Mâu thuẫn đang xảy ra trong tổ chức hoạt động của Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh?

(PLO) -Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) là một tổ chức quần chúng tự nguyện, có hơn 12 năm hoạt động, đã góp phần thúc đẩy thị trường Bất động sản (BĐS) Thành phố phát triển năng động, lành mạnh. HoREA có 48 Ủy viên Ban chấp hành (BCH), nhưng có đến 19 vị Phó Chủ tịch, đứng đầu là Chủ tịch Lê Hoàng Châu. Tuy nhiên thời gian qua đã phát sinh một số vấn đề về tổ chức hoạt động, xuất hiện quan điểm trái chiều, làm cho mâu thuẫn nội bộ bắt đầu xảy ra.
 

TS. Đỗ Thị Loan - Phó Chủ tịch HoREA cho biết: "Rất đắn đo và suy nghĩ khi viết thư trao đổi lại với Chủ tịch Lê Hoàng Châu. Quan điểm của bà là góp ý chân thành nhằm xây dựng HoREA đi đúng theo tôn chỉ, mục đích trong Điều lệ và Quy chế tổ chức hoạt động."

Theo trình bày của bà Đỗ Thị Loan, ngày 30/11/2017, ngay sau buổi Tọa đàm “Thị trường BĐS: Đạo đức kinh doanh và Trách nhiệm xã hội” do HoREA tổ chức vào ngày 29/11/2017, ông Lê Hoàng Châu có thư gửi cho bà và các thành viên trong BCH. Trong thư, với tư cách là Chủ tịch HoREA, ông Châu nêu ra năm vấn đề mà bà Loan có ý kiến tại buổi Tọa đàm. Đó là cuộc họp BCH bàn về tổ chức tọa đàm, đề nghị hội viên tham gia tài trợ bằng tiền mặt 15 tỷ đồng giúp xây dựng giai đoạn 2 Trường THPT Mù Cang Chải – Phân hiệu Púng Luông (tỉnh Yên Bái), tổ chức giải tennis; ý kiến về chăm lo đời sống cán bộ công nhân viên hiệp hội, lo văn phòng chưa xong mà lo huy động tiền tài trợ; cuối cùng là đề nghị bà Loan giải quyết yêu cầu của khách hàng mua 3 căn hộ The Park Residence khi bà Loan còn làm Tổng Giám đốc của công ty có dự án này.

Trong thư phúc đáp ngày 14/12/2017 gửi ông Lê Hoàng Châu, bà Đỗ Thị Loan khẳng định: Theo điểm c, khoản 3, Điều 14, Quyết định số 2211/QĐ-UBND của UBND TP.HCM ngày 9/5/2017 về phê duyệt Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) HoREA và Mục 2 Quy chế hoạt động nội bộ của HoREA (Ban hành kèm theo QĐ số 55/QĐ- HoREA ngày 30/5/2017) quy định về Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của BCH HoREA: “Các cuộc họp BCH là hợp lệ khi có trên ½ Ủy viên BCH tham gia dự họp”. Vì thế, kết quả cuộc họp ngày 22/11/2017 của BCH HoREA là không hợp lệ, chưa nhận được sự đồng ý và nhất trí của đa số thành viên BCH, không tuân thủ theo quy định của Điều lệ và Quy chế hoạt động của Hiệp hội khi thành phần tham dự chỉ có 13/48  Ủy viên BCH (chưa đạt tỉ lệ trên ½).

Đặc biệt, cuộc họp ngày 22/11/2017 đã biểu quyết thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc HoREA sẽ tổ chức Tọa đàm “Thị trường BĐS: Đạo đức kinh doanh và Trách nhiệm xã hội” vào ngày 29/11/2017. Đây là một hoạt động rất hay và ý nghĩa đối với công tác quản lý, phát triển thị trường BĐS theo hướng minh bạch, lành mạnh, ổn định và bền vững. Lẽ ra, Tọa đàm phải được trưng cầu ý kiến của tất cả thành viên BCH để có những đóng góp xây dựng dự thảo đề cương tổ chức Tọa đàm chuyên nghiệp, hiệu quả. Tuy nhiên, ngày 22/11/2017 thông báo, chỉ 2 ngày sau (tức ngày 24/11/2017) gửi Thư mời dự Tọa đàm, trong khi 35/48 thành viên trong BCH không tham dự cuộc họp ngày 22/11/2017 không hề hay biết!

Chủ đề tọa đàm: “Thị trường BĐS: Đạo đức kinh doanh và Trách nhiệm xã hội” cốt lõi là để phối hợp nghiên cứu, xây dựng Bộ tiêu chuẩn về “Đạo đức kinh doanh và Trách nhiệm xã hội” dành cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực BĐS và liên quan đến BĐS. Tuy nhiên, đáng buồn là Tọa đàm lại không thực hiện được như mục đích, tôn chỉ đã đặt ra, không dành thời gian để chỉ ra được doanh nghiệp, hội viên nào làm ăn không chân chính, vi phạm pháp luật, bán chênh, giao nhà không đúng tiến độ, không đảm bảo chất lượng như đã cam kết, hành vi giả mạo chủ đầu tư, thủ đoạn gian lận khách hàng,… Bà Loan đặt vấn đề phải chăng phần lớn thời gian Tọa đàm là tập trung phê phán, “công kích” Công ty CP Địa ốc Alibaba?

Vào năm 2013, trước tình hình khó khăn về kinh phí hoạt động của Văn phòng HoREA, TS. Nguyễn Thị Hồng Nguyệt - Chủ tịch Cty TNHH MTV Phụ sản Mêkông đã đồng ý tài trợ cho HoREA số tiền là 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong thư ngày 6/12/2017 gửi cho bà Loan, Chủ tịch Lê Hoàng Châu lại khẳng định “TS. Đỗ Thị Loan đã nhờ tôi (ông Lê Hoàng Châu) hỗ trợ cho TS. Nguyễn Thị Hồng Nguyệt để giải quyết thành công việc riêng”. Lời khẳng định này của ông Châu không khớp bản chất của vấn đề, dễ khiến người ngoài cuộc hiểu sai lệch về mục đích số tiền mà TS. Nguyễn Thị Hồng Nguyệt đã tài trợ. Theo bà Loan, TS. Nguyễn Thị Hồng Nguyệt đã tài trợ 1 tỷ đồng cho HoREA vì công việc chung của Hiệp hội chứ không phải vì lý do việc riêng như ông Châu đã đề cập!

Trước đó năm 2013, Chủ tịch Lê Hoàng Châu đã có kiến nghị lên Trung ương nội dung về việc đánh thuế người gửi tiết kiệm 500 triệu đồng trở lên, gây nhiều ý kiến trái chiều trong BCH, hội viên và các nhà quản lý, các chuyên gia và đặc biệt là tạo ra luồng dư luận hết sức bức xúc của người dân.

Ngoài ra, về nguyên tắc, nội dung biên bản các cuộc họp, hội thảo, hội nghị, tọa đàm phải gửi công khai cho BCH Hiệp hội biết để nắm rõ. Cùng với đó, HoREA phải báo cáo cho Sở Xây dựng TP.HCM để theo dõi, quản lí các hoạt động của Hiệp hội. Tuy nhiên, cho đến nay, với tư cách là Phó Chủ tịch HoREA nhưng TS. Đỗ Thị Loan vẫn chưa nhận được bất kỳ biên bản nào từ cuộc họp ngày 22/11/2017 và Tọa đàm ngày 29/11/2017 (dù đã nhiều lần yêu cầu).

Ngày 14/12/2017, bà Đỗ Thị Loan cũng có Thư gửi Thành ủy TP.HCM, UBND TP.HCM cùng các sở ban ngành trực thuộc để trình bày những bất cập đang xảy ra ở HoREA, với mong muốn vào sự công tâm, khách quan, dân chủ, minh bạch để tháo gỡ những tồn đọng trong nhiều năm qua của HoREA, nhằm giúp tổ chức này hoạt động ổn định, phát triển mạnh và đúng với tôn chỉ, mục đích.

Đọc thêm