Mẹ già còng lưng nuôi con trai thiểu năng ở bản vùng sâu

(PLO) - Gần 50 năm nay, người mẹ già Mò Thị Đéng (76 tuổi) ở xóm Nà Tềnh, xã Cần Nông, huyện Thông Nông (Cao Bằng) phải một mình vất vả nuôi đứa con trai bị bệnh thiểu năng trí tuệ, điên dại đã ngoài tuổi ngũ tuần. Đáng lẽ ra cái tuổi của cụ Đéng bây giờ thì đã nghỉ dưỡng tuổi già từ lâu nhưng số phận khổ cực đã đeo đẳng cụ cho đến những năm tháng cuối đời khi nuôi đứa con ngây dại, không có khả năng lao động là Hoàng Văn Chảng (sinh năm 1976). 
Hai mẹ con bà Đéng sống lay lắt dựa vào nhau trong ngôi nhà tăm tối, ẩm thấp.
Hai mẹ con bà Đéng sống lay lắt dựa vào nhau trong ngôi nhà tăm tối, ẩm thấp.

Trong căn nhà ẩm thấp, nhỏ hẹp nằm ngay chân dốc ở xóm Nà Tềnh, xã Cần Nông, huyện Thông Nông (Cao Bằng) cụ bà Mò Thị Đéng đang lọ mọ nhóm bếp để nấu bữa cơm trưa đạm bạc. Tất cả mọi việc đều đến tay bà bởi vì đứa con trai ruột ở cùng lúc nào cũng đi lang thang khắp xóm làng, đến lúc đói bụng mới biết tìm về nhà. Ông Chảng đến nay đã được 51 tuổi, tuy nhiên mọi hành động, cư xử vẫn như một đứa trẻ nhỏ bởi sinh ra ông đã bị bệnh thiểu năng trí tuệ. Thế nhưng, người khổ sở nhất lại là cụ Đéng khi một mình mưu sinh để chăm nuôi đứa con ngây dại ở những năm tháng cuối đời.

Cụ Đéng ngân ngấn nước mắt kể: “Tôi sinh được 3 người con, hai trai và một đứa con gái út. Chẳng may thằng Chảng là đứa thứ hai mắc bệnh về trí não, không được khôn ngoan, khỏe mạnh như anh như em. Thằng con trai trưởng thì đã lấy vợ ra ở riêng, còn đứa con gái út cũng đã lấy chồng xa nên ngoài tôi ra không có ai chăm sóc cho thằng Chảng cả. Ông nhà tôi mất lâu rồi, trong nhà giờ chỉ có hai mẹ con. Nay tôi đã gần 80 tuổi đến nơi rồi, sức khỏe già yếu không lao động nhiều được nữa. Sống nghèo khổ, vất vả đôi khi không còn muốn sống tiếp nữa, nhưng nhìn vào thằng Chảng lại thấy thương nó lắm. Khi tôi mất nó sẽ sống ra sao, ai sẽ chăm lo cho nó? Nghĩ vậy tôi chẳng dám chết nữa. Nhưng rồi cũng sẽ đến ngày đó. Có ai tránh được đâu”. 

Giọng cụ Đéng bỗng ngưng lại, có lẽ bà đang cố nén nỗi đau. Một lúc sau bà mới nói tiếp: “Những lúc bình thường thì nó hiền lắm, chỉ khổ là thỉnh thoảng nó lại lên cơn điên điên dại dại gào thét ầm ĩ, chạy khắp nơi mấy hôm không về, làng xóm phải mất công tìm kiếm nó về. Nhờ mãi mình cũng thấy ngại, người ta cũng thấy phiền nên nhiều khi tự mình đi tìm, vừa đi vừa gọi to “Chảng ơi, Chảng ơi”. Nhiều khi thấy bực mình lắm vì có lần tìm cả ngày không thấy quay về lại thấy xuất hiện ở trong nhà rồi, nhưng cũng có nhiều lần tìm cả mấy ngày mới thấy. Khổ lắm, nhưng biết làm sao được. 

Ngay từ khi lọt lòng mẹ, tôi đã thấy Chảng có nhiều điểm khác so với các cháu cùng trang lứa. Cháu rất hay ốm, sốt và giật. Khi lên 3 tuổi, nó đã không được khôn như  những đứa trẻ bình thường, khuôn mặt cứ ngu ngơ khờ dại. Khi lớn lên rồi cũng không dám tiếp xúc với người lạ, chỉ quanh quẩn ở nhà để tôi chăm sóc, nuôi nấng đến giờ. Những năm nay, thằng Chảng nó lại hay đi lang thang khắp nơi làm tôi cứ lo lắng, phiền muộn nên hàng ngày tôi vừa làm việc vừa trông chừng nó đi ra ngoài”.

Như bao người khác, bà Đéng cũng có một gia đình với một người chồng và 3 đứa con. Tuy nhiên, người chồng của bà đã mất cách đây lâu năm, đứa con gái út lại lấy chồng xa, còn người con trai cả đã có gia đình và sống cạnh nhà nhưng lại bỏ mặc bà và em trai điên dại bơ vơ, mưu sinh. Gánh nặng chăm lo “đứa trẻ to xác” đè hết lên đôi vai bé nhỏ, già nua của bà. Một mình “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” với đồng ruộng, nương rẫy suốt ngày. Đấy là lúc bà Đéng vẫn còn sức để lao động, còn những năm nay do tuổi cao già yếu, nay ốm mai đau, bà cũng không đi làm được nhiều nữa, chỉ trông chờ vào khoản trợ cấp ít ỏi của Nhà nước để dè xẻn chi tiêu mà vẫn không thiếu thốn bữa no bữa đói.

Anh Triệu Văn Dắt, Trưởng xóm Nà Tềnh, xã Cần Nông cho biết: “Gia đình bà Đéng là hộ nghèo, thuộc hoàn cảnh đặc biệt vì một mình nuôi con bị thiểu năng trí tuệ, lại hay đau ốm bệnh tật. Những năm qua, chính quyền địa phương, bà con hàng xóm cũng đã hết sức cố gắng, hàng xóm cũng cố gắng giúp đỡ, cưu mang hoàn cảnh đáng thương của bà Đéng.Tuy nhiên, sự giúp đỡ cũng chỉ đỡ đần phần nào. Vì vậy chúng tôi thiết tha mong sự giúp đỡ nhiều hơn từ các tấm lòng hảo tâm, xã hội để giúp mẹ con bà Đéng có cuộc sống ổn định hơn, nhất là lúc bà đã tuổi già xế bóng”.

Đọc thêm