Miễn sao đừng lẫn lộn công - tư

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Câu chuyện xe công, vấn đề có nhiều lúc bị ồn ào bàn luận trong hàng chục năm qua, mới đây một lần nữa lại được một số đại biểu Quốc hội nêu lên tại kỳ họp Quốc hội,
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một số ý kiến cho rằng, Nghị định 04/2019/NĐ-CP về tiêu chuẩn định mức mua sắm ô tô quy định Văn phòng UBND cấp huyện được mua 1 xe ô tô với mức giá không quá 720 triệu đồng. Trong khi đó, công việc ở các địa phương, cơ sở rất nhiều, 1 xe không đáp ứng được yêu cầu. Hơn nữa, với giá đó thì chỉ mua được loại xe khó có thể đi công tác các vùng sâu, vùng xa, vùng đồi núi. Thực tế hiện nay, một số địa phương phải thuê xe để đi công tác, như vậy chưa chắc đã tiết kiệm mà còn lãng phí.

Còn có ý kiến cho rằng quy định tiêu chuẩn chức danh phó chủ tịch UBND huyện không được dùng xe công đi công tác một mình là chưa hợp lý. Có ý kiến cho rằng theo quy định hiện hành, định mức xe công còn cào bằng, chưa sát thực tiễn. Việc này dẫn đến có cơ quan nhu cầu xe ít lại được bố trí nhiều. Trong khi nhiều cơ quan, địa phương, địa bàn quản lý rộng, số lượng cán bộ thuộc diện được bố trí xe công phục vụ lớn nhưng lại chỉ được bố trí 1 - 2 xe. Dẫn đến cơ quan phải thuê, mượn ô tô, ảnh hưởng công việc và không tiết kiệm trong chi tiêu hành chính.

Thực tế, hiện nay Bộ Tài chính đang xây dựng nghị định về định mức sử dụng xe ô tô thay thế Nghị định 04/2019/NĐ-CP. Trong dự thảo, đã xác định thực tế triển khai Nghị định 04/2019/NĐ-CP đã phát sinh một số bất cập. Định mức sử dụng xe phục vụ công tác chung chưa phản ánh đầy đủ địa bàn, phạm vi, tính chất hoạt động, mức độ tự chủ, khối lượng nhiệm vụ phải thực hiện; việc không quy định tiêu chuẩn, định mức và không trang bị xe phục vụ công tác của các đơn vị trực thuộc cấp cục/sở/huyện có chức danh, có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 đến dưới 1,25 mà chuyển toàn bộ sang thuê dịch vụ/khoán kinh phí là chưa phù hợp với các đơn vị có tính đặc thù.

Với xe chuyên dùng, một số loại xe chưa quy định rõ tiêu chí, cách thức xác định, mối quan hệ giữa chủng loại xe và mục đích sử dụng, đồng thời giao thẩm quyền ban hành cho các bộ, cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh. Vì vậy, chủng loại và số lượng xe ô tô chuyên dùng còn có sự khác nhau.

Hơn nữa, giá mua xe hiện nay (được duy trì từ 2010 theo Quyết định 61/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng) đang thấp so với giá thị trường. Do đó, để lựa chọn được loại xe tương đương như trước đây, cũng như bảo đảm tính an toàn trong quá trình sử dụng với mức giá theo quy định là rất khó.

Thêm vào đó là việc quy định "cứng" phương thức quản lý xe ô tô tập trung với một số trường hợp (cơ quan bộ, cơ quan tổng cục, các văn phòng cấp huyện) chưa bảo đảm tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan có chức danh được sử dụng xe ô tô…

Trong dự thảo, nhiều quy định mới đã được thay đổi, như quy định cụ thể các chức danh được sử dụng xe phục vụ công tác chung, mà không quy định theo hệ số phụ cấp chức vụ như trước đây. Bổ sung ủy viên ban thường vụ huyện ủy, phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND cấp huyện vào đối tượng được sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung. Với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc bộ, cơ quan Trung ương được giao quyền tự chủ lớn, định mức xe được căn cứ vào số biên chế được giao. Giá mua xe phục vụ công tác chung nâng lên 950 triệu đồng/xe.

Muốn làm việc hiệu quả thì cần phương tiện. Sửa đổi một số quy định về xe công là rất cần thiết. Tuy nhiên, còn một vấn đề nữa các đại biểu và cơ quan soạn thảo cần lưu ý, đó là quy định về sử dụng xe công ra sao để không được sử dụng xe công vào việc tư, không nhập nhèm lẫn lộn xe công - việc tư. Đó mới là khía cạnh người dân quan tâm nhất.

Đọc thêm