, sự xuất hiện rầm rộ nhiều cửa hàng mắt kính thường xuyên treo khuyến mãi “khủng” khiến thị trường trở nên náo loạn. Những cửa hàng này thuộc một nhóm đầu tư từ phía Bắc trước đây chuyên bỏ sỉ nay chuyển sang bán lẻ và xây dựng thành hệ thống chuỗi cửa hàng khá quy mô.
Phụ trách bán hàng của một công ty mắt kính lớn cho biết nhiều khi vào khảo sát cửa hàng với hàng ngàn sản phẩm đang trưng bày nhưng không tìm thấy một sản phẩm kính thật. Trước đây, người viết cũng từng theo cơ quan quản lý thị trường kiểm tra một số cửa hàng mắt kính hoành tráng ở TP HCM nhưng tất cả đều không có hóa đơn chứng từ đầu vào nên bị tịch thu toàn bộ.
Bác sĩ Nguyễn Phú Thiện, Chủ tịch Hội Mắt kính TP HCM, đặt vấn đề: Thị trường mắt kính hiện nay rất phức tạp, nhiều cửa hàng treo bảng khuyến mãi lớn, giảm giá 30% - 50% liên tục nhưng tại sao có những cửa hàng chẳng khi nào treo khuyến mãi?.
“Nếu bán hàng chính hãng thì giá bán lẻ đã ghi trên tem rất rõ nên chỉ có thể giảm giá chút đỉnh cho khách quen chứ không thể giảm giá sâu như vậy được vì biên độ lợi nhuận không tới mức đó” - bác sĩ Thiện phân tích.
Theo bà Ashley Ngô, sự thật không phải mắt kính tốt là giá cao, người bình dân không mua nổi bởi các hãng sản xuất trên thế giới có rất nhiều phân khúc cho người tiêu dùng. Hiện Ar group bán sỉ nhiều loại mắt kính với giá dưới 200.000 đồng (giá niêm yết bán lẻ), trong khi chưa có nhà đầu tư nào chuyên kinh doanh hàng chính hãng 100% ở phân khúc này để phục vụ người tiêu dùng./.