Mô hình ngành dọc của QLTT: Nâng cao hiệu quả trong phòng chống hàng giả, hàng lậu

(PLVN) - Sau một năm chính thức đi vào hoạt động, mô hình ngành dọc của Quản lý thị trường (QLTT) đã chứng minh được hiệu quả xuyên suốt trong quá trình đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng lậu, hàng gian lận thương mại…
Lực lượng QLTT phối hợp với Công an kiểm tra xưởng sản xuất hàng giả thương hiệu The North Face
Lực lượng QLTT phối hợp với Công an kiểm tra xưởng sản xuất hàng giả thương hiệu The North Face

Truy tận gốc vi phạm

Ví dụ đầu tiên thể hiện tính hiệu quả của mô hình tổ chức này là được kể đến là vụ kiểm tra, xử lý mặt hàng amply giả mạo tại Quảng Bình.

Theo đó, từ báo cáo của Cục QLTT Quảng Bình phát hiện một đối tượng vận chuyển amlpy có dấu hiệu giả mạo xuất xứ và mặt hàng này được giao dịch tại một địa chỉ ở TP Hồ Chí Minh, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo Cục QLTT TP Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra, xử lý vụ việc.

Kết quả, tại TP Hồ Chí Minh, 153 đơn vị sản phẩm và các nguyên vật liệu sản xuất đã bị thu giữ, sau đó Tổng cục đã chỉ đạo chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra về hành vi giả mạo xuất xứ. 

Đại diện Tổng cục cho biết, dù giá trị vi phạm của vụ việc này không lớn (khoảng gần 50 triệu) nhưng bước đầu đã khẳng định mô hình xuyên suốt từ trung ương đến địa phương là rất hiệu quả, đặc biệt trong việc tìm đến tận gốc các cơ sở sản xuất hàng giả, hàng vi phạm pháp luật.

Theo đại diện Tổng cục QLTT, việc truy tận gốc các cơ sở sản xuất hàng giả là quan trọng nhất trong các hoạt động phòng chống đấu tranh chống hàng giả, hàng gian lận thương mại bởi các mặt hàng vi phạm pháp luật đều từ nguồn này và tỏa đi khắp nơi, nếu không phải mô hình ngành dọc, lực lượng QLTT sẽ chỉ có thể xử lý được phần ngọn của vấn đề.  

Sau vụ việc đầu tiên, Tổng cục đã trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, xử lý một số vụ việc vi phạm nghiêm trọng khác, xảy ra trên nhiều địa bàn liên tỉnh, có dấu hiệu tội phạm như vụ kiểm tra hàng giả, hàng cấm tại Móng Cái; vụ kiểm tra thực phẩm nhập lậu tuyến Lào Cai - Yên Bái - Hà Nội; vụ kiểm tra đồng hồ giả mạo Thụy Sĩ tại Khánh Hòa và Đà Nẵng; vụ kiểm tra điện thoại giả mạo nhãn hiệu SAMSUNG, vụ kiểm tra hàng đường cát, vải, quần áo nhập lậu tại An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh; vụ ấn phẩm nhập lậu tại Hà Nội; vụ sản xuất sản phẩm thời trang giả mạo thương hiệu The North Face tại Hưng Yên. 

Báo cáo tổng kết sau 1 năm hoạt động theo mô hình ngành dọc nói trên cho thấy, lực lượng QLTT đã kiểm tra trên 141.000 vụ; phát hiện, xử lý 82.300 vụ vi phạm; Thu nộp ngân sách nhà nước 430 tỷ đồng. Ước tính trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỷ đồng; Đã chuyển 107 vụ việc sang cơ quan  tiến hành tố tụng hình sự, trong đó 26 vụ việc đã khởi tố, 29 vụ việc không khởi tố và 54 vụ việc đang điều tra, xử lý. 

Mở rộng hợp tác với nhiều đơn vị

Thời gian qua, được sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, lực lượng QLTT đã tham gia, triển khai nhiều chuyên đề, kế hoạch kiểm tra cao điểm vào các lĩnh vực mặt hàng như xăng dầu, phân bón, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, buôn lậu trên tuyến đường bộ, đường sắt... 

Qua đó, các lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều vụ việc, ổ nhóm lớn. Điển hình là vụ việc kiểm tra 18 kho hàng tại quận 6, TP Hồ Chí Minh trong đầu tháng 5/2019, bước đầu đã xác định được nhiều đối tượng kinh doanh hàng lậu, hàng cấm với quy mô tương đối lớn, vụ việc đang được điều tra, xác minh làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tổng cục QLTT cũng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong Bộ như Cục Hóa chất, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Vụ Thị trường trong nước...  thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, ý thức được thực tế lực lượng QLTT còn mỏng, địa bàn rộng, phương tiện thiếu…,  nên Tổng cục  đã mở rộng hợp tác với nhiều đơn vị, để nối dài hơn “cánh tay” của mình trong hoạt động QLTT. 

Cụ thể, Tổng cục đã tiến hành ký nhiều Quy chế phối hợp với các đơn vị như Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Hà Nội, Hiệp hội Thông tin tư vấn kinh tế thương mại Việt Nam, các chủ sở hữu các thương hiệu  lớn trên thế giới... để tăng thêm hiệu quả trong các hoạt động đấu tranh, phòng chống với hàng giả, hàng lậu, hàng gian lận thương mại…

Đọc thêm