Miễn phí trông giữ xe tại Bệnh viện công ở Đà Nẵng: Vì sao một chính sách nhân văn đang gây tranh cãi?

(PLO) - 3 năm liền, kế hoạch xem xét thông qua Nghị quyết về việc “chỉ hỗ trợ miễn phí giữ xe cho các đối tượng chính sách, diện hộ nghèo… khi khám chữa bệnh tại các bệnh viện (BV) công” thường xuyên được HĐND TP Đà Nẵng đưa bàn luận. Tại Kỳ họp HĐND cuối năm khóa IX, kế hoạch trên tiếp tục có nhiều ý kiến trái chiều và cuối cùng thì Nghị quyết đã không được đưa ra biểu quyết.
Hình ảnh giữ xe tại một số bệnh viện
Hình ảnh giữ xe tại một số bệnh viện

Không giữ xe miễn phí vì bất cập?

Xuất phát từ ý tưởng của cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh nhằm hỗ trợ cho người dân nghèo trong quá trình đi điều trị, khám chữa bệnh, từ năm 2011, TP Đà Nẵng đã thực hiện chính sách miễn phí giữ xe đạp, xe máy tại các BV công (kể cả BV trung ương) đóng trên địa bàn thành phố. Từ năm 2011-2017, ngân sách TP Đà Nẵng đã chi hơn 32 tỷ đồng (trung bình 4 tỷ/năm) để thực hiện chính sách này (trong đó: 10 cơ sở y tế công lập thuộc TP quản lý là gần 26 tỉ đồng; 5 bệnh viện thuộc trung ương quản lý hơn 6,5 tỉ đồng).

 Tuy nhiên, khi Luật Phí và Lệ phí số 97/2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017, nhiệm vụ chi ngân sách địa phương không có nội dung chi trợ giá giữ xe đạp, xe máy nên chính sách trên buộc phải đưa ra xem xét, điều chỉnh. 

Ngoài việc góp phần giảm chi phí và hỗ trợ cho người dân đến thăm, khám và điều trị tại các BV thì trong quá trình thực hiện, Đà Nẵng cũng nhận thấy chính sách trên có một số bất cập. 

Ông Trần Thiệt - Tổ trưởng tổ giữ xe BV Đà Nẵng thông tin, trong thời gian qua, lợi dụng chính sách nhân văn của thành phố, nhiều người dân, học sinh, sinh viên, người lao động đã tận dụng bãi giữ xe của BV Đà Nẵng để cất giữ hoặc để xe của mình. Điều đó vô tình gây khó khăn cho những người có nhu cầu thực sự khi đến khám chữa bệnh tại các BV. 

Theo ông Thiệt, sức chứa cùng lúc của bãi giữ xe BV Đà Nẵng khoảng 1.000 chiếc. Nhưng qua thống kê thường xuyên, có hàng trăm chiếc xe máy “nằm chết” tại bãi giữ xe. Đa số những chiếc xe này có thời gian “lưu trú” tại bãi liên tục nhiều ngày, thậm chí 3-6 tháng liền. Không riêng gì bãi giữ xe của BV Đà Nẵng, các bãi giữ xe khác của BV công lập trên địa bàn thành phố cũng rơi vào trường hợp tương tự.

Một thực tế lâu nay được nhiều người phản ánh là, hạ tầng hầu hết các bãi giữ xe tại BV công rất nhếch nhác, diện tích mái che hạn chế, không được sửa chữa, nâng cấp do kinh phí phân bổ có hạn. Anh Võ Anh Vũ, nhân viên giữ xe tại BV Sản- Nhi Đà Nẵng cho biết, tại bãi giữ xe của BV có lúc sức chứa khoảng 2.000 chiếc xe nhưng số xe có thể để được trong mái che chỉ khoảng 600 chiếc.

Nhiều kỳ họp HĐND vẫn chưa quyết được!

Với những lý do trên, liên tục các kỳ họp HĐND TP năm 2015, 2016, 2017, vấn đề này  được đại biểu đưa ra thảo luận với đề xuất thu tiền trở lại. Tuy nhiên, do cho rằng chính sách “quá nhạy cảm”, thường xuyên có 2 luồng ý kiến trái chiều, nên HĐND TP đã “dời lại, bàn sau”. Từ đó, câu hỏi “làm sao chủ trương vừa đảm bảo được áp dụng đúng người, đúng đối tượng và an lòng dân…”, luôn là trăn trở cho các cấp lãnh đạo TP  Đà Nẵng.

Trước thực trạng trên, tại Kỳ họp thứ 6, HĐND khóa IX, UBND TP Đà Nẵng tiếp tục đề xuất, từ ngày 1/1/2018 sẽ chỉ hỗ trợ miễn phí giữ xe cho các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, diện chính sách theo quy định của TP (trừ Bệnh viện Tâm thần).  

Đại biểu Nguyễn Văn Phụng, Giám đốc Sở Tài chính TP Đà Nẵng cho biết, khi thành phố cho chủ trương thu phí trở lại sẽ hạn chế tình trạng “xe chết” nằm tại bãi. Các đối tượng theo dự thảo nghị quyết được hỗ trợ tiền trông giữ xe theo mức khoán 3 lượt/ngày/bệnh nhân. Trong đó, có 2 lượt trông giữ xe ban ngày và 1 lượt ban đêm. Bệnh nhân điều trị ngoại trú được hỗ trợ tiền trông giữ xe 1 lượt/ngày/người. Hình thức thu được áp dụng phương thức thanh toán thực tế số ngày khám và điều trị tại bệnh viện cho từng bệnh nhân.

Ông Phụng cũng cho rằng, khi tính toán giao cho đơn vị thu phí giữ xe, thành phố yêu cầu trích 20% tiền bổ sung vào quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo. Như vậy, theo ông, chính sách nhân văn cũ được thay đổi đúng luật và cũng thể hiện bằng một cách làm nhân văn khác.

Ngay sau đó, một số đại biểu đã có ý kiến phản hồi. Đại biểu Lê Minh Trung phân tích: “Mỗi năm, thành phố bỏ ra hơn 4,6 tỉ đồng. Con số có thể lớn, nhưng nếu chia cho 1 triệu người dân Đà Nẵng, mỗi người chỉ mua được bó rau. Nhưng cái được khi giữ lại chính sách cũ là lòng dân, sự tin yêu của cử tri. Đã vào BV thì không nên phân biệt giàu hay nghèo và không có cơ chế riêng xem xét. Do đó, Đà Nẵng không nên bỏ “thương hiệu” này. Ý kiến này của ông Trung cũng nhận được sự đồng tình của một số đại biểu khác.

Trong khi đó, trên trang đô thị Đà Nẵng, người dân cũng đưa ra nhiều ý kiến thể hiện sự không đồng tình. Anh Trần Tuấn (quận Hải Châu) nêu: “miễn phí giữ xe tại BV vốn là chính sách riêng biệt, rất nhân văn của Đà Nẵng… Số tiền nhỏ nhưng đã tạo ra thương hiệu lớn và giá trị đổi lại vô hình, không thể tính bằng tiền. Hơn nữa, nếu đi vào BV mà phải mang các loại giấy tờ chứng minh hộ nghèo, hộ chính sách và trải qua bao nhiêu thủ tục nhiêu khê và rắc rối, người bệnh đã mệt mỏi, càng mệt mỏi hơn”.  

Ông Lê Nho Trung, Phó Chủ tịch HĐND thành phố cũng đồng tình và trải lòng trước cử tri: “Nghèo đã khổ, đau đã khổ, nhưng hưởng ưu đãi còn khổ hơn thì chẳng ai muốn”. 

Tại Kỳ họp thứ 6, HĐND khóa IX, Nghị quyết về “tái thu tiền trông giữ xe” đã không được đưa ra biểu quyết vì để “nghiên cứu, xem xét lại”.

Đọc thêm