“Kiến nghị rất nhiều nhưng chính quyền chưa có biện pháp gì”
Mỏ khai thác đá tại bản Tre Bó của Hợp tác xã Phương Nhung đã hoạt động nhiều năm. Người dân phản ánh từ khi mỏ đá hoạt động cũng là lúc dân bản phải sống trong cảnh bất an, khói bụi, tiếng ồn, rung chấn… hàng ngày. Việc nổ mìn phá đá có khi làm những hòn đá to bằng cái ấm văng xa hàng trăm mét đến tận nhà dân.
Đầu tháng 1/2021, có mặt tại khu vực, PV ghi nhận tình trạng mỏ đá hoạt động liên tục không ngừng nghỉ, tiếng máy móc, xe cộ, máy nghiền đá rầm rập từ sáng sớm tới chiều, đinh tai nhức óc.
Ngay phía chân núi của mỏ đá là hệ thống xay nghiền đá hoạt động hối hả, do không được xử lý dập bụi triệt để nên bụi phát ra trong quá trình xay nghiền đá tỏa ra xung quanh như đám mây mù, bao trùm cả một khu vực. Mỗi khi có cơn gió, bụi đá bị thổi cả vào trong bản Tre Bó làm nhà cửa, cây cối nhuốm một màu trắng xóa. Việc nổ mìn phá đá gây rung lắc, đứng cách xa hàng trăm mét vẫn cảm nhận rõ ràng.
Khoảng cách từ khu vực khai thác đá ra đến nhà dân và QL32 khá gần, nên mỏ đá còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, vì xe chở đá ra vào đột xuất không biển bảng thông báo. Nhiều chiếc xe tải cỡ lớn có dấu hiệu cơi nới thành thùng “vô tư” lưu thông chở vật liệu từ mỏ ra ngoài QL32 rồi di chuyển về các hướng mà không thấy sự xuất hiện của lực lượng chức năng nào kiểm tra xử lý.
Nhiều người dân bức xúc phản ánh mỏ đá gây ô nhiễm. |
Nhà ở gần mỏ đá, anh Cứ A Lềnh bức xúc: “Ngày nào cũng vậy, khi máy móc mỏ đá bắt đầu hoạt động, bụi lại bốc lên như đám mây, bám đầy vào nhà cửa, vật dụng sinh hoạt, cây cối… của gia đình tôi. Sống ở đây khổ lắm, lần nào họp xã, họp bản hoặc đại biểu HĐND xã, huyện xuống tiếp xúc cử tri, bà con đều phản ánh, kiến nghị nhưng nói rồi vẫn đâu vào đó”.
Trưởng bản Tre Bó Tráng A Lủng cho hay: “Hiện trong bản có 68 hộ, 406 nhân khẩu. Từ khi mỏ đá Phương Nhung đi vào hoạt động, bà con dân bản Tre Bó phải sống chung với bụi, tiếng ồn và rung chấn. Trước những ảnh hưởng đó, người dân đã có kiến nghị lên chính quyền địa phương rất nhiều lần nhưng phía chính quyền chưa có biện pháp gì”.
Đa số người dân đều chung bức xúc: “Từ khi mỏ đá hoạt động, người dân bản chưa ngày nào được sống yên ổn, nhất là lúc doanh nghiệp nổ mìn phá đá, tiếng nổ ầm ầm như động đất làm nhà cửa rung lên bần bật như sắp đổ. Ngày nào cũng sống trong cảnh bất an, không biết điều gì sẽ xảy đến nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài?”.
Không chỉ ô nhiễm bụi bặm, rung chấn, người dân cho hay việc khai thác đá còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất. Nhiều diện tích hoa màu vào vụ sản xuất kém phát triển do bụi đá bám vào, ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của người dân.
Theo quan sát, việc khai thác tại mỏ đá bản Tre Bó còn có dấu hiệu khai thác không đúng quy định, không cắt tầng khai thác, khai thác vách đứng để lại nhiều đá om, đá treo, hàm ếch, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng tính mạng người lao động.
Xe tải ra vào mỏ đá. |
Huyện “chưa nghe thấy lời phản ánh nào”?
Như Trưởng bản nói, người dân đã phản ánh, kiến nghị rất nhiều lần lên các cơ quan chức năng nhiều năm qua, đề nghị sớm vào cuộc xử lý, nhưng vì sao tình trạng này vẫn “dậm chân tại chỗ”?
Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Phúc Than cho biết: “Tình trạng đá văng, bụi bặm và rung chấn ảnh hưởng đến cuộc sống người dân là có. Lần gần đây nhất, ngày 23/11/2020 tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV tại xã, cử tri bản có phản ánh hai nội dung: Khai thác đá gây ô nhiễm môi trường và mỏ đá lấp mất đường đi của bà con dân bản. Đại diện cơ quan chức năng UBND huyện và UBND tỉnh cũng trực tiếp xuống làm việc rồi trả lời đã có đánh giá tác động về môi trường với khu vực xung quanh mỏ đá, nơi bà con sinh sống. Về thẩm quyền của xã, khi có ý kiến, kiến nghị của người dân thì xã tiếp thu và tham mưu đề xuất tới cơ quan cấp trên”.
Tuy nhiên, Phó phòng TN&MT huyện Than Uyên, ông Đào Văn Cảnh lại cho rằng: “Chúng tôi chưa nghe thấy lời phản ánh nào từ người dân xung quanh mỏ đá. Còn muốn tìm hiểu thêm và lấy tài liệu liên quan đến mỏ đá Phương Nhung thì xin phép trả lời sau”. Với lý do Trưởng phòng xin nghỉ, ông Cảnh nói “sẽ trả lời khi được chấp thuận phát ngôn từ cấp trên”.
Mỏ đá Phương Nhung đã hoạt động được cả chục năm nay và nằm gần QL32, nên rất bất thường khi thôn xã đã công nhận mỏ đá gây nhiều hệ lụy, trong khi Phòng TN&MT huyện lại “không nắm được sự việc”. Một người dân địa phương bức xúc: “Như vậy cơ quan chức năng lơ là công việc hay cố tình bỏ qua sai sót để mỏ đá vi phạm?”.