Mất việc vì Cty xã hội hóa bộ phận nhà ăn: Quyết định có hợp lý, hợp tình?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Từ một lao động được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ, bà Đinh Thị Miến bị chấm dứt hợp đồng lao động khi Cty thực hiện việc xã hội hóa bộ phận nhà ăn. Việc xã hội hóa bộ phận nhà ăn có thể coi là “thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động” như quy định của pháp luật lao động?

Kiện vì bị mất việc

Ngày 29/9/2003, bà Đinh Thị Miến (SN 1979) được tuyển dụng vào làm việc tại BQL Dự án Nhà máy Nhiệt điện Na Dương (nay là Cty Nhiệt điện Na Dương - TKV) theo Quyết định 414/QĐ-TCNS của Giám đốc BQL, thời gian từ 1/10/2003. Trong quá trình làm việc, bà Miến cho rằng luôn chấp hành tốt kỷ luật lao động, thực hiện nghiêm túc các quy định của Cty, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ do Cty phân công như: Năm 2003, hoàn thành lớp công nhân hóa phân tích tại Cao đẳng Hóa chất; năm 2004 hoàn thành lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kho tàng do TCty Than tổ chức; năm 2013 hoàn thành chương trình đào tạo kế toán và được ĐH Sao Đỏ cấp bằng cử nhân kế toán.

Ngày 1/1/2006, Cty ký lại hợp đồng lao động (HĐLĐ) với bà Miến, loại hợp đồng không thời hạn. Ngày 18/5/2017, Cty ký HĐLĐ không xác định thời hạn từ 1/6/2017, chức danh nghề, công việc: Nhân viên – Phòng hành chính quản trị; công việc phải làm: Kế toán nhà ăn.

Ngày 9/9/2020, Giám đốc Nhiệt điện Na Dương TKV ra Quyết định 1596/QĐ-NĐND chấm dứt HĐLĐ với bà Miến kể từ 16/9/2020 với lý do Cty thực hiện phương án thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động.

Bà Miến cho rằng Quyết định 1596 là trái pháp luật, xâm hại trực tiếp quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động (NLĐ) nên khởi kiện yêu cầu hủy bỏ Quyết định 1596, đòi Cty nhận bà trở lại làm việc theo HĐLĐ đã ký và bồi thường các khoản trợ cấp mất việc làm, tiền bảo hiểm y tế, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bồi thường tổn thất tinh thần các khoản tạm tính đến ngày xét xử 24/9/2021 là hơn 118 triệu đồng.

Lý do bà đưa ra là Cty có xã hội hóa bộ phận nhà ăn nhưng chỉ với lao động giản đơn như người nấu ăn và những người không có trình độ, còn bà có bằng kế toán nên không thuộc trường hợp trên.

Nhiệt điện Na Dương thì cho rằng Cty đã tuân thủ các quy định pháp luật trong chấm dứt HĐLĐ với bà Miến. Cty không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Miến.

Bản án sơ thẩm 01/2021/LĐ-ST ngày 27/9/2021 của TAND huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) tuyên không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Miến.

Luật sư Trâm và bà Đinh Thị Miến tại phiên tòa sơ thẩm

Luật sư Trâm và bà Đinh Thị Miến tại phiên tòa sơ thẩm

Cấp sơ thẩm áp dụng pháp luật đúng hay không?

LS Trần Thị Trâm (Cty Luật TNHH Hà Nội Sài Gòn Dragon) cho rằng, việc áp dụng pháp luật của cấp sơ thẩm là không đúng luật.

Cụ thể, Quyết định 1596/QĐ-NĐND của Nhiệt điện Na Dương để chấm dứt HĐLĐ với bà Miến vì lý do thực hiện thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động. Tuy nhiên, khi xem xét toàn diện các văn bản quy định về cơ cấu tổ chức của Cty, gồm: Quyết định 172/2003/QĐ-BCN ngày 24/10/2003 của Bộ Công nghiệp về việc thành lập Cty Nhiệt điện Na Dương – DNNN hạch toán phụ thuộc TCty Than Việt Nam; Điều lệ tổ chức hoạt động của Nhiệt điện Na Dương (ban hành kèm theo Quyết định 126/QĐ-ĐLTKV của HĐQT TCty Điện TKV – CTCP); Quyết định 311/QĐ-NĐND ngày 26/2/2019 của Giám đốc Nhiệt điện Na Dương về việc ban hành Phương án sử dụng lao động trong Cty. So sánh giữa Quyết định 311/QĐ-NĐND với Quyết định 126/QĐ-ĐLTKV thì cơ cấu tổ chức của Cty không có gì thay đổi.

Theo LS Trâm, khoản 1 Điều 44 Bộ luật Lao động 2012 (BLLĐ) và khoản 1 Điều 13 Nghị định 05/2015/NĐ-CP thì một trong những trường hợp “Thay đổi cơ cấu, công nghệ tại khoản 1 Điều 44” là “Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động”. Đây là 2 yêu cầu gắn bó mật thiết với nhau và chỉ khi 2 yêu cầu này được tiến hành đồng thời thì mới xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo Điều 46 BLLĐ. Nội dung này tiếp tục được khẳng định tại Điều 42 BLLĐ 2019. Tuy nhiên, mặc dù “cơ cấu tổ chức” của Cty không có gì thay đổi, nhưng Cty vẫn tổ chức lại lao động, vẫn ban hành phương án sử dụng lao động là trái với khoản 1 Điều 44, Điều 46 BLLĐ và khoản 1 Điều 13 Nghị định 05/2015/NĐ-CP. Cấp sơ thẩm chưa phân tích và chỉ ra được sự trái pháp luật này.

Bên cạnh đó, trong các bản HĐLĐ giữa bà Miến và Cty, vị trí việc làm của bà Miến là nhân viên hành chính quản trị. Tuy nhiên, trong thời gian dài, bà Miến bị Cty phân công làm nhiệm vụ khác (còn gọi là tạm thời chuyển NLĐ làm việc khác) như nhổ cỏ, làm vệ sinh…, mặc dù không có sự đồng ý của bà Miến bằng văn bản. Việc làm này của Công ty là trái với quy định tại Điều 8 Nghị định 05/2015/NĐ-CP.

Đặc biệt, về lý do Cty chấm dứt HĐLĐ với bà Miến là xã hội hóa nhà ăn, theo LS Trâm, việc ra quyết định chấm dứt HĐLĐ của Công ty là không đúng bản chất, yêu cầu xã hội hóa, quá trình xét xử không chỉ rõ điều này. Theo đó, căn cứ các chính sách của Đảng và Nhà nước, việc xã hội hóa một số hoạt động của Cty theo chỉ đạo của Tập đoàn, của TCty (Nghị quyết 34/2017/NQ-HĐTV của Hội đồng thành viên; Công văn 4877/TKV-TCNS ngày 18/10/2017 của TKDV) là đúng chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu DNNN. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, ngoài việc “… Nhà cung cấp phải nhận lại nguyên trạng số lao động đang làm công việc nấu ăn, cấp dưỡng cho đơn vị, sau 1 năm được phép cơ cấu lại…” thì điểm cốt lõi là phải vận động, thuyết phục để NLĐ tự nguyện chấp hành; trường hợp NLĐ không tự nguyện thì phải áp dụng giải pháp khác phù hợp, không thể cưỡng ép NLĐ thôi việc.

Từ các lý do trên, LS Trâm cho rằng việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ của Cty Na Dương là không đúng các Điều 37, Điều 38, Điều 39 BLLĐ 2012. Theo Điều 41 BLLĐ thì đây là “Đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật”. Việc áp dụng pháp luật của cấp sơ thẩm là không đúng Điều 37, Điều 38, Điều 39, Điều 41, Điều 44 và Điều 46 BLLĐ. Vì vậy, cần hủy bỏ Quyết định 1596/QĐ-NĐND và yêu cầu Nhiệt điện Na Dương nhận bà Miến trở lại làm việc theo HĐLĐ đã giao kết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.

Đọc thêm