“Vác tù và” năm 70 tuổi
Đến xã Vân Từ (Phú Xuyên, Hà Nội) hỏi thăm nhà ông Hà Xuân Định, chẳng mấy ai không biết. Chúng tôi tìm đến thôn Thượng vào một ngày trời mưa dầm dề. Trong căn nhà cấp 4 với bức tường vôi bong tróc, ông Định ngồi tựa lưng góc giường, tỷ tê hát ru đứa cháu nội thứ tám. Ở cái ngưỡng tuổi 84, phần lớn những “đồng niên” của ông Định đều trong cảnh quay quắt, ốm đau hoặc cũng có khi đã tàn cảnh xế chiều. Ấy vậy mà, cả chục năm nay ông Định chẳng tốn đồng tiền thuốc nào.
Chưa hết, nếu ví sức khỏe đáng quý tựa vàng thì gia cảnh ông Định cũng đề huề nhất nhì Vân Từ. Từ ông cho đến vợ cùng bốn người con trai, tám đứa cháu ai nấy đều “thân vô bệnh tật”. Chuyện này chẳng riêng bản thân ông Định mừng trong lòng mà bất cứ ai khi biết chuyện đều gật gù mừng cho phúc phận. “Có lẽ ông trời thương tôi tích phúc, tích đức nên cho hưởng trọn cảnh ấm êm bên con cháu. Tôi chẳng giàu có gì nhưng được cái phúc đức, sức khỏe như vậy là mãn nguyện lắm rồi” – ông Định cười xòa khi tôi nắm chặt đôi bàn tay ông.
84 tuổi nhưng hàng ngày ông Định vẫn cần mẫn với hành trình ''gom, nhặt'' trẻ khuyết tật. |
Nghe kể, tuổi thơ ông Định cơ cực lắm, chưa đầy 10 tuổi đã chịu cảnh mồ côi cha. Người mẹ tần tảo một thân nuôi ông khôn lớn, chịu cảnh ăn nhờ ở đậu, đói rách triền miên. Có lẽ vì thế nên cái tâm “không chịu được khi phải thấy người khác gánh chịu những nhọc nhằn, cơ hàn của số phận” đã tồn tại, nhen nhóm từ những tháng năm khốn khó.
Cơ duyên làm việc thiện, để ông Định phải thốt lên “sống chẳng thấy uổng kiếp” là vào khoảng năm 2000, khi một tổ chức từ thiện phi chính phủ của Mỹ là Mary Knool đến Việt Nam. Tổ chức này cam kết tài trợ cho Hợp tác xã (HTX) sơn khảm Ngọ Hạ (thuộc xã Chuyên Mỹ) đào tạo nghề miễn phí cho trẻ khuyết tật.
Mừng như bắt được vàng, gần như ngay lập tức ông Định tìm đến xin làm tình nguyện viên tìm kiếm, thu gom và hướng dẫn trẻ tật nguyền đến HTX. Cái nghiệp “vác tù và” đã tìm đến với ông Định chân chất và mộc mạc như vậy.
Nghèo tiền, nghèo bạc đừng lo…
Công việc tìm kiếm, thu gom và hướng dẫn trẻ khuyết tật đến cơ sở học nghề mà ông Định làm suốt hơn 10 năm nay, nghe qua tưởng chừng đơn giản nhưng kỳ thực nó chẳng phải dễ. Những ngày đầu khi mới bắt đầu đi “tìm trẻ” thì chuyện cơm đường, cháo chợ suốt cả tuần lễ với ông Định là bình thường. Con cái lo lắng khi ông tuổi cao lại một thân một mình bươn bả, chẳng may có chuyện gì bất trắc xảy ra thì sao có thể ứng cứu kịp. Thế nên, những người thân kiên quyết ngăn không cho ông ra đường.
Lúc ấy ông Định chỉ cười xòa rồi chìa đống giấy tờ tùy thân trong chiếc túi nhỏ ra nói: “Tôi có làm sao, người ta nhìn vào giấy tờ này là có thể biết tôi là ai, ở đâu đến, họ cũng biết công việc tôi đang làm là gì. Hơn nữa, mình làm việc nhân đức thì làm gì phải lo. Tôi tuổi đã cao, sống chẳng được bao lâu nữa, chi bằng hãy để tôi sống nốt những ngày tháng có ý nghĩa”.
Nơi ông Định đi qua, may mắn gặp những người hiểu chuyện thì họ tận lòng góp sức, chỉ đường. Nhưng cũng có nhiều người không tin, họ nghi ngờ ông lão có mục đích mờ ám nên khi ông nhờ chỉ đường đến nơi có trẻ khuyết tật thì họ chối bay chối biến rồi dẫn đi loạn xạ. Chẳng những vậy, người ta còn đồn thổi ông là gàn, là dở khi mà ở cái tuổi “gần đất xa trời” lại đi làm cái việc “chẳng đâu vào đâu”.
Những chuyến đi như thế khiến ông Định thoáng có chút ấm ức trong lòng. Thế nhưng, ngẫm ra lẽ đời là vậy, ông lại từ tốn giải thích cái công việc mình đang làm cho họ hiểu. “Một lần tôi đi tìm kiếm trẻ ở mạn Chương Mỹ, có người nghĩ tôi có ý đồ xấu muốn bắt cóc trẻ con nên họ kiên quyết không giúp đỡ. Trời lúc ấy đã không còn sớm, lại mưa gió nên tôi đành tìm mấy cái đình, miếu hoang ngả lưng qua đêm để hôm sau đi sớm.” – ông Định kể lại những ngày đầu gian nan.
Rong ruổi cùng chiếc xe đạp cũ đi khắp các tỉnh, thành phía Bắc, giờ đây địa bàn được ông Định giúp đỡ đã trải rộng đến tận dải đất Thanh Hóa, Cao Bằng. Tay lần giở lại những đoạn phim, cuộn băng ghi lại hình ảnh hàng chục trẻ tật nguyền đang mải mê làm việc, ông Định cặn kẽ chỉ cho chúng tôi kỷ niệm gắn với từng đứa trẻ ông cố công tìm kiếm, “lột xác” đổi đời.
Trong số hàng trăm, hàng ngàn đứa trẻ được ông Định “tha” về HTX, đọng lại trong ký ức có một cô bé tên Phan Thị Út. Ông Định kể rằng, tình cờ bắt gặp Út trong một dịp đến Thanh Mai (thuộc huyện Thanh Oai, Hà Nội). Ngày hôm ấy trời nắng chói chang, ông Định đang mải miết dắt chiếc xe đạp trên đường thì bị chú ý bởi lời gọi tha thiết của cô bé chủ quán nước. Thế rồi càng lạ hơn khi cô bé bán nước này sau khi đon đả mời lại xin ông… tự rót nước để uống. Ông Định lấy làm lạ rồi hỏi ra mới biết cô bé bị liệt.
Qua câu chuyện bên lề, cô bé biết được công việc ông Định đang làm nên năn nỉ đòi theo. Nở nụ cười hiền, ông Định nói: “Đứa bé ấy hiện giờ đã thành một bà chủ khảm trai có tiếng ở Thanh Mai đấy. Mừng hơn nữa là Út nó cũng đã có gia đình riêng, còn tạo nhiều công ăn, việc làm cho người đồng cảnh nữa”.
Mạch câu chuyện về những mảnh đời khiếm khuyết như kéo dài bất tận với cậu bé Thắng (Hòa Bình), Phạm Văn Phách (Phú Xuyên), Nguyễn Như Hà (Đại Xuyên)… Họ đều có những hoàn cảnh kém may mà ông Định đi khắp nơi gom, nhặt về HTX. Để rồi chính từ nơi đó họ đổi đời, không còn là gánh nặng của xã hội.
Nhìn quanh ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng, chẳng có vật dụng gì đáng giá, tôi hỏi ông rằng, sau bấy nhiêu năm đi làm phúc cho thiên hạ, ông chẳng để ra cho bản thân được ít của cải nào phòng giữ khi trái gió trở trời? Cười xuề xòa, át đi câu hỏi ngô nghê đó, ông Định nói với tôi về cái triết lý mà cả đời ông tin theo là “nghèo tiền, nghèo bạc đừng lo…”.
Cũng gần trọn cuộc đời, nhiều lúc vẩn vơ một mình ông Định buông thõng tâm trí suy nghĩ về cuộc đời. Con người sống thật ngắn ngủi, tiền bạc, công danh, địa vị khi chết đi chẳng ai mang theo được.
“Gia đình, con cái nhiều lúc chúng thương mình già cả, ngăn không cho đi tìm trẻ nữa nhưng tôi quyết ý rằng như thế tôi sẽ bỏ đi để ở với các cháu. Công việc này tôi vẫn sẽ tiếp tục làm đến khi nào nhắm mắt xuôi tay…” – ông Hà Xuân Định quả quyết./.